Multimedia Đọc Báo in

Nhìn lại sự kiện Liên Xô sụp đổ và bài học đối với cách mạng Việt Nam

10:11, 25/12/2021

Đầu những năm 90 của thế kỷ 20, thế giới đã chứng kiến sự kiện Liên Xô - cường quốc có diện tích địa lý trải rộng trên lục địa Á - Âu, có lực lượng vũ trang hùng mạnh... nhanh chóng sụp đổ mà không phải đối mặt với một cuộc xâm lăng hay gặp một biến cố tự nhiên đặc biệt nào.

Năm 2005, khi đọc Thông điệp Liên bang, Tổng thống Nga Putin nói: “Liên Xô tan rã là tai họa chính trị nghiêm trọng nhất của thế kỷ 20. Đối với nhân dân Nga, đó là một bi kịch thực sự”.

Ngày 5/2/1990, Hội nghị mở rộng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô thông qua nghị quyết bỏ Điều 6 của Hiến pháp Liên Xô quy định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với nhà nước và xã hội; thiết lập hệ thống chính trị đa đảng và chức vụ Tổng thống Liên Xô. Sau đó, Gorbachev được bầu làm Tổng thống. Ngày 25/12/1991 là ngày cuối cùng Gorbachev làm Tổng thống Liên Xô, cũng là ngày tồn tại cuối cùng của Liên Xô. 19 giờ 32 phút, quốc kỳ Liên Xô hình búa liềm đã in đậm trong lòng nhiều thế hệ người Liên Xô và nhân dân thế giới trên nóc Điện Kremli ủ rũ hạ xuống trong gió lạnh, lá cờ ba mầu của Liên bang Nga thay thế. Sáng 26/12/1991, Viện Cộng hòa Xô viết tối cao Liên Xô họp hội nghị lần cuối cùng. Các đại biểu giơ tay biểu quyết thông qua tuyên ngôn tuyên bố “Liên Xô ngừng tồn tại”. Đảng Cộng sản Liên Xô, Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết - hai cái tên rực rỡ suốt hơn nửa thế kỷ, đã rút khỏi vũ đài lịch sử âm thầm như thế.

Quốc kỳ búa liềm của Liên Xô tung bay trên nóc điện Kremlin tối 21/12/1991. Vào tối 25/12 năm đó, lá cờ này được hạ xuống lần đầu tiên và được thay bằng quốc kỳ Nga. Liên Xô chính thức giải thể vào ngày 26/12/1991. Ảnh: AP

Cho đến hôm nay, trong hồ sơ của Trung ương hay của địa phương, đều không thấy ghi chép gì khi thế lực thù địch xóa bỏ Đảng Cộng sản gặp phải sự chống đối của tổ chức các cấp của Đảng. Không hề thấy ghi chép gì về việc đảng viên Đảng Cộng sản Liên Xô tập hợp lại một cách có tổ chức để tiến hành bất cứ một hoạt động phản đối quy mô lớn nào nhằm bảo vệ Đảng. Một đảng do V.I.Lênin sáng lập. Một đảng khi có 20 nghìn đảng viên đã lãnh đạo Cách mạng tháng Hai lật đổ ách thống trị chuyên chế Sa hoàng; khi có 35 vạn đảng viên đã giành được thắng lợi của Cách mạng xã hội chủ nghĩa (XHCN) tháng Mười và nắm chính quyền toàn quốc; khi có hơn 5.540.000 đảng viên lãnh đạo nhân dân chiến thắng phát xít Đức trong cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại và cống hiến to lớn cho thắng lợi của thế giới trong Chiến tranh Thế giới thứ hai; một đảng giành được thành tựu rực rỡ trong xây dựng chủ nghĩa xã hội và đi đầu trong việc đưa vệ tinh nhân tạo vào vũ trụ. Vậy mà khi có hơn 20 triệu đảng viên thì lại mất địa vị cầm quyền, mất Đảng, mất nước?

Thực chất, Đảng Cộng sản Liên Xô, trực tiếp và chủ yếu là Bộ Chính trị đã tha hóa, đã tự đánh mất mình và làm cho Liên Xô tan rã. Chính những người lãnh đạo cao nhất, các ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô đã thừa nhận điều đó. Tất nhiên, hoạt động chống phá của các thế lực chống cộng quốc tế thông qua chiến lược "diễn biến hòa bình" cũng là một nguyên nhân làm cho Liên Xô tan rã, nhưng chắc chắn không phải là nguyên nhân chính, không phải là nguyên nhân chủ yếu.

Xét đến cùng, nguyên nhân quyết định là do thiếu dân chủ trong sinh hoạt Đảng nên cơ quan lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô thiếu thông tin nhiều mặt về một vấn đề, đặc biệt là những vấn đề hệ trọng quan hệ đến sinh tồn của Đảng. Thiếu dân chủ cho nên trong sinh hoạt đảng thường là độc thoại một chiều từ những người lãnh đạo cao nhất, thiếu hẳn thông tin phản hồi từ dưới lên. Thiếu dân chủ, nên những đảng viên ưu tú, nhạy bén, sắc sảo, thông minh không có chỗ để thể hiện ý tưởng của mình. Trong một tổ chức như vậy, bộ tham mưu cao nhất không có đủ thông tin nhiều chiều, toàn diện, do đó những quyết định về đường lối, sách lược thường không phù hợp với thực tiễn, thậm chí trái ngược với quy luật, ngược với hiện thực khách quan.

Do thiếu dân chủ trong sinh hoạt đảng, mà một thời gian dài trước khi sụp đổ, tan rã, trong Đảng Cộng sản Liên Xô cũng như trong các đảng cộng sản ở các nước XHCN ở Đông Âu đã lặng lẽ diễn ra một quá trình phân hóa trong đảng, cả trong sinh hoạt Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị. Các đảng viên nghĩ khác, không dám thể hiện chính kiến của mình ngay cả đối với vấn đề quan hệ đến sinh tồn của Đảng.

Xe tăng Liên Xô đỗ gần một lối vào Điện Kremlin trên Quảng trường Đỏ sau khi xảy ra vụ đảo chính nhằm lật đổ Tổng thống Gorbachev vào ngày 19/8/1991. Cuộc đảo chính vấp phải sự kháng cự của Boris Yeltsin, khi đó là lãnh đạo của nước Cộng hòa Xô viết Nga. Ảnh: AFP

Cũng do thiếu dân chủ trong sinh hoạt đảng mà Đảng Cộng sản Liên Xô đã mắc sai lầm trong việc đánh giá cán bộ, đào tạo cán bộ, tuyển chọn và bố trí, sử dụng cán bộ vào vị trí chủ chốt trong Đảng, trong Nhà nước. Thật không thể chấp nhận khi người đứng đầu một Đảng, một nhà nước vĩ đại lại không phải là người kiên trung nhất, kiên quyết nhất với mục tiêu lý tưởng của Đảng. Còn gì chua xót hơn khi sau này phát biểu tại một cuộc hội thảo ở Thổ Nhĩ Kỳ, M. Gorbachev nói: “Mục tiêu của cả cuộc đời tôi là tiêu diệt chủ nghĩa cộng sản”. Nhiều người cho rằng: Tồn tại hai Đảng trong Đảng Cộng sản Liên Xô: Một đảng của hàng chục triệu đảng viên bình thường và một đảng của những quan chức chóp bu trong hệ thống đảng, Nhà nước Liên Xô. Những đảng viên nắm quyền lực ở cấp cao ngày càng xa rời, cách biệt với hàng chục triệu đảng viên bình thường. Số đảng viên này, về thực chất, không đại diện và bảo vệ lợi ích của giai cấp, của dân tộc, mà chỉ tìm mọi cách bám giữ quyền lực vì lợi ích cá nhân của họ. Do đó, đại bộ phận nhân dân giảm lòng tin đối với sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô, thờ ơ đối với những vấn đề chính trị trọng đại của đất nước, thậm chí có một số trông chờ, mong muốn có sự thay đổi.

Sự sụp đổ của Liên Xô và các nước XHCN ở Đông Âu để lại những bài học lịch sử xương máu, đặc biệt là đối với cách mạng Việt Nam. Xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đặc biệt là công tác chính trị tư tưởng và tổ chức luôn là những nhiệm vụ cấp bách, nóng bỏng và mang tầm chiến lược. Sai lầm về đường lối, chệch hướng về tư tưởng chính trị và lệch lạc về tổ chức sẽ đưa tới sai lầm không cứu vãn nổi. Đặc biệt, trước tình hình mới, phải luôn đề cao cảnh giác trước những tác động xấu từ bên ngoài và kịp thời ngăn chặn sự suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa từ bên trong. Trong quá trình lãnh đạo, khuyết điểm rất khó tránh, điều nguy hiểm nhất là không dám thừa nhận sai lầm, khuyết điểm, đặc biệt là không có quyết tâm chính trị để tránh sai lầm, khắc phục khuyết điểm. Do đó, hơn bao giờ hết, cần phải giữ vững vô điều kiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong toàn bộ đời sống và hoạt động của Đảng.

Đinh Duy Linh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.