Multimedia Đọc Báo in

Ký ức thời hoa lửa của cựu chiến binh người M’nông

09:57, 06/02/2023

Ông Byă Trang (tên thường gọi Ama Vân, dân tộc M’nông) ở buôn Mnang Dơng, xã Yang Mao (huyện Krông Bông) năm nay đã 76 tuổi đời, 50 năm tuổi Đảng.

Tuổi đã cao nhưng trong ký ức người cựu binh ấy vẫn còn vẹn nguyện những kỷ niệm về năm tháng chiến đấu hào hùng chống giặc ngoại xâm…

Sinh ra và lớn lên ở buôn Đắk Tuôr (xã Cư Pui, huyện Krông Bông), chứng kiến cảnh quê hương bị bom Mỹ tàn phá gây nên bao cảnh chết chóc đau thương, ông Byă Trang căm thù giặc sâu sắc...

Ngày 5/3/1964, ông nhập ngũ vào đơn vị M1 vùng 4 B5 (sau là Huyện đội H9 – Đắk Lắk) và đã tham gia nhiều trận chiến đấu trực tiếp với Mỹ - ngụy.

Tháng 8/1964, được tin báo địch từ đồn Amí Ga sẽ đi càn vào Cư Yang Rih, sau khi nhận định hướng đi và thực lực của địch, thực hiện phương châm “lấy ít thắng nhiều”, đơn vị ông đã chủ động tổ chức đánh chặn tại ngã ba buôn Mghí (nay thuộc địa phận xã Cư Drăm). Do bị đánh bất ngờ, địch không thể tiến sâu và phải rút quân…

Tháng 2/1965, nhận tin từ trinh sát địa bàn cho biết địch tăng cường lực lượng quân đội từ Khánh Hòa lên Đắk Lắk, đơn vị ông có 1 tiểu đội được điều động đánh chặn tại đồi Cư Reh (nay là km 73, Quốc lộ 26 thuộc địa phận huyện M’Drắk).

Để tạo ra thế gọng kìm, đơn vị tiến hành gài mìn rồi chia lực lượng thành hai tổ, mai phục hai bên đường, khi chiếc xe Jeep dẫn đường và xe GMC chở khoảng một trung đội địch đến đúng tọa độ, ông và các đồng đội đã cho nổ mìn và dùng lựu đạn chày tấn công, kết quả phá hủy 1 xe Jeep, 1 xe GMC, tiêu diệt 6 tên, sau đó địch dùng pháo 105 ly, hỗ trợ lực lượng đi sau ứng cứu, ta đã kịp thời rút quân vào rừng an toàn…

Ông còn tham gia trận chống càn ở Yang Mao, trận phá đường giao thông ở Ea Trang (M’Drắk) chặn đường tiếp ứng của địch từ Khánh Hòa lên, tạo thuận lợi cho đồng bào H8-9 đi đấu tranh chính trị vào thị xã Buôn Ma Thuột…

Cựu chiến binh Ama Vân.

Tháng 5/1968, Ama Vân được cử ra miền Bắc học lớp y sĩ ở Quân y viện 109 (Phú Thọ). Với những nỗ lực phấn đấu trong chiến đấu, học tập, ngày 23/8/1972 ông vinh dự được kết nạp vào Đảng. Tháng 2/1973, ông trở về miền Nam tiếp tục chiến đấu cho đến ngày thống nhất 30/4/1975.

Hòa bình chưa được bao lâu thì xảy ra chiến tranh biên giới Tây Nam, cuối năm 1978, Ama Vân được biên chế về Đồn 3, đóng quân ở Krông Te, tỉnh Mondulkiri (Campuchia) với chức vụ Đội phó đội phẫu tiền phương.

Ngày 9/1/1979 ông bị thương ở phần mềm, sau khi điều trị, ông tiếp tục tham gia chiến đấu trên đất bạn Campuchia ở Tiểu đoàn 86 Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh với cấp bậc Trung úy, chức vụ Đội trưởng đội phẫu cho đến tháng 5/1981 thì về nghỉ theo chế độ ở buôn Mnang Dơng, xã Yang Mao, huyện Krông Bông.

Trở về cuộc sống đời thường, Ama Vân tiếp tục tham gia công tác tại địa phương với nhiều nhiệm vụ khác nhau, từ Bí thư Chi bộ (tháng 10/1981 đến 5/1985), Bí thư Đảng ủy xã Krông Bông cũ (1985 - 1986) cho đến Huyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy xã Yang Mao (1986 - 1991), Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Yang Mao (1996 - 2015).

Dù ở cương vị công tác nào ông cũng luôn phát huy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ nêu cao tinh thần đoàn kết, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, hết lòng phục vụ nhân dân, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Ama Vân đã được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương kháng chiến hạng Ba, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng cùng nhiều huân, huy chương cao quý khác.

Mai Viết Tăng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.