Những ân tình từ cơ sở
Mỗi bài báo được đăng tải và đến tay bạn đọc là cả một hành trình với nhiều cung bậc cảm xúc của người đi và viết. Trong đó, ngoài những niềm vui, nỗi buồn, sự trăn trở thì mỗi phóng viên chúng tôi luôn mang nặng ân tình với cơ sở.
Năm 2023, khi thực hiện một loạt phóng sự về đề tài tài nguyên và môi trường, chúng tôi đã liên hệ với chính quyền huyện Lắk để nắm bắt tình hình thực tế.
Để đến được nơi những bờ sông đang bị sạt lở nghiêm trọng, chúng tôi được một cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện chở đi bằng ô tô riêng từ trung tâm huyện vào xã Nam Ka với quãng đường khá xa, đèo dốc ngoằn ngoèo. Đến nơi, chúng tôi tiếp tục được cán bộ huyện và xã hỗ trợ đưa đến tận những mép sông đang bị sạt lở và đến từng hộ gia đình có phần đất bị “trôi” theo dòng chảy giữa cái nắng rát da của tiết trời tháng ba. Có nhiều đoạn đường, chúng tôi phải đi bộ băng qua rẫy của người dân để có thể đến được hiện trường...
Chuyến đi đó, nếu không có các cán bộ địa phương đi cùng chắc hẳn chúng tôi sẽ rất khó tiếp cận được hiện trường sạt lở và gặp gỡ được người dân đang bức xúc vì bị mất đất, mất cây trồng.
Cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lắk kiểm tra tình hình sạt lở bờ sông ở xã Nam Ka. |
Những chuyến đi cơ sở nắm thêm thông tin sạt lở bờ sông ở các huyện khác sau đó, chúng tôi cũng được cán bộ, người dân nhiệt tình hỗ trợ đưa đến các điểm sạt lở, khu vực đang khai thác cát trái phép... Nhờ sự giúp đỡ nhiệt tình, trách nhiệm của cán bộ, người dân ở cơ sở, bài viết của chúng tôi đã phản ánh kịp thời thực trạng đang diễn ra và nhận được phản hồi tích cực từ phía bạn đọc và cơ quan chức năng.
Còn nhớ trong một chuyến đi cơ sở đến xã vùng sâu Ea Kiết (huyện Cư M’gar) vào cuối năm 2009, thời điểm đó đường đi vào xã mùa mưa thì lầy lội, nắng thì bụi mù mịt và đầy ổ voi, ổ gà. Mặc dù đi từ sáng sớm, chúng tôi phải mất gần một buổi mới tìm được đến nơi. Sau khi làm việc tại một trường tiểu học xong thì cũng đến giờ cơm trưa, chúng tôi được các thầy cô mời ăn bữa cơm đạm bạc chỉ có ít rau và cá khô. Với chúng tôi, đó là bữa cơm “xa xỉ”, bởi thời điểm đó, quán ăn trên địa bàn xã dường như không có.
Phóng viên Báo Đắk Lắk tìm hiểu thông tin, tư liệu để viết bài. |
Đặc biệt hơn, đến chiều tối, khi rời khỏi buôn làng xa xôi, nghèo khó thì trời đổ mưa. Đoạn đường từ trung tâm xã ra huyện biến thành sình lầy nhão nhoẹt, tiến không được, lùi cũng không xong. Trước tình huống đó, chúng tôi đành phải gọi điện "cầu cứu" một cán bộ xã, và anh vui vẻ đến ngay, tận tình hỗ trợ chúng tôi "thoát" khỏi đoạn đường...
Hơn 15 năm làm báo, trên hành trình đi và viết, đặc biệt là những chuyến công tác đến các vùng sâu, vùng xa, tôi may mắn gặp được sự giúp đỡ nhiệt tình của người dân, cán bộ cơ sở; để sau đó có những tác phẩm báo chí mang đậm hơi thở cuộc sống. Nếu không nhận được những tấm chân tình đó, có lẽ không ít lần chúng tôi phải nhịn đói, bỏ bữa; cũng không tránh khỏi những cú ngã sóng soài do tay lái yếu, không quen đi đường gập ghềnh sỏi đá. Chính ân tình đó đã giúp những người làm báo thêm hứng khởi, thêm yêu và gắn bó với nghề.
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc