Multimedia Đọc Báo in

Phát động Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ 4 năm 2024

14:25, 24/01/2024

Sáng 24/1, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Tạp chí Cộng sản, Báo Nhân dân, Hội Nhà báo Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức họp báo phát động Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ 4 năm 2024.

Họp báo được tổ chức trực tuyến từ điểm cầu Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tới 63 tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương. Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo 35 Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo cuộc thi chỉ đạo họp báo.

Tham dự họp báo tại điểm cầu Đắk Lắk có đồng chí: Phạm Minh Tấn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; TS. Nguyễn Thành Dũng, Tỉnh ủy viên, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh; đại diện Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; lãnh đạo trường, các khoa, phòng Trường Chính trị tỉnh.

Tại buổi họp báo, đồng chí Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Trưởng Ban tổ chức Cuộc thi thông qua kế hoạch và thể lệ cuộc thi.

nfgn
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo cuộc thi phát biểu tại điểm cầu Trung ương. (Ảnh chụp qua màn hình)

Theo đó, đối tượng dự thi là người Việt Nam ở trong nước và nước ngoài, người nước ngoài có bài viết chính luận phù hợp với tiêu chí của cuộc thi.

Với tác phẩm dạng viết, mỗi tác giả, nhóm tác giả được gửi tối đa 2 tác phẩm gồm bài viết chính luận loại hình tạp chí và báo; các tác phẩm dạng âm thanh, hình ảnh, mỗi tác giả, nhóm tác giả được gửi tối đa 3 tác phẩm.

Tác phẩm dự thi là tác phẩm sáng tạo lần đầu, chưa được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội, không trùng lặp với các tác phẩm đã công bố.

Chủ đề tác phẩm tập trung vào những vấn đề cơ bản, trọng tâm trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch hiện nay như: khẳng định giá trị, sức sống trường tồn của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; những nội dung cần bổ sung, phát triển; các yêu cầu, nguyên tắc trong vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào công cuộc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch hiện nay; các đề xuất vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào xây dựng đường lối và thực tiễn phát triển đất nước trong bối cảnh mới; những thành tựu, đột phá sáng tạo về lý luận của Đảng về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; kết quả giữa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng và công tác chuẩn bị cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng…

Ban tổ chức nhận bài viết bắt đầu từ khi phát động Cuộc thi đến hết ngày 15/7/2024.

hfgh
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Minh Tấn cùng các đại biểu tham dự họp báo tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp báo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng khẳng định, sau 3 lần phát động, tổ chức, cuộc thi năm 2023 đã có hơn 300.000 bài dự thi cho thấy sự thành công, lan tỏa, thấm sâu của cuộc thi, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. 

Để cuộc thi lần thứ 4 thực sự lan tỏa, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng yêu cầu Thường trực các tỉnh ủy, thành ủy tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hóa cuộc thi, tuyên truyền bằng nhiều hình thức, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, đặc biệt là các nhân sĩ, trí thức, đội ngũ nhà giáo, học sinh sinh viên, đoàn viên thanh niên, lực lượng vũ trang, giảng viên các trường chính trị. Qua đó huy động trí tuệ, các kiến nghị, đề xuất của các tầng lớp nhân dân trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, đập tan những âm mưu, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.