Tượng đài khắc ghi tình hữu nghị
Có một nơi ghi dấu và in đậm biểu tượng của tình bạn vĩ đại hai dân tộc Việt Nam - Liên Xô (nay là Liên bang Nga), đó là Tượng đài Cam Ranh đặt giữa miền cát trắng tỉnh Khánh Hòa. Tượng đài ấy đã khắc ghi tên tuổi của 44 quân nhân Liên Xô và 174 cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đã hy sinh cách đây tròn 40 năm…
Tượng đài Cam Ranh nằm cách sân bay Cam Ranh chừng gần 1 km. Đó là một khu đồi nhân tạo rộng 1,2 ha, một mặt tiếp giáp đại lộ Nguyễn Tất Thành - con đường nối liền giữa TP. Cam Ranh với TP. Nha Trang.
![]() |
Tượng đài Cam Ranh sừng sững hiên ngang giữa nắng gió Cam Ranh. |
Trước khi đặt chân lên từng bậc đá và chạm tay vào hai tấm bia khắc tên các liệt sĩ, chúng tôi được ông Nguyễn Văn Tuấn - người quản lý tượng đài giới thiệu một số ảnh và những trang tư liệu về sự hy sinh của các quân nhân Nga và bộ đội Việt Nam qua các năm 1985 đến 1995.
Vụ tai nạn đầu tiên xảy ra vào tháng 2/1985, đó là vụ rơi máy bay TU-95 trong Vịnh Cam Ranh. Trang tài liệu trong nhà truyền thống tượng đài ghi lại câu chuyện “Những giọt sương trắng hay là buổi chiếu phim không thành” - một câu xúc động rơi nước mắt được ghi lại trong hồi ký của Đại tá Ermonkin, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Hạm đội Thái Bình Dương.
Hồi ký kể lại: Đêm 12, rạng sáng ngày 13/2/1985, Đại tá Ermonkin trực tại Hạm đội Thái Bình Dương tại căn cứ Cam Ranh. Để “chiêu đãi” các phi công trên máy bay TU-95 làm nhiệm vụ trở về, ông đã mượn bộ phim “Những giọt sương trắng” để chiếu. Nhưng họ mãi mãi không bao giờ được xem phim… Máy bay TU-95 lượn lên bầu trời Việt Nam ở độ cao 15 km, rồi tuần tiễu “xẹt” qua căn cứ Cam Ranh mà họ quen gọi là “đầm lầy”. Đúng lúc đó, trong bộ đàm của Thiếu tá cận vệ Spiridonov, Chỉ huy tổ bay số 2 vang lên tiếng kêu cứu: “Chúng tôi bị rơi, chúng tôi bị rơi. Có ai nghe thấy không? Chúng tôi…”. Một vệt ánh sáng dài trên bầu trời nhiều mây mù từ vị trí máy bay TU-95 chếch sang phải. Máy bay TU-95 “đâm nhào” xuống lòng biển.
Tròn 40 năm trôi qua kể từ ngày máy bay TU-95 gặp nạn, đến nay vẫn chưa có câu trả lời chính xác nguyên nhân tai nạn từ đâu. Người ta chỉ đoán do cả hai động cơ của máy bay bị hỏng. 9 phi công dày dạn kinh nghiệm của Hạm đội Thái Bình Dương vĩnh viễn nằm lại lòng biển Việt Nam.
Vụ tai nạn thứ hai xảy ra vào cuối mùa hạ năm 1989. Vào ngày 8/9/1989, máy bay vận tải quân sự bốn động cơ cánh quạt ký hiệu AN12 bị gãy càng không thể hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất đành phải bay ngược lên trời để hạ cánh xuống sân bay Cam Ranh. Để giảm thiểu tai nạn thảm khốc xảy ra, bộ phận mặt đất đã phun phủ một lớp bọt dày để giảm ma sát trên đường băng khi máy bay buộc phải hạ cánh bằng bụng. Nhưng tiếc thay, với tốc độ hạ cánh hàng trăm km/h, khi bụng máy bay AN12 vừa chạm đất trong tích tắc cũng là lúc tiếng nổ inh tai xé tan bầu trời. Vụ tai nạn đó đã “cướp” đi 16 quân nhân Liên Xô và 1 sĩ quan thuộc Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam. Ngoài ra còn có 9 phụ nữ và trẻ em là vợ, con các sĩ quan Việt Nam và Liên Xô bị thiệt mạng.
Vụ tai nạn thứ ba gây chấn động ngành bay quân sự Việt Nam và Liên bang Nga cùng thế giới vào ngày 12/12/1995, khi phi đội “siêu âm SU 27” do những phi công trình diễn lừng danh lái đã đâm vào núi gần Cam Ranh. Ông Nguyễn Văn Tuấn dừng lại bên trang tài liệu đã ố cũ. Theo tài liệu này, ngày 12/12/1995, 5 chiếc Su 27 sau khi khi bay biểu diễn tại Hội chợ Hàng không ở Malaysia trở về muốn “tạt” vào căn cứ Cam Ranh để tiếp dầu. Hôm đó trời nhiều mây, mặt đất mù mịt, tầm nhìn hạn chế song phi đội bay tin vào tay lái của các phi công nên quyết định vẫn hạ cánh dưới sự dẫn đường của chiếc IL-76.
![]() |
Hội Cựu chiến binh Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro chụp ảnh lưu niệm trước Tượng đài Cam Ranh. |
Trước khi tai nạn, phi đội Su 27 đã hạ thấp độ cao để “chui” qua một đám mây khổng lồ che khuất toàn bộ sân bay Cam Ranh. Song đám mây mù quá lớn, máy bay “vụt quá trớn”, “vuột” khỏi đường băng. Trong khoảnh khắc phát hiện có ngọn núi phía trước, phi đội trưởng đã phát lệnh “giải tán đội hình khẩn cấp” nhưng không còn kịp nữa. 3 chiếc của phi đội đã lao vào núi.
Chúng tôi chậm rãi đặt bước chân lên từng bậc tượng đài trong niềm xúc động thiêng liêng. Giữa tượng đài cao vút sừng sững là hai tấm bia đá khắc tên các liệt sĩ. Tấm bia bên trái khắc tên 44 quân nhân Liên Xô, tấm bia bên phải khắc tên 174 cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam, trong đó có 64 cán bộ, chiến sĩ hy sinh ở đảo Gạc Ma năm 1988. Cả hai tấm bia có một cái tên chung khắc hai ngôn ngữ Việt - Nga: “Đời đời nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì hòa bình và ổn định khu vực”.
Ông Nguyễn Văn Tuấn cho biết, Tượng đài Cam Ranh nguyên là một tấm bia đá do một quân nhân Liên xô dựng lên năm 1986 để tưởng nhớ những người lính Nga đúng sau một năm, kể từ ngày 9 thành viên trong kíp bay TU - 95 hy sinh. Tháng 5/2007, để tri ân những người con Xô Viết và người lính Việt Nam, lãnh đạo Liên doanh Vietsovpetro chọn mẫu thiết kế của họa sĩ Nguyễn Quốc Thắng để xúc tiến xây dựng Tượng đài Cam Ranh. Sau hai năm thi công, ngày 10/12/2009, Tượng đài Cam Ranh được khánh thành, là một trong những tác phẩm điêu khắc nghệ thuật làm bằng đá granite lớn nhất Việt Nam, nặng 800 tấn, cao 21 m. Nổi bật nhất của tượng đài là mũi tàu và cột buồm trắng - thể hiện sức mạnh và chinh phục bầu trời của không quân hai nước. Tượng hai người lính Xô - Việt và em bé nâng cánh chim hòa bình - thể hiện tình hữu nghị lâu đời của hai dân tộc Việt - Nga”.
Quanh Tượng đài Cam Ranh là hàng trăm cây cổ thụ xanh mướt do các đoàn đến thăm viếng trồng. Trong những cây xanh có một cây gắn biển tên Đại tướng Shoigu Sergey Kuzugetovich - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Liên bang Nga và đoàn trồng tặng ngày 4/3/2013.
Tượng đài Cam Ranh đã trở thành di tích thiêng liêng. Nó không chỉ như một dấu ấn lịch sử về mối quan hệ quốc tế cao cả giữa Quân đội nhân dân Việt Nam và Quân đội Liên Xô (nay là Liên bang Nga) mà còn là nơi giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ thanh niên Việt - Nga qua nhiều thế hệ.
Tượng đài Cam Ranh đã trở thành di tích thiêng liêng. Nó không chỉ như một dấu ấn lịch sử về mối quan hệ quốc tế cao cả giữa Quân đội nhân dân Việt Nam và Quân đội Liên Xô (nay là Liên bang Nga) mà còn là nơi giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ thanh niên Việt - Nga qua nhiều thế hệ. |
Tuấn Cường
Ý kiến bạn đọc