Đồng bào Tây Nguyên khắc sâu lời Bác dạy
Năm 1945, Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ phải đối mặt với vô vàn khó khăn, thách thức: giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm…
Trước tình thế hiểm nghèo như “ngàn cân treo sợi tóc”, Đảng và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu đã chủ trương mở rộng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân để đưa sự nghiệp giải phóng dân tộc vượt qua chặng đường khó khăn nhất.
Trong bối cảnh ấy, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị đại biểu các dân tộc thiểu số toàn quốc (ngày 3/12/1945), trong đó có đại diện đồng bào dân tộc các tỉnh Tây Nguyên.
Trong diễn văn khai mạc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Nhờ sức đoàn kết đấu tranh chung của tất cả các dân tộc, nước Việt Nam ngày nay được độc lập, các dân tộc thiểu số được bình đẳng cùng dân tộc Việt Nam, tất cả đều như anh em trong một nhà, không còn có sự phân chia nòi giống, tiếng nói nữa. Trước kia để giành độc lập các dân tộc phải đoàn kết, bây giờ để giữ lấy nền độc lập càng phải đoàn kết hơn nữa”.
Ba tháng sau, vào ngày 19/4/1946, Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam được tổ chức tại Pleiku (Gia Lai). Do trong tình thế cách mạng “nước sôi lửa bỏng” nên Hồ Chủ tịch không thể vào dự được, Người có thư gửi Đại hội nhằm động viên, khích lệ đồng bào các dân tộc thiểu số miền Nam. Bức thư của Bác như lời hiệu triệu khích lệ hàng triệu con tim quyết tâm đoàn kết để cùng nhau xây dựng và bảo vệ đất nước.
Các đại biểu tham dự Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam, tại Pleiku ngày 19/4/1946. |
Chỉ trên 300 từ, nhưng bức thư hàm chứa nội dung hết sức sâu sắc. Mở đầu Bác có lời động viên kịp thời và vô cùng cảm động: “Tiếc vì đường sá xa xôi, tôi không đến dự hội được. Tôi tuy xa, nhưng lòng tôi và Chính phủ vẫn gần gũi đồng bào”, đồng thời nhấn mạnh: “Ngày nay nước Việt Nam là nước chung của chúng ta” - Nhà nước Cộng hòa Dân chủ của dân, do dân và vì dân. Cho nên, vai trò đại diện cho quyền lực của các dân tộc và quyền lực Nhà nước đều ở trong Quốc hội: “Trong Quốc hội có đủ đại biểu các dân tộc. Chính phủ thì có “Nha dân tộc thiểu số” để săn sóc cho tất cả các đồng bào”. Đặc biệt, Người một mực khẳng định: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Êđê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau”. Vì vậy, “Giang sơn và Chính phủ là giang sơn và Chính phủ chung của chúng ta”; đồng thời Người không quên nhắc nhở “phải thương yêu nhau, phải kính trọng nhau, phải giúp đỡ nhau để mưu hạnh phúc chung của chúng ta và con cháu chúng ta”. Người còn vạch rõ âm mưu thâm độc của các thế lực thực dân, đế quốc: “Trước kia chúng ta xa cách nhau, một là vì thiếu dây liên lạc, hai là vì có kẻ xúi giục để chia rẽ chúng ta”. Vậy nên “tất cả dân tộc chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ để giữ gìn nước non ta, để ủng hộ Chính phủ ta”.
Cuối cùng, Người quả quyết một sự thật hiển nhiên và sự quyết tâm đồng lòng đoàn kết: “Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt. Chúng ta quyết góp chung lực lượng để giữ vững quyền tự do, độc lập của chúng ta”. Tinh thần đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi gắm trong thư rất chân thành, sâu sắc và giàu sức thuyết phục. Trong thư, năm lần Bác nhắc đến từ “đồng bào”. Mỗi lần nhắc lại từ “đồng bào” chính là Bác thêm một lần nhắc đến nguồn gốc của các dân tộc anh em, qua đó kêu gọi tất cả cùng nhau quyết tâm giữ vững tình đoàn kết.
Bức thư ngắn gọn, thể hiện tình cảm của Bác Hồ, của Đảng đối với các dân tộc thiểu số Việt Nam. Bác chỉ rõ các dân tộc thiểu số đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt, phải đoàn kết thương yêu giúp đỡ lẫn nhau và chung sức để giữ vững quyền tự do, độc lập của đất nước. Từ đó, đồng bào các dân tộc càng thêm thấu hiểu tấm lòng của Bác, của Đảng đối với các dân tộc thiểu số và giữa các dân tộc thiểu số với đồng bào và cán bộ người Kinh trong sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc; tạo niềm tin to lớn để tất cả đồng lòng đứng lên kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, giữ vững nền độc lập nước nhà… Bức thư thể hiện rõ tư tưởng chiến lược về chính sách đại đoàn kết dân tộc, về sức mạnh của nhân dân trong cách mạng dân tộc dân chủ trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.
Ngày nay, đồng bào Tây Nguyên khắc sâu lời dạy của Bác, đoàn kết một lòng theo Đảng, kiên quyết đập tan mọi âm mưu phá hoại, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân của các thế lực thù địch; cùng nhau chung sức xây dựng quê hương đất nước phát triển toàn diện, bền vững trong xu thế hội nhập và phát triển… để Tây Nguyên mãi mãi là một phần không thể thiếu của đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam.
Nguyễn Đình Dũng
Ý kiến bạn đọc