Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV: Thiết lập chế tài mạnh xử lý vi phạm trong hoạt động quảng cáo

17:45, 25/11/2024

Chiều 25/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.

Đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận, đa số đại biểu cơ bản tán thành, thống nhất về sự cần thiết sửa đổi một số điều của Luật Quảng cáo và bày tỏ kỳ vọng luật sẽ được sửa đổi, bổ sung với quan điểm, cách thức quản lý mới, góp phần thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển công nghiệp văn hóa, trong đó có ngành quảng cáo, khắc phục những tồn tại, hạn chế của Luật Quảng cáo hiện hành, góp phần xây dựng thị trường quảng cáo ở Việt Nam phát triển phù hợp với xu thế phát triển chung của quảng cáo trên thế giới.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành nội dung phiên họp. Ảnh: quochoi.vn
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành nội dung phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

Góp ý về quảng cáo trên báo in, báo nói, báo hình, đại biểu cho rằng, trước xu thế phát triển của quảng cáo trên mạng thì việc tăng diện tích, tăng thời lượng quảng cáo cho báo chí là một trong những yếu tố quan trọng và rất cần thiết, phần nào góp phần cho các cơ quan báo chí tăng nguồn thu, giải quyết khó khăn trong việc thực hiện tự chủ tài chính.

Tuy nhiên, quan trọng vẫn là đổi mới, nâng cao chất lượng chương trình và tăng chất lượng cho các nội dung quảng cáo chứ không chỉ tăng thời lượng, diện tích quảng cáo lên quá nhiều, dễ ảnh hưởng đến thị hiếu của bạn đọc, bạn xem đài.

Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, đánh giá kỹ tác động để việc quy định tăng diện tích, thời lượng quảng cáo có tỷ lệ thực sự phù hợp và thuyết phục hơn. Bên cạnh đó, cần có những quy định ràng buộc về tỷ lệ diện tích, vị trí quảng cáo đối với từng loại hình báo chí khác nhau.

Liên quan đến quảng cáo rao vặt, đại biểu cho rằng, nhu cầu quảng cáo rao vặt cũng như các dịch vụ quảng cáo rao vặt của người dân là rất lớn và là nhu cầu thiết yếu. Vì vậy, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu bổ sung hoàn thiện quy định về quảng cáo rao vặt.

Đại biểu tham dự phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn
Đại biểu tham dự phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn

Trong đó, xác định rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc bố trí địa điểm quảng cáo rao vặt; có chế tài đủ mạnh xử lý hành vi vi phạm, tạo hành lang pháp lý cho quảng cáo rao vặt đúng pháp luật; vừa văn minh, vừa hiệu quả và không gây ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.

Đối với quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt, đại biểu đề nghị đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát, bổ sung các quy định về yêu cầu đối với nội dung quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt (như: rượu, bia; sản phẩm dinh dưỡng; các loại hóa chất độc hại, hóa chất nguy hiểm, thuốc bảo vệ thực vật…), bảo đảm thống nhất với các luật chuyên ngành. Và khi có trường hợp các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt khác phát sinh trên thực tế thì tiếp tục giao Chính phủ quy định để bảo đảm sự linh hoạt trong điều hành.

Quan tâm đến các quy định về quản lý và xử lý các vi phạm trong hoạt động quảng cáo, đại biểu nêu rõ, hiện nay, hơn 70% các trường hợp vi phạm quảng cáo trực tuyến bị xử lý chậm do thiếu quy định đồng bộ. Do vậy, đại biểu đề nghị cần bổ sung điều khoản chuyên biệt về quảng cáo trực tuyến vào trong dự thảo luật.

Quang cảnh phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn
Quang cảnh phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn

Theo đó, xây dựng quy định quản lý các hình thức quảng cáo mới bao gồm quảng cáo trên mạng xã hội, quảng cáo ứng dụng trí tuệ nhân tạo…; đưa ra hướng dẫn rõ ràng về trách nhiệm và nghĩa vụ của các bên tham gia quảng cáo; thành lập cơ chế phối hợp liên ngành, hợp tác giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Thông tin - Truyền thông và Bộ Công an để xử lý các vi phạm hiệu quả hơn. 

Quan tâm đến việc kiểm soát nội dung quảng cáo trực tuyến, đại biểu đề nghị cần bổ sung quy định bắt buộc các nền tảng phải rà soát và kiểm duyệt nội dung quảng cáo trước khi hiển thị; thiết lập chế tài mạnh, yêu cầu gỡ bỏ nội dung vi phạm trong thời hạn 24 giờ. Đặc biệt, nâng mức phạt hành chính đối với hành vi quảng cáo sai sự thật lên đến 2 - 3 lần lợi ích thu được; công khai danh sách các doanh nghiệp vi phạm để răn đe…

Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong quảng cáo trực tuyến, đại biểu yêu cầu các quảng cáo phải ghi rõ thông tin sản phẩm, dịch vụ, đơn vị chịu trách nhiệm và cơ chế hỗ trợ sau bán hàng. Cùng với đó, ban hành chế tài nghiêm khắc đối với việc sử dụng dữ liệu cá nhân khách hàng một cách trái phép; tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về quyền riêng tư và bảo vệ thông tin cá nhân…

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận. Ảnh: quochoi.vn
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận. Ảnh: quochoi.vn

Phát biểu giải trình tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng khẳng định lĩnh vực quảng cáo là lĩnh vực khó; so với Luật Quảng cáo hiện hành, dự thảo luật có nhiều điểm mới, trong đó đặc biệt có nội dung về quảng cáo trên không gian mạng.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, sẽ chưa thể lường hết được hình thức quảng cáo này sẽ phát triển như thế nào trong bối cảnh khoa học công nghệ đang phát triển nhanh như vũ bão hiện nay. 

Trong quá trình xây dựng và hoàn thiện dự thảo Luật, Bộ trưởng cho biết, việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu cùng là một yêu cầu lớn. Bên cạnh đó cũng phải đáp ứng được cả yêu cầu hội nhập…

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu rõ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì thẩm tra để tiếp tục hoàn thiện và đảm bảo chất lượng của dự thảo luật…

Cũng trong phiên làm việc buổi chiều, Quốc hội xem xét, đánh giá tờ trình, báo cáo thẩm tra về các giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19 để Tổng Công ty Hàng không Việt Nam sớm phục hồi và phát triển bền vững; tiếp đó thảo luận ở hội trường về nội dung này.

Lan Anh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc