Multimedia Đọc Báo in

Cải cách để bứt phá

20:19, 25/05/2025

Ngày 18/5, tại hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai Nghị quyết số 66-NQ/TW và Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh 4 Nghị quyết của Bộ Chính trị (Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết số 59-NQ/TW, ngày 24/1/2025 về hội nhập quốc tế trong tình hình mới; Nghị quyết số 68-NQ/TW, ngày 4/5/2025 về phát triển kinh tế tư nhân; Nghị quyết số 66-NQ/TW, ngày 30/4/2025 về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới) là “bộ tứ trụ cột” giúp Việt Nam cất cánh.

Phát biểu của Tổng Bí thư về “bộ tứ trụ cột” phát triển đất nước không chỉ là định hướng chính sách, chỉ rõ lộ trình phát triển trong kỷ nguyên mới, mà còn truyền tải một thông điệp mang tính thời đại: Việt Nam phải hành động quyết liệt để không tụt lại phía sau, phải cải cách toàn diện để hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hùng cường.

Nhìn lại gần 40 năm đổi mới, dân tộc Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, khẳng định được tầm vóc trên bản đồ thế giới. Nhưng như Tổng Bí thư đã thẳng thắn nêu ra, chúng ta không được ngủ quên trên vòng nguyệt quế, mà càng phải không ngừng đổi mới, cải cách, phát huy mọi nguồn lực và động lực trong xã hội, trong nhân dân, triển khai một cách sâu sắc, toàn diện, quyết liệt, quyết tâm đạt được mục tiêu lớn đã đề ra. Trong bối cảnh hiện tại, cải cách không còn là lựa chọn, mà là mệnh lệnh của thời đại, của tương lai dân tộc. Và như vậy, vấn đề then chốt không nằm ở chỗ “có làm hay không”, mà là “có đủ dũng khí để làm đúng và làm đến nơi đến chốn”.

Sinh viên Trường Đại học Tây Nguyên trong giờ thực hành thí nghiệm.

Đồng thời, yêu cầu cải cách ấy không đơn thuần là đổi mới quản lý hay điều chỉnh chính sách, mà là một quá trình chuyển hóa tư duy, cơ cấu và động lực phát triển; là sự thay đổi toàn diện về cách thức tổ chức nền kinh tế, tiếp cận tri thức, phát huy con người, vận hành pháp luật và tham gia hội nhập với thế giới. Trong đó, chuyển từ “quản lý” sang “phục vụ”, từ “bảo hộ” sang “cạnh tranh sáng tạo”, từ “hội nhập bị động” sang “hội nhập chủ động”, từ “cải cách phân tán” sang “đột phá toàn diện, đồng bộ và sâu sắc”.

Điều đặc biệt trong “bộ tứ trụ cột”, không chỉ thể hiện từng nội dung riêng lẻ, mà là tầm nhìn tổng thể, gắn kết và thúc đẩy lẫn nhau. Không thể đổi mới sáng tạo nếu thiếu môi trường pháp lý minh bạch. Không thể hội nhập hiệu quả nếu thiếu doanh nghiệp mạnh. Không thể phát triển kinh tế tư nhân nếu thiếu khoa học công nghệ làm đòn bẩy. Và tất cả điều đó sẽ không thành hiện thực nếu không có sự đồng thuận từ hệ thống chính trị đến từng người dân.

Trong dòng chảy đó, mỗi địa phương không thể đứng ngoài cuộc. Và Đắk Lắk, với vị trí địa chính trị đặc biệt, với tiềm năng nông nghiệp, du lịch, văn hóa bản địa phong phú cũng đang đứng trước cơ hội mới để chuyển mình mạnh mẽ.

Nghị quyết số 68 về phát triển kinh tế tư nhân mở ra không gian mới cho những địa phương như Đắk Lắk - nơi doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tỷ trọng lớn, nhưng còn khó khăn trong tiếp cận đất đai, vốn, thị trường và công nghệ. Nếu được hỗ trợ thực chất và đúng hướng, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sẽ có thêm động lực vươn lên, đặc biệt trong các lĩnh vực như chế biến nông sản, logistics, du lịch sinh thái cộng đồng…

Nghị quyết số 57 về thúc đẩy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cũng đặt ra yêu cầu cấp thiết cho Đắk Lắk khi tỉnh đang chuyển hướng sang phát triển nông nghiệp công nghệ cao, quản lý rừng bền vững; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao các thành tựu khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao, chuyển đổi số phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội…

Trong khi đó, Nghị quyết số 66 về xây dựng và thi hành pháp luật lại là chiếc "chìa khóa" để tháo gỡ những “nút thắt” về quản lý đất đai, quy hoạch, đầu tư công, phân cấp, phân quyền. Mô hình chính quyền địa phương hai cấp sắp tới sẽ được triển khai chính là một phép thử lớn cho tinh thần đổi mới thể chế. Nếu được tổ chức tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, gần dân, phục vụ tốt, thì đây sẽ là động lực mạnh mẽ cho phát triển toàn diện địa phương.

Sơ chế và bảo quản chuối xuất khẩu ở Công ty CP KD Green Farm (xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắc). Ảnh: Nguyễn Gia

Cùng với đó, Nghị quyết số 59 về hội nhập quốc tế là cơ hội để Đắk Lắk bứt phá. Hội nhập không chỉ là chuyện ở cửa khẩu hay các đô thị lớn, mà còn là khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, tận dụng các hiệp định thương mại tự do để mở rộng thị trường, nâng cấp sản phẩm, vươn tới những thị trường cao cấp khi được đầu tư bài bản về chất lượng, thương hiệu và tiêu chuẩn.

Với những bắt nhịp trong tinh thần cải cách chung, Đắk Lắk đang từng bước tái cấu trúc đơn vị hành chính; những chính sách thúc đẩy nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ; sự vào cuộc mạnh mẽ trong chuyển đổi số và cải cách thủ tục hành chính, thu hút đầu tư... đang cho thấy quyết tâm thay đổi từ bên trong.

Như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh: muốn phát triển nhanh và bền vững, Việt Nam không thể đi theo lối mòn cũ. Đổi mới không còn là khẩu hiệu mà phải trở thành dòng chảy chủ đạo trong tư duy và hành động của từng cấp, từng ngành, từng địa phương.

“Thắp lửa” cải cách không chỉ là nhiệm vụ của Trung ương, mà còn là trách nhiệm của từng địa phương, từng cán bộ, đảng viên, từng công dân yêu nước; và khi ngọn lửa ấy được lan tỏa, thắp sáng thì cũng là lúc tạo được thế vươn mình, cất cánh trong kỷ nguyên mới.

Lan Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-Magazine) Viết tiếp bản hùng ca nơi tuyến đầu Tổ quốc
50 năm qua (23/5/1975 - 23/5/2025), nơi mảnh đất biên cương đầy nắng gió, hàng vạn cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng đã sống, chiến đấu và trưởng thành với một niềm tin sắt đá: "Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt".