Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV

Thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo

15:08, 15/02/2025

Sáng 15/2, tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, các đại biểu xem xét, đánh giá tờ trình, báo cáo thẩm tra và thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Trình bày tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Nghị quyết nhằm thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia và chuyển đổi số thực sự trở thành động lực để hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Các chính sách phải ưu đãi vượt trội để tháo gỡ, giúp những việc lớn chuyển động sẽ tác động đến các hoạt động khác thay đổi theo.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trình bày tờ trình dự thảo nghị quyết. Ảnh: quochoi.vn
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trình bày tờ trình dự thảo nghị quyết. Ảnh: quochoi.vn

Phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết quy định về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ chi tiêu tài chính từ ngân sách nhà nước, hoạt động của tổ chức và nhân lực trong tổ chức khoa học và công nghệ công lập, thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu và hoạt động khoa học và công nghệ trong doanh nghiệp, công nghệ chiến lược; cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư, đấu thầu, tài chính và thử nghiệm có kiểm soát cho chuyển đổi số quốc gia, phát triển hạ tầng số, công nghiệp công nghệ số chiến lược để tháo gỡ vướng mắc; tạo cơ chế, chính sách vượt trội trong hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Đối tượng áp dụng của Nghị quyết là các tổ chức, cá nhân hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan. Kinh phí dự kiến bảo đảm cho việc thi hành Nghị quyết sau khi được thông qua chủ yếu gồm: Các nguồn kinh phí thực hiện hoạt động nằm trong nguồn ngân sách hằng năm dành cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số và nguồn kinh phí huy động từ sự đóng góp, đầu tư từ xã hội cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Thay mặt cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) Lê Quang Huy khẳng định, Ủy ban tán thành với sự cần thiết, cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn để ban hành Nghị quyết.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy trình bày báo cáo thẩm tra. Ảnh: quochoi.vn
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy trình bày báo cáo thẩm tra. Ảnh: quochoi.vn

Về quan điểm ban hành, Ủy ban KH,CN&MT nhận thấy, việc ban hành các chính sách thí điểm cần dựa trên các quan điểm chủ yếu: Thể chế hóa những vấn đề cấp bách; đã chín, đã rõ, có tính khả thi, hạn chế văn bản hướng dẫn để thi hành được ngay; vượt trội, phát huy tác dụng ngay, khơi thông mọi nguồn lực, có sức lan tỏa, góp phần kịp thời vào tăng trưởng kinh tế; có trọng tâm, trọng điểm; là vấn đề thực sự vướng mắc cần khẩn trương tháo gỡ; chưa có luật điều chỉnh hoặc cần quy định khác với luật hiện hành...

Ủy ban KH,CN&MT đưa ra một số kiến nghị, đề xuất với Quốc hội và Chính phủ. Theo đó, đối với Quốc hội: Xem xét, quyết định việc ban hành Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tại Kỳ họp bất thường thứ 9.

Đối với Chính phủ, Ủy ban KH,CN&MT đề nghị Chính phủ báo cáo và xin ý kiến cấp có thẩm quyền về các cơ chế, chính sách cụ thể theo quy định; chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện Nghị quyết của Quốc hội khi được ban hành, đảm bảo đúng chủ trương, chính sách của Đảng; khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn thi hành (nếu có)…

Đóng góp ý kiến về nội dung này tại phiên thảo luận tổ, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt, Phó trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk bày tỏ tán thành với sự cần thiết, cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn để ban hành Nghị quyết.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt, Phó trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk đóng góp ý kiến thảo luận tại Tổ 13. (Ảnh chụp màn hình)
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt, Phó trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk đóng góp ý kiến thảo luận tại Tổ 13. (Ảnh chụp màn hình)

Về tên gọi của Nghị quyết, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt cho rằng, trong phạm vi điều chỉnh cũng như mục đích đề ra có rất nhiều nội dung, chứ không phải chỉ tháo gỡ những vấn đề liên quan tới điểm nghẽn, khó khăn, như vậy tên gọi chưa bao trùm hết các nội dung trong phạm vi điều chỉnh. Đại biểu đề nghị nên thay đổi tên gọi cho phù hợp hơn với các mục tiêu lớn đặt ra của dự thảo nghị quyết.

Liên quan đến Điều 6 về chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đại biểu cho rằng, quy định chỉ mới nêu ra tổ chức, cá nhân hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ được miễn trách nhiệm dân sự, mà chưa đề cập đến việc chịu trách nhiệm hình sự.

Mặt khác, trong quy định cũng chỉ mới nêu thực hiện đầy đủ quy trình, quy định nghiên cứu khoa học và chưa đề cập đến việc thực hiện đầy đủ trách nhiệm.

Do vậy đại biểu đề nghị bổ sung thêm hai nội dung này để làm rõ các yếu tố khách quan, không bỏ ngỏ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, cá nhân nghiên cứu khoa học khi thực hiện các đề tài.

Đóng góp ý kiến vào Điều 7 về cấp kinh phí từ ngân sách để triển khai nhiệm vụ khoa học công nghệ, đại biểu cho rằng, quy định chưa đề cập rõ vấn đề phải có tính chịu trách nhiệm pháp luật, đảm bảo các quy định pháp luật trong cơ chế điều hành quỹ.

Do vậy đại biểu đề nghị cần phải có cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm tra quỹ theo quy định của pháp luật, đặc biệt là các nguồn tài trợ để quy định rõ trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức, tránh việc thất thoát, lãng phí, hoặc thậm chí xảy ra tiêu cực trong quá trình sử dụng nguồn lực.

Liên quan đến việc áp dụng khoán chi trong triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ từ sử dụng ngân sách nhà nước được quy định tại Điều 8, đại biểu cho rằng, một số quy định về khoán chi còn khá chung chung, do đó cần có những khoán chi mang tính đột phá, thúc đẩy những nghiên cứu khoa học công nghệ mang tính chiến lược, công nghệ cao.

Đối với quy định ưu đãi cho các hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo tại Điều 11, đại biểu cho rằng, điều này góp phần động viên các cá nhân, tập thể tham gia nghiên cứu; tuy nhiên cũng nên phân hóa những nghiên cứu khoa học nào cần phải đóng thuế thu nhập và nghiên cứu khoa học nào được miễn thuế thu nhập, trong đó đặc biệt ưu đãi, ưu tiên cho những nhiệm vụ nghiên cứu khoa học về công nghệ cao.

Cùng với đó, cũng nên phân hóa đối với những thành viên nghiên cứu khoa học và thành viên là chủ đề tài nghiên cứu để làm rõ vai trò, trách nhiệm và quyền lợi thụ hưởng chính sách, qua đó tạo động lực cho từng cá nhân trong quá trình nghiên cứu...

* Trong phiên làm việc buổi sáng, các đại biểu cũng thảo luận ở hội trường về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).

Lan Anh (tổng hợp, lược ghi)
 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nô nức lên đường theo tiếng gọi non sông
Sáng 13/2, hơn 3.000 thanh niên ưu tú của 15 huyện, thị, thành phố trong toàn tỉnh Đắk Lắk lên đường nhập ngũ. Trong không khí nô nức, phấn khởi, tất cả các tân binh đều tỏ rõ quyết tâm rèn luyện, phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ trong quân ngũ.