Multimedia Đọc Báo in

Triều Nguyễn với ngã rẽ lịch sử

10:22, 25/08/2022

Đế hệ thi và Cửu đỉnh, biểu tượng trường tồn của vương triều

Vương triều Nguyễn, triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam với 13 đời vua tồn tại 143 năm (từ 1802 - 1945) với nhiều thăng trầm biến cố, lúc bĩ lúc thái đó là cái công lệ tuần hoàn của thế gian. Hơn nữa đây là giai đoạn xế chiều của các vương triều phong kiến ở châu Á và là bình minh rực rỡ của chủ nghĩa tư bản phương Tây như tằm ăn rỗi hướng về châu Á tìm chiếm thuộc địa.

Là vị vua thứ hai của vương triều, vua Minh Mạng (1820 - 1840) với những cải cách táo bạo vì mục đích xây dựng một Đại Nam hùng mạnh trường tồn. Năm 1823 đã sai Khuê đình hầu Đinh Hồng Phiên làm ra 2 bộ thơ Đế hệ thi để đặt tên cho con cháu trai của mình và Phiên hệ thi đặt tên cho con cháu trai các thế hệ của anh em mình, còn con cháu gái theo lối khác. Trong bài Đế hệ thi theo thể Ngũ ngôn tứ tuyệt “Miên Hường Ưng Bửu Vĩnh/ Bảo Quý Định Long Trường/ Hiền Năng Kham Kế Thuật/ Thế Thoại Quốc Gia Xương”, bắt buộc thứ tự các đời từ trên xuống đặt chữ lót cho các hoàng tử lúc chưa làm vua, chẳng hạn Nguyễn Phúc Miên Tông (vua Thiệu Trị 1840 - 1847); Nguyễn Phúc Hường Nhậm (vua Tự Đức 1848 - 1883); Nguyễn Phúc Ưng Lịch (vua Hàm Nghi 1884 - 1885); Nguyễn Phúc Bửu Đảo (vua Khải Định 1916 - 1925); Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy (vua Bảo Đại 1926 - 1945). Vua Minh Mạng mong muốn sau mình, vương triều Nguyễn truyền nối 20 đời, 500 năm nhưng cuối cùng chỉ dừng lại ở chữ Vĩnh ở đời thứ 5, do 11 vua nối tiếp thuộc cả chi trước và thế hệ trước.

Cửu đỉnh của nhà Nguyễn. Ảnh: TTXVN

Cửu đỉnh là chín cái đỉnh bằng đồng đặt trước Thế miếu trong Hoàng thành Huế, được vua Minh Mạng ra lệnh đúc vào mùa đông 1835 và khánh thành vào ngày 1/3/1837. Trên mỗi đỉnh, đều có chạm khắc 17 bức họa tiết và 1 bức họa thư, gồm các chủ đề về vũ trụ, núi sông, muông thú, sản vật… tất cả tập hợp thành bức tranh toàn cảnh của đất nước Đại Nam thống nhất. Vua Minh Mạng đặt tên các đỉnh là thụy hiệu của các vua như Cao đỉnh (Thế tổ Cao hoàng đế - Gia Long); Nhân đỉnh (Thánh tổ Nhân hoàng đế - Minh Mạng); Chương đỉnh (Hiến tổ Chương hoàng đế - Thiệu Trị); Anh đỉnh (Dực Anh tông hoàng đế - Tự Đức); Nghị đỉnh (Giản tôn Nghị hoàng đế - Kiến Phúc); Thuần đỉnh (Cảnh tôn Thuần hoàng đế - Đồng Khánh); Tuyên đỉnh (Thừa liệt Tuyên hoàng đế - Khải Định); còn lại các vua Dục Đức, Hiệp Hòa bị Tôn Thất Thuyết phế truất và giết chết; vua Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân chống Pháp bị phế truất và lưu đày; vua Bảo Đại thoái vị… vì thế không được đặt tên miếu hiệu và thụy hiệu. Do đó Dụ đỉnh và Huyền đỉnh không trở thành thụy hiệu của vua nào cả. Cửu Đỉnh gắn liền với con số 9, một con số thiêng liêng theo quan niệm phương Đông, tượng trưng cho trời, cho sự hoàn thiện tuyệt đối, cho quyền uy và sức mạnh kế nối của dòng tộc, vương triều những người đứng đầu thiên hạ. Với chức năng là trọng khí đặt trước sân tông miếu của nhà Nguyễn, là báu vật tượng trưng cho đế nghiệp muôn đời, vững bền của vương triều nhưng chỉ đến đời Bảo Đại người cháu 6 đời của vua Minh Mạng, nhà Nguyễn chính thức sụp đổ kéo theo sự cáo chung của nền quân chủ Việt Nam.

Tháng Tám 1945 và ngã rẽ lịch sử

Đầu năm 1945, Chiến tranh thế giới thứ hai bước vào giai đoạn kết thúc, số phận các đế quốc phát xít như những con cá vùng vẫy trên thớt. Hồng quân Liên Xô giành thắng lợi quyết định ở chiến trường châu Âu, ngày 9/5/1945 phát xít Đức đầu hàng không điều kiện. Ở châu Á – Thái Bình Dương, ngày 14/8/1945 Nhật Bản cùng số phận như phát xít Đức. Từ tháng 3/1945 ở Việt Nam rơi vào tình trạng hỗn loạn, người Nhật Bản đang lo chống đỡ các đòn tấn công của quân đội đồng minh Mỹ - Anh. Tác giả Peter A. Pull trong cuốn Nước Mỹ và Đông Dương từ Roosevelt đến Nixon (Nhà Xuất bản Thông tin lý luận, Hà Nội 1986), trang 23 nhận xét: “Chính phủ của Trần Trọng Kim và triều đình của vua Bảo Đại đều không đủ lực lượng quân sự và uy tín để kiểm soát tình hình. Chỉ có Việt Minh là lực lượng có tổ chức duy nhất có khả năng nắm được quyền chính trị”. Ngày 17/8, quần chúng ở Hà Nội hạ cờ quẻ Ly xuống (cờ của Chính phủ Trần Trọng Kim) treo cờ đỏ sao vàng lên, biến cuộc mít tinh của Tổng hội Công chức Đông Dương ủng hộ vua Bảo Đại thành cuộc tuần hành ủng hộ Việt Minh. Hai ngày sau, quần chúng Hà Nội chiếm dinh Khâm sai Bắc bộ, thành lập chính quyền cách mạng. Cuộc tổng khởi nghĩa do Việt Minh lãnh đạo nhanh chóng lan ra khắp các tỉnh thành trong cả nước. Chính quyền Đế quốc Việt Nam buông bỏ trong bất lực.

Sau khi thoái vị, trở thành công dân của nước Việt Nam độc lập, Bảo Đại (bìa phải) được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời làm Cố vấn Chính phủ lâm thời. Ảnh tư liệu

Trước tình hình đó vua Bảo Đại quyết định thoái vị và gửi bức điện tín tới Ủy ban nhân dân cứu quốc ở Hà Nội: “Đáp ứng lời kêu gọi của Ủy ban, tôi sẵn sàng thoái vị, trước giờ quyết định này của lịch sử quốc gia, đoàn kết là sống, chia rẽ là chết. Tôi sẵn sàng hy sinh tất cả mọi quyền lợi, để cho sự đoàn kết được thành tựu, và yêu cầu đại diện của Ủy ban sớm tới Huế, để nhận bàn giao”. (Bảo Đại, Con Rồng Việt Nam, Nguyễn Phước Tộc Xuất bản 1990, trang 185). Sáng 23/8/1945, hai phái viên của Việt Minh là Trần Huy Liệu và Cù Huy Cận đến cung điện Huế, theo thỏa thuận trước chiều 30/8/1945 vua Bảo Đại đọc Tuyên ngôn thoái vị trước hàng nghìn người tụ họp ở Ngọ Môn, sau đó trao Ấn tín và Bảo kiếm là quốc bảo của hoàng triều cho Trần Huy Liệu. Ồng trở thành công dân Vĩnh Thụy và mong muốn có thể góp sức kiến thiết quốc gia và để chứng tỏ chính thể mới xây đắp trên sự đoàn kết quốc dân.

 “Trẫm muốn được làm dân một nước tự do, hơn làm vua một nước nô lệ. Chiếu đà tiến dân chủ đang đẩy mạnh ở miền Bắc nước ta, Trẫm e ngại rằng một sự tranh chấp giữa miền Bắc với miền Nam khó tránh được, nếu Trẫm đợi sau cuộc trưng cầu dân ý, để quyết định thoái vị. Trẫm hiểu rằng, nếu có cuộc tranh chấp đó, đưa cả nước vào hỗn loạn đau thương, lại thuận lợi cho người ngoài lợi dụng." (Bảo Đại, Con Rồng Việt Nam, Nguyễn Phước Tộc Xuất bản 1990). Ngày hôm sau Chủ tịch Hồ Chí Minh giao cho ông Tôn Quang Phiệt, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế trao bức điện khẩn cho công dân Vĩnh Thụy: “Chính phủ lâm thời mời công dân Vĩnh Thụy ra Hà Nội làm cố vấn tối cao cho chính phủ. Nếu nhận lời, sẽ có những chỉ dẫn cần thiết để ông cố vấn có thể ra Hà Nội sớm nhất. Ký tên: Hồ Chí Minh".

Triều Nguyễn sang trang mới, một ngã rẽ lịch sử chấm dứt thời kỳ quân chủ tồn tại hàng nghìn năm ở nước ta.

Võ Hữu Lộc


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.