Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV:

Tạo hành lang pháp lý, tháo gỡ các “điểm nghẽn” về thể chế

14:45, 13/02/2025

Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, sáng 13/2, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.

Qua thảo luận, đa số các đại biểu bày tỏ sự đồng tình với việc Quốc hội xem xét cũng như tính cấp thiết của việc ban hành hai dự án Luật và Nghị quyết trên như các tờ trình và báo cáo thẩm tra nêu. Đây là cơ sở pháp lý rất quan trọng cho việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước hiệu lực, hiệu quả.

Thảo luận cụ thể với dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), các ý kiến phát biểu đã phân tích, chỉ ra một số điểm mới của dự án Luật so với luật hiện hành.

Các quy định mới này là cần thiết để đảm bảo tính gắn kết giữa Luật Tổ chức Chính phủ với Luật Tổ chức Quốc hội; đồng thời đảm bảo sự thống nhất giữa Luật Tổ chức Chính phủ với các Luật tổ chức TAND, Viện KSND và các luật liên quan đến trình tự tố tụng như Bộ Luật Tố tụng hình sự, Bộ Luật Tố tụng dân sự và các luật khác có liên quan. Điều này cũng phân định rõ thẩm quyền giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Về phân cấp và ủy quyền tại Điều 8, Điều 9 của dự thảo Luật, một số đại biểu cho rằng việc quy định phân cấp, ủy quyền tại dự thảo luật đã góp phần hoàn thiện các nội dung mang tính nguyên tắc về phân cấp, ủy quyền giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan ngang bộ với chính quyền địa phương.

Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk tham gia phiên thảo luận tại Tổ 13. Ảnh: quochoi.vn
Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk tham gia phiên thảo luận tại Tổ 13. Ảnh: quochoi.vn

Các đại biểu cũng đánh giá cao dự thảo Luật đã có các quy định rõ hơn nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, qua đó đảm bảo Chính phủ thực hiện chức năng của các cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, thực hiện quyền hành pháp; chủ động, linh hoạt và tập trung vào quản lý vĩ mô, xây dựng chính sách pháp luật, chiến lược, quy hoạch cũng như kế hoạch.

Đóng góp ý kiến về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), các ý kiến thảo luận cho rằng, nội dung của dự thảo Luật phù hợp với quan điểm, định hướng của Đảng về tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương, thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, hợp lý giữa Trung ương và địa phương theo phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”. Đồng thời, tạo hành lang pháp lý để xử lý những vấn đề thực tiễn đang đặt ra, tháo gỡ các “điểm nghẽn” về thể chế và khơi thông nguồn lực, tạo ra động lực mới cho sự phát triển.

Góp ý cụ thể với dự thảo Luật, một số đại biểu đề nghị cần có những quy định rõ ràng, cụ thể và chặt chẽ hơn về tổ chức, hình thức hoạt động của HĐND các cấp cũng như mối quan hệ giữa HĐND với UBND cùng cấp, nhất là cơ chế phân cấp, ủy quyền; các quy định về miễn nhiệm những người giữ các chức vụ do HĐND bầu.

Liên quan đến tổ chức thực hiện Nghị quyết về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, một số đại biểu lưu ý, Nghị quyết có thời hạn thi hành ngắn nên đề nghị Chính phủ cần có kế hoạch thực hiện cụ thể; đồng thời đề nghị quy định Nghị quyết này có hiệu lực thi hành ngay khi Quốc hội thông qua, tạo cơ sở pháp lý "càng sớm càng tốt" cho các cơ quan từ Trung ương đến địa phương thực hiện việc sắp xếp và chuyển giao chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, sẵn sàng đi vào hoạt động ngay từ thời điểm có quyết định của cơ quan có thẩm quyền về việc sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước…

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt, Phó trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk phát biểu tại phiên thảo luận tổ. (Ảnh chụp màn hình)
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt, Phó trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh chụp qua màn hình.

Tham gia thảo luận tại Tổ 13, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt, Phó trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk đã nêu một số ý kiến liên quan đến dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).

Theo đại biểu, tại Điều 8, khoản 1, quy định về vấn đề đối thoại giữa chính quyền địa phương cấp xã với nhân dân có nêu rõ: Hằng năm chính quyền địa phương có trách nhiệm tổ chức ít nhất 1 lần hội nghị đối thoại với nhân dân để trao đổi về tình hình hoạt động của chính quyền địa phương và những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của nhân dân ở địa phương.

Đại biểu cho rằng, quy định như thế chưa đầy đủ, bởi việc tổ chức đối thoại không chỉ là tuyên truyền, thông tin, mà bản chất của việc đối thoại là giải quyết ngay những vấn đề nổi cộm, bức xúc, những chính sách triển khai đến nhân dân mà còn nhiều vấn đề người dân chưa thụ hưởng được.

Do đó đại biểu đề nghị bổ sung thêm nội dung là giải quyết kịp thời những vấn đề nổi cộm, bức xúc mà chính quyền cũng như chính sách, pháp luật của Nhà nước trong quá trình triển khai thực hiện chưa đáp ứng được nhu cầu chính đáng của người dân. Điều này cũng nhằm phân biệt rõ hơn hoạt động đối thoại với các hội nghị bình thường khác.

Bên cạnh đó, tại khoản 2 của điều này, quy định thành phần tham gia đối thoại là giao cho UBND xã có trách nhiệm phối hợp Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp chủ trì tổ chức hội nghị đối thoại và trong quá trình chủ trì mời Thường trực HĐND và sự tham gia của MTTQ Việt Nam. Đại biểu cho rằng, trong những trường hợp cần thiết có thể mời thêm một số thành phần liên quan để cùng giải đáp, giải quyết những vấn đề thắc mắc, đề nghị chính đáng, hợp pháp của người dân…

Liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND cấp tỉnh, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt cho biết: Theo quy định tại Điều 16, điểm q, khoản 1 dự thảo quy định việc thu hồi, bãi bỏ, sửa đổi bổ sung một phần hoặc toàn bộ văn bản do mình ban hành khi xét thấy không còn phù hợp hoặc trái pháp luật; tuy nhiên, theo quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và cả dự thảo đang sửa đổi thì việc thu hồi văn bản chỉ là một biện pháp nghiệp vụ văn thư lưu trữ, chứ không phải là một quy định về hiệu lực pháp lý của một văn bản.

Đại biểu cho rằng, việc quy định như thế sẽ dẫn đến vấn đề tùy tiện trong ban hành, xử lý văn bản, do vậy cần phải nghiên cứu, chỉnh lý lại nội dung này cho phù hợp…

Lan Anh (tổng hợp, lược ghi)


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nô nức lên đường theo tiếng gọi non sông
Sáng 13/2, hơn 3.000 thanh niên ưu tú của 15 huyện, thị, thành phố trong toàn tỉnh Đắk Lắk lên đường nhập ngũ. Trong không khí nô nức, phấn khởi, tất cả các tân binh đều tỏ rõ quyết tâm rèn luyện, phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ trong quân ngũ.