Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội khóa XV
Cần có quy định mang tính chất răn đe đối với tội sản xuất, buôn bán hàng giả, thuốc chữa bệnh giả
Sáng 27/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự.
Là ĐBQH đầu tiên phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk) nêu ý kiến: Tại điểm b Khoản 4, Điều 123 quy định: "Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tù chung thân không xem xét giảm án khi làm chết 2 người trở lên".
Đại biểu cho rằng, quy định này chưa tương xứng với tính chất, hành vi phạm tội và chưa thể hiện sự răn đe đối với loại tội phạm này trong thực tế, khi thời gian qua đã liên tiếp có những vụ việc, các đối tượng tham gia vào phạm tội với tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh bị phanh phui, bắt giữ.
![]() |
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: quochoi.vn |
Theo đại biểu Thu Nguyệt, hành vi này gây thiệt hại nặng nề về vật chất, tài sản, đặc biệt là xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng của con người: "Qua những vụ việc đó để thấy rằng, hậu quả của tội sản xuất, buôn bán hàng giả, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh. Chúng ta không thể khoan nhượng với tội danh này, với loại phạm tội này và cần phải có quy định mang tính chất răn đe".
Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt đề nghị ban soạn thảo chỉnh lý lại các khoản cho phù hợp những nội dung trong quy định tại điều này trong Bộ Luật Hình sự.
"Nếu khoan nhượng với tội danh này thì có lẽ chúng ta vô hình chung sẽ tiếp tay cho việc giết người hàng loạt trong tương lai và sẽ gây ảnh hưởng sâu rộng tới cộng đồng", nữ đại biểu bày tỏ.
Bên cạnh đó, góp ý về việc bỏ hình phạt tử hình, thay thế bằng hình phạt tù chung thân không xem xét giảm án, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt cho rằng điều này là cần thiết, phù hợp với xu thế chung của thế giới và sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương.
![]() |
Quang cảnh phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn |
Song cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu, cân nhắc toàn diện, kỹ lưỡng trên cả mặt lý luận lẫn thực tiễn khi đề xuất bỏ hình phạt, trong đó có hình phạt tử hình với tội danh vận chuyển trái phép chất ma túy.
Đại biểu cũng dẫn ra thực tế thời gian qua đã áp dụng mức hình phạt tử hình đối với tội phạm về ma tuý nhưng tại Việt Nam, số vụ mua bán, vận chuyển, sản xuất trái phép chất ma tuý vẫn tiếp tục tăng, số đối tượng phạm tội này tiếp tục tăng và hành vi, hoạt động càng ngày càng liều lĩnh, nguy hiểm. Nhiều cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh để lại nỗi đau cho gia đình, cho người thân.
"Chúng ta tiếp tục áp dụng hình phạt này cho phù hợp với tính chất răn đe đối với hành vi phạm tội. Nếu thay thế hình phạt này bằng tù chung thân không xem xét giảm án thì phải cân nhắc kỹ có đủ sức răn đe hay không; có tạo kẽ hở pháp luật để cho loại tội phạm này gia tăng không, đặc biệt là chúng ta có đạt được mục tiêu giảm cung, giảm cầu, giảm thiểu những vấn đề pháp lý”, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt đề nghị…
Tại phiên thảo luận, các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến đề xuất bỏ hình phạt tử hình đối với 8 tội danh theo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự, đặc biệt với các tội danh tham ô, nhận hối lộ và tội vận chuyển trái phép chất ma túy.
Lấy dẫn chứng điển hình từ vụ án Trương Mỹ Lan tại Ngân hàng SCB, theo đại biểu, tội tham ô hiện nay không chỉ xảy ra trong khu vực công mà còn lan sang khu vực tư nhân. Bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, bị cáo đã chi phối, thao túng hệ thống ngân hàng, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Dù đã có nhiều nỗ lực khắc phục nhưng thiệt hại để lại là quá lớn, khó có thể đo đếm.
Với tội nhận hối lộ, đại biểu cho rằng, việc giữ hình phạt tử hình có tác động mạnh mẽ đến nhận thức và hành vi của các đối tượng phạm tội, từ đó giúp tăng hiệu quả trong thu hồi tài sản, bảo vệ uy tín của hệ thống chính trị…
![]() |
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long giải trình ý kiến của các đại biểu. Ảnh: quochoi.vn |
Giải trình ý kiến các ĐBQH nêu, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long cho biết, dự thảo cố gắng căn chỉnh các quy định trong Bộ luật để phù hợp với thực tiễn, luật pháp quốc tế và yêu cầu quản lý. Một yếu tố quan trọng khác là sự tham gia góp ý và thực tiễn áp dụng từ các cơ quan tố tụng như Bộ Công an, Viện KSND, TAND, giúp đưa ra các đề xuất sát thực tiễn.
Cụ thể, với đề xuất bỏ án tử hình với 8 tội danh, Phó Thủ tướng cho biết, theo tổng hợp đến năm 2024, 142/193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc đã bỏ án tử hình trên phương diện luật định hoặc thực tiễn (tức là luật vẫn có nhưng không áp dụng).
"Nếu Quốc hội thông qua việc bỏ 8 tội danh nữa, thì số tội còn lại có mức hình phạt tử hình sẽ giảm từ 18 xuống còn 10. So với con số 44 tội có án tử hình trong Bộ luật Hình sự năm 1985, rồi 29 tội trong luật năm 1999, và 18 tội sau sửa đổi năm 2015 (bổ sung 2017) thì đây là một bước tiến dài, thể hiện sự thay đổi căn bản trong quan điểm chính sách hình sự của nước ta, đặc biệt là với hình phạt nghiêm khắc nhất: tước quyền sống của con người", Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng khẳng định, Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Công an nghiên cứu, tiếp thu, giải trình đầy đủ, cụ thể, kèm theo các số liệu, lập luận, dẫn chứng rõ ràng, để trình Quốc hội xem xét trong Kỳ họp thứ 10.
Đồng thời, Chính phủ cũng đang nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số luật có liên quan để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Lan Anh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc