Tượng đài trong lòng nhân dân
Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, nằm bên dòng sông Sài Gòn, nơi từng ghi dấu bước chân ra đi tìm đường cứu nước của người thanh niên mang tên Nguyễn Tất Thành vào năm 1911.
Bảo tàng không chỉ là một địa danh lịch sử, mà hiện còn là nơi lưu giữ hàng nghìn hiện vật tái hiện con đường cách mạng của Bác cũng như tình cảm của nhân dân đối với Bác Hồ kính yêu.
Bước vào không gian bảo tàng, trong số các hiện vật, xúc cảm đem đến cho mỗi người là rất nhiều bức tượng, tranh vẽ, bức thêu về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hành trình bôn ba nơi xứ người để tìm chân lý cách mạng, mang lại tự do cho dân tộc, hạnh phúc cho đồng bào của Bác đã được nhiều tác giả tái hiện bằng những bức tượng chân dung.
Có thể kể đến như: tác phẩm “Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước, năm 1911”, tác giả Trần Thanh Nam; “Nguyễn Ái Quốc, năm 1920”, tác giả Phạm Đình Tiến; “Nguyễn Ái Quốc ở Liên Xô, năm 1923”, tác giả Lê Lang Biên; “Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông, năm 1931”, tác giả Nguyễn Xuân Tiến; “Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, năm 1945”, tác giả Trần Việt Hà; “Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Chiến dịch Biên giới, Chiến dịch Điện Biên Phủ (1950 - 1954)”, tác giả Nguyễn Văn Chước; “Bác Hồ về thăm quê hương Nghệ An lần thứ nhất, năm 1957”, tác giả Nguyễn Văn Lân; “Chủ tịch Hồ Chí Minh thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc năm 1961”, tác giả Trần Mai Hữu Qui; “Hồ Chí Minh, năm 1965”, tác giả Trần Văn Bình.
Có hai hiện vật nhỏ nhưng để lại sự xúc động mạnh cho người tham quan là những bức thêu mộc mạc, chân thành, gửi gắm niềm yêu kính Bác vô hạn mà các chiến sĩ cách mạng thực hiện ngay trong những năm tháng tù đày. Đó là bức thêu chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh do ông Phạm Văn Còn ở xã Hòa Bình, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long thêu trong khám Chí Hòa năm 1959; bức thêu chân dung Bác Hồ của anh Lê Văn Quang thêu khi bị giam trong nhà tù Côn Đảo.
![]() |
Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh là "địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống cách mạng. |
Nhiều bức tranh không còn là tác phẩm của nghệ thuật mà của trái tim. Đó là bức tranh vẽ bằng máu của họa sĩ Diệp Minh Châu “Bác Hồ với ba cháu thiếu nhi Trung Nam Bắc”, bức tranh đã được đồng chí Trần Văn Trà mang từ Nam Bộ ra Việt Bắc năm 1949 và gửi tới Bác; tranh lụa “Bác Hồ đi công tác” do họa sĩ Hà Quang Phương vẽ năm 1979; tranh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh được ghép từ vỏ cây tràm do họa sĩ Quốc Mỹ thực hiện năm 1981.
Ở một góc phòng trưng bày có bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh gương mặt hiền từ, ánh mắt sáng, vầng trán rộng. Đây là công trình mà họa sĩ Nguyễn Minh đã dày công sưu tầm, xếp đặt từ hơn 10.000 ảnh nhỏ (trong đó có 5.000 ảnh tư liệu) là ảnh di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh và văn hóa phi vật thể của 63 tỉnh thành trong cả nước.
Mỗi hiện vật, tác phẩm dẫu khác nhau về chất liệu, kích cỡ hay kỹ thuật, song tất cả đều toát lên tình cảm mộc mạc mà sâu sắc – tình yêu và lòng kính trọng dành cho vị lãnh tụ của dân tộc. Tình yêu ấy hiện diện trong từng nét vẽ mộc mạc, từng vết khâu còn chưa thẳng, từng vật phẩm có khi chẳng quý giá về vật chất – nhưng thiêng liêng bởi sự chân thành.
![]() |
Bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh do họa sĩ Nguyễn Minh thực hiện từ hơn 10.000 ảnh nhỏ. |
Một cụ già đang nắm tay cháu nhỏ, đôi mắt rưng rưng trước bức thêu về Bác Hồ; một em học sinh dừng lại rất lâu trước bức tượng về Bác; một người trẻ lặng lẽ viết vào sổ cảm tưởng câu ngắn ngủi: “Cảm ơn Bác, con sẽ sống tốt hơn”.
Chúng ta đã có hàng trăm tượng đài về Bác Hồ từ Bắc vào Nam. Nhưng có một “tượng đài” khác – không bằng bê tông cốt thép, không đặt trên bục cao, nhưng trường tồn trong từng ánh mắt, lời nói, hành động của nhân dân. Tượng đài ấy được đắp nên từ những giọt nước mắt ngày Bác mãi mãi đi xa, hiện diện trong câu chuyện kể của ông bà, trong lời ru của mẹ, trong khẩu hiệu của lớp học, trong nét chữ của đứa trẻ luyện viết: “Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn”... Và trên hết, Bác ở trong cách người Việt Nam sống khiêm nhường, yêu nước và nhân hậu – những giá trị Người từng gửi gắm. Không có gì vĩ đại hơn một hình tượng được khắc sâu vào tâm khảm mỗi con người. Tượng đài vĩnh cửu nhất, chính là tượng đài Bác Hồ trong lòng nhân dân.
Thuận Thành
Ý kiến bạn đọc