Những “cây kơ nia” của buôn làng
Với uy tín, kinh nghiệm sống, các già làng như “cây kơ nia” vững vàng trước mọi biến động của cuộc sống, trở thành chỗ dựa tin cậy của người dân trên tiến trình phát triển của buôn làng.
“Đầu tàu” ở buôn Ea Nao B
Già làng Y Loét Êban (buôn Ea Nao B, xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột) luôn tích cực tham gia các hoạt động của xã và là một trong những nông dân điển hình trong phong trào phát triển kinh tế của địa phương. Gia đình ông có 1 ha cà phê xen canh hồ tiêu, sầu riêng, 1 sào ruộng trồng lúa nước.
Năm 2022, khi cà phê già cỗi năng suất thấp, ông đã lựa chọn cưa đốn để ghép cải tạo giống cà phê mới TR4 vừa tiết kiệm thời gian, chi phí vừa hạn chế sự ảnh hưởng lên sầu riêng và hồ tiêu trong vườn. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật mà vườn cây phát triển tốt, bình quân mỗi năm thu về khoảng 250 triệu đồng tiền lãi.
Già làng Y Loét Êban, buôn Ea Nao B (xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột) chăm sóc vườn cây xen canh của gia đình. Ảnh: T. Hường |
Cùng với chăm lo làm ăn phát triển kinh tế gia đình, ông còn luôn quan tâm đến sự phát triển chung của buôn. Ông cho hay, khoảng vài năm trở lại đây, do ảnh hưởng của "cơn sốt đất", một số người dân vì cái lợi trước mắt đã bán đất lấy tiền tiêu xài, sau đó phải đi làm thuê. Trước thực trạng đó, ông đã đến từng nhà vận động người dân giữ đất, giữ vườn và phát triển kinh tế bằng nhiều cách khác nhau như: kết hợp trồng trọt và chăn nuôi, thâm canh tăng năng suất cây trồng, thay thế giống mới năng suất cao… Nhờ đó buôn Ea Nao B vẫn giữ được sự bình yên vốn có trước những tác động tiêu cực của đô thị hóa, người dân cần cù lao động sản xuất, ổn định đời sống, buôn có 5 nông dân sản xuất kinh doanh giỏi với mức thu nhập trên 500 triệu đồng/năm, điển hình như các hộ Y Thim Byă, Y Nhim Knul, Y Then Kbuar…
Hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, năm 2017 gia đình ông Y Loét Êban tiên phong dỡ hàng rào, hiến 300 m2 đất và vận động người dân trong buôn cùng hưởng ứng, cả buôn đã hiến 2.000 m2 để mở rộng tuyến đường liên buôn từ 4 m lên 8 m.
“Từ điển sống” của buôn Tara
Với 28 năm tuổi Đảng, già làng Y Brắk Knul được người dân buôn Tara (xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc) tin tưởng xem như “từ điển sống”, mỗi khi có công việc khó khăn cần hỏi người đi trước hoặc trong buôn có mâu thuẫn, xích mích thì bà con lại tìm tới để được sẻ chia, hướng dẫn cách giải quyết.
Trước đây già Y Brắk Knul là công nhân Công ty Cà phê Cư Pul. Nhờ làm tốt công việc được giao, ông được bầu làm tổ trưởng tổ sản xuất cà phê và được kết nạp vào Đảng. Phát huy vai trò gương mẫu của đảng viên, khi về với buôn làng, ông luôn tích cực đi đầu trong các phong trào, hoạt động chung và được tín nhiệm làm già làng từ năm 2015. Không chỉ gương mẫu thực hiện và vận động người dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, ông còn gần gũi lắng nghe tâm tư nguyện vọng của bà con, nắm bắt kịp thời tình hình ở cơ sở để có hướng xử trí phù hợp.
Già làng Y Brắk Knul, buôn Tara (xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc) chia sẻ kinh nghiệm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân cho lực lượng dân quân tự vệ địa phương. Ảnh: T. Hường |
Già Y Brắk Knul tâm sự, những năm gần đây cà phê, sầu riêng, hồ tiêu được giá, đời sống người dân ngày càng tốt hơn. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau mà một số thanh niên trong buôn đã có những hành động vượt quá tầm kiểm soát, gây hấn với nhau hay mâu thuẫn với cha mẹ, anh em trong gia đình. Khi nắm bắt sự việc, già đến từng nhà gặp gỡ, khuyên răn từng cháu một để cùng tìm hướng giải quyết mâu thuẫn. Sau mỗi sự việc giải quyết ổn thỏa, bà con lại tìm đến ông nhiều hơn để được giãi bày hay nhờ cậy hỗ trợ gia đình trong việc giáo dục con cái. Sự tín nhiệm của người dân không chỉ là niềm vinh dự mà còn là cơ hội để ông được cống hiến, được góp phần vào sự phát triển của buôn làng. Nhiệt tình với phong trào chung, ông cũng quan tâm chu toàn việc nhà, nuôi dạy con cháu học hành đến nơi đến chốn, có nghề nghiệp ổn định…
Góp sức vào sự đổi mới của buôn Trinh I
Được bầu làm già làng buôn Trinh I (phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ) từ năm 2014, già làng Y Ngắt Niê luôn nhiệt tình, trách nhiệm với công việc của buôn.
Uy tín của già Y Ngắt Niê được tạo dựng từ những hành động thiết thực ngay từ chính gia đình như chú trọng ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất cây trồng, phát triển kinh tế, chăm lo cho con cháu học hành, có cơ ngơi, sự nghiệp riêng; cùng với đó là tinh thần cống hiến cho cộng đồng, hết lòng vì việc chung. Cách đây hơn 20 năm, người dân vẫn còn giữ tập quán canh tác phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên nên mất mùa triền miên, cái ăn không đủ, cuộc sống thiếu thốn đủ bề. Trước thực tế đó, ông đã tham gia vào các phong trào tại địa phương, được tiếp cận những lớp tập huấn ngắn hạn về ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, vận động gia đình tiên phong xóa bỏ vườn tạp trồng cây cà phê để người dân trong buôn làm theo. Có thời điểm cà phê mất giá, nhiều người nhổ bỏ cà phê “chạy” theo cây trồng mới, ông đã đến từng nhà giải thích, vận động bà con thực hiện đa canh, trồng xen mắc ca, sầu riêng, hồ tiêu nhằm gia tăng giá trị kinh tế trên cùng một diện tích.
Già làng Y Ngắt Niê (bìa trái) nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân buôn Trinh I, phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ. Ảnh: G. Nga |
Học theo già làng, người dân buôn Trinh I đã tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế, hiện buôn không còn hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người đạt 60 triệu đồng/năm. Diện mạo buôn Trinh I đổi thay từng ngày, khang trang, sạch đẹp với hơn 60% đường trong buôn được nhựa hóa, 95% số hộ dân được dùng nước hợp vệ sinh...
Với những đóng góp tích cực cho buôn làng, già làng Y Ngắt Niê, Y Brắk Knul và Y Loét Êban đã nhiều lần được các cấp khen thưởng trên nhiều lĩnh vực như bảo vệ an ninh Tổ quốc, phát triển kinh tế vùng dân tộc thiểu số, xây dựng nông thôn mới... Tuy nhiên, đối với họ, phần thưởng lớn nhất chính là sự tin yêu của người dân, là buôn làng ngày càng giàu đẹp, yên vui.
Thanh Hường – Giang Nga
Ý kiến bạn đọc