Multimedia Đọc Báo in

Sáng kiến thúc đẩy cải cách hành chính

08:34, 06/11/2024

Năm 2023, chỉ số cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh Đắk Lắk đạt 87,33 điểm, xếp thứ 28/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; so năm 2022 tăng 2,86 điểm, cải thiện 10 bậc.

Chỉ số sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) năm 2023 của tỉnh đạt 81,49%, xếp thứ 39/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tăng 1,02%... Kết quả này, có sự đóng góp không nhỏ của những mô hình sáng kiến thúc đẩy nâng cao hiệu lực, hiệu quả phục vụ hành chính công.

Thời gian qua, việc nghiên cứu, tìm tòi, đề xuất các sáng kiến CCHC nhằm tìm kiếm những cách làm mới, làm hay, giúp gia tăng hiệu quả, khắc phục những khó khăn trong thực tế thực thi nhiệm vụ đang trở thành phong trào sôi nổi được các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh chú trọng triển khai.

Trong năm 2023, toàn tỉnh có 6 sáng kiến CCHC, cách làm mới được Trung ương ghi nhận, đánh giá cao. Nhiều sáng kiến, giải pháp CCHC được triển khai mang lại hiệu quả thiết thực, như: nghiên cứu xây dựng đề án báo cáo Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội ban hành thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Buôn Ma Thuột; HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết quy định giảm phí, lệ phí khi thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) trực tuyến để khuyến khích người dân, doanh nghiệp (DN) thực hiện dịch vụ công trực tuyến; tổ chức thành công Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Đắk Lắk năm 2023 tạo cơ hội giao lưu, học hỏi kinh nghiệm giữa các tổ chức, cá nhân khởi nghiệp, các DN nhỏ và vừa với chuyên gia hỗ trợ khởi nghiệp, các DN tiêu biểu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; bổ sung tính năng Điểm tin Dịch vụ công hằng tuần trên ứng dụng Đắk Lắk G thực hiện thống kê số lượng hồ sơ trễ hạn, xử lý hồ sơ nộp online quá 8 giờ chưa tiếp nhận và gửi cảnh báo đến lãnh đạo các cơ quan, đơn vị; thực hiện “Tuyến phố thanh toán không tiền mặt”; triển khai tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân qua dịch vụ phản ánh hiện trường tại 15 huyện, thị xã, thành phố... 

Người dân được tư vấn, hỗ trợ sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Trong đó, xây dựng “Tuyến phố thanh toán không tiền mặt” do Sở Công Thương chủ trì là mô hình mới đã góp phần thúc đẩy, nâng cao tiện ích cho người tiêu dùng và các cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt.

Đường Phan Chu Trinh là tuyến phố đầu tiên của TP. Buôn Ma Thuột thực hiện mô hình này từ tháng 6/2023. Đến nay, mô hình đã tiếp cận khoảng gần 200 DN, lấy thông tin khoảng 170 DN, trong đó có 70 DN đồng ý tham gia chương trình và 15 hộ kinh doanh nhận hỗ trợ triển khai định danh thương hiệu số. Mô hình đã tạo cơ hội cho người dân được trải nghiệm các dịch vụ tiện ích, từng bước thay đổi thói quen trong chi tiêu, mua sắm, kinh doanh. Hình thức thanh toán không dùng tiền mặt đã được nhiều DN, hộ kinh doanh, người dân quan tâm thực hiện.

Chị Hoàng Thị Hưởng, kinh doanh cửa hàng hoa quả sạch Fuji trên đường Phan Chu Trinh chia sẻ: "Áp dụng đa dạng hình thức thanh toán, trong đó có thanh toán bằng cách quét mã QR, chuyển khoản đem lại nhiều tiện lợi, theo đó cũng gia tăng sự hài lòng của khách hàng khi đến giao dịch; đồng thời giúp dễ quản lý, theo dõi hoạt động kinh doanh của mình hơn".

Giám sát các dịch vụ tại Phòng Hạ tầng - Đô thị thông minh thuộc Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC) tỉnh Đắk Lắk.

Tại cơ sở, chính quyền các địa phương cũng tích cực triển khai mô hình, sáng kiến phù hợp với tình hình thực tế, hữu ích đã mang lại hiệu quả trong quản lý, điều hành công việc, phục vụ người dân, DN. Ở xã Bình Hòa, huyện Krông Ana, từ cuối năm 2023 đến nay, đã có 2 mô hình sáng kiến CCHC được triển khai thực hiện là: “Ngày thứ 6 nhanh” và “Thanh niên xung kích hỗ trợ người dân nộp hồ sơ trực tuyến". Ông Lê Như Diệu, Chủ tịch UBND xã Bình Hòa cho biết, những sáng kiến áp dụng đã tạo chuyển biến trong CCHC trên địa bàn, không chỉ tạo thuận lợi cho người dân, DN mà còn bảo đảm chất lượng, hiệu quả việc tiếp nhận và giải quyết TTHC. Đây là tiền đề quan trọng để xã tiếp tục thực hiện CCHC trong thời gian đến.

Để khuyến khích, nhân rộng những mô hình, sáng kiến hữu ích trong CCHC, UBND tỉnh đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ, công chức viên chức; tổ chức, phát động các cuộc thi để tạo sức lan tỏa. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị định hướng nghiên cứu, phát huy những giải pháp sáng kiến phù hợp để tạo bước đột phá trong CCHC của tỉnh, qua đó xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, minh bạch, vững mạnh, hiện đại.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc