Trách nhiệm với di tích
Hơn 24 năm kể từ khi được công nhận Di tích quốc gia, ngày 2/3/2023, Đồn điền CADA mới chính thức đưa vào phục vụ người dân, du khách. "Đánh thức" giá trị của di tích này không chỉ là minh chứng của sự quyết tâm, đồng lòng của cấp ủy, chính quyền và người dân mà còn là câu chuyện về trách nhiệm đối với các giá trị lịch sử, văn hóa của di tích.
Tọa lạc tại xã Ea Yông, huyện Krông Pắc, Đồn điền CADA là chứng tích lịch sử quan trọng về quá trình khai thác tài nguyên thuộc địa của thực dân Pháp trên vùng đất Tây Nguyên. Nơi đây cũng là cái nôi phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân, phát triển các tổ chức cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Thế nhưng, trải qua thời gian dài chưa được quan tâm trùng tu, lưu giữ, nhiều hạng mục công trình xuống cấp, nhiều hiện vật bị thất lạc, “địa chỉ đỏ” cách mạng này dường như “ngủ quên”!
Cùng "đánh thức" giá trị di tích
Giữa năm 2022, Huyện ủy Krông Pắc đã phát động các xã, thị trấn cùng các tổ chức, đơn vị chung tay cải tạo khuôn viên, chỉnh trang cảnh quan khu vực Di tích Đồn điền CADA. Hơn 300 cây xanh các loại đã được trồng trong khuôn viên, cổng, tường rào được bố trí kinh phí xây dựng. Những hoạt động tham quan đầu tiên đã được khởi động ngay trong dịp tổ chức Lễ hội Sầu riêng Krông Pắc lần thứ I, năm 2022. Tuy nhiên, hiện vật của di tích vô cùng ít ỏi, chỉ có một chiếc két sắt của bộ phận tài vụ đồn điền cùng một số hình ảnh, tài liệu về hoạt động của các tổ chức cách mạng tại mặt trận CADA đang được Bảo tàng Đắk Lắk bảo quản. Huyện Krông Pắc phải mượn thêm nhiều hiện vật về văn hóa, đời sống các dân tộc Tây Nguyên từ Bảo tàng Đắk Lắk để làm phong phú không gian triển lãm tại đây.
Lãnh đạo huyện Krông Pắc cùng tham gia trồng cây tại Di tích Đồn điền CADA. |
Huyện ủy Krông Pắc tiếp tục kêu gọi người dân hiến tặng tài liệu, hiện vật liên quan đến Di tích lịch sử Đồn điền CADA, Miếu thờ CADA cũng như hiện vật, nhạc cụ, dụng cụ sinh hoạt, trang phục truyền thống… của các dân tộc anh em sinh sống trên địa bàn huyện.
Lời kêu gọi của Huyện ủy đã nhận được hưởng ứng tích cực của nhiều tổ chức, cơ quan, đơn vị, cá nhân trên địa bàn. Nhờ vậy, đã có 60 hiện vật được hiến tặng cho di tích, trong đó có hai bằng tặng thưởng Huân chương giải phóng hạng Nhất và hạng Ba cho Đội công tác CADA và nhân dân, cán bộ Đồn điền CADA. Ngoài ra, trong Lễ phát động do UBND huyện Krông Pắc tổ chức tại Di tích Đồn điền CADA, hàng trăm cây hoa giấy rực rỡ sắc màu đã được cán bộ, giáo viên các trường học trên địa bàn mang đến làm đẹp cho không gian di tích.
Để di tích phát huy giá trị
Thầy Võ Quốc Phong, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm cho hay, nhà trường rất vinh dự khi được tham gia trồng cây, trồng hoa tại Di tích Đồn điền CADA và chăm sóc thường xuyên Miếu thờ CADA. Đây không chỉ là trách nhiệm của con em Krông Pắc đối với “địa chỉ đỏ” cách mạng mà thông qua các hoạt động này, nhà trường có thể lồng ghép giáo dục truyền thống lịch sử đến toàn thể cán bộ, giáo viên và học sinh, khơi dậy niềm tự hào dân tộc cũng như ý thức, trách nhiệm của thế hệ trẻ với quê hương, đất nước.
Cùng chung tâm trạng phấn khởi khi tham gia hiến tặng hiện vật cho di tích, ông Hồ Sỹ Trung, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty Cổ phần Cội nguồn Cà phê Việt cho hay, đưa Di tích Đồn điền CADA phát huy xứng tầm giá trị là điều mà người dân và doanh nghiệp tại Krông Pắc mong chờ từ rất lâu. Di tích sẽ là không gian gắn kết không thể tách rời đối với các hoạt động tham quan, du lịch, tìm hiểu về cà phê trong suốt chiều dài lịch sử từ đồn điền của thực dân đến các vườn cây sinh thái của người dân Krông Pắc, từ sản phẩm của quá trình bóc lột thuộc địa đến niềm tự hào về sản lượng xuất khẩu của đất nước Việt Nam. Đây cũng sẽ là điểm kết nối để các doanh nghiệp du lịch – dịch vụ giới thiệu, quảng bá về văn hóa, thiên nhiên, con người Krông Pắc đến du khách trong và ngoài nước.
Ông Hồ Sỹ Trung (đứng giữa) tặng hiện vật cho Di tích Đồn điền CADA |
Bằng nhiều nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và sự đồng lòng của cán bộ, nhân dân, Di tích Đồn điền CADA đã chính thức đi vào hoạt động thường xuyên. UBND huyện cũng thành lập Tổ quản lý Di tích Đồn điền CADA, phân công rõ trách nhiệm trong việc tổ chức các hoạt động. Bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc cho biết, huyện đã chỉ đạo các trường học, các tổ chức chính trị - xã hội quan tâm, tổ chức các hoạt động học tập, tham quan, trải nghiệm tại Di tích. Nơi đây sẽ là địa điểm sinh hoạt chính trị của cán bộ, nhân dân trên địa bàn trong những dịp lễ quan trọng của đất nước và địa phương, là địa điểm học tập cho các lớp nhận thức về Đảng Cộng sản Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, giáo dục truyền thống cho học sinh của các nhà trường. Bên cạnh đó, những đổi thay về cảnh quan khuôn viên đang góp phần đưa Di tích trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn trong chuỗi hành trình về xứ sở cà phê, góp phần thúc đẩy phát triển ngành du lịch – dịch vụ của địa phương.
Đồn điền CADA được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia vào ngày 26/1/1999. Ngoài ra, khu vực quần thể di tích CADA còn có Miếu thờ CADA cũng đã được xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia vào tháng 9/2012. |
Đinh Nga
Ý kiến bạn đọc