“Những lá thư vượt tuyến” của nhạc sĩ Trần Hoàn
Ngoài gia tài âm nhạc đồ sộ với hàng trăm ca khúc đã đi vào lòng công chúng, nhạc sĩ Trần Hoàn còn là một chiến sĩ, nhà quản lý, nhà nghiên cứu văn hóa uyên thâm.
Ông còn là một người chồng, người cha dạt dào tình cảm với vợ con, một chiến sĩ cách mạng luôn mang nặng trách nhiệm công dân. Có thể thấy rõ điều đó qua “Những lá thư vượt tuyến” (Nxb Trẻ, 1999) - những lá thư Trần Hoàn viết từ chiến trường Bình Trị Thiên khói lửa, giữa những trận sốt rét rừng ác tính trong những năm chống Mỹ ác liệt nhất (1967 - 1975) gửi về cho vợ con, người thân đang ở hậu phương miền Bắc.
Có lẽ, những năm tháng xa nhau vì nhiệm vụ cao cả, thư là chiếc cầu nối tình yêu duy nhất giúp vợ chồng nhạc sĩ vượt qua khó khăn, tìm thấy niềm vui để vơi đi nỗi nhớ nhung, cách trở… Đó còn là sự hy sinh cao quý “Khi Tổ quốc cần họ biết sống xa nhau”.
Trong bức thư cho vợ ngày 19/3/1967, khi mới đặt chân đến chiến trường Trị Thiên, nhạc sĩ Trần Hoàn viết:
“Em Thanh Hồng, mẹ và các con thân yêu!
Anh đã đến nơi. Đi trên một tháng ròng rã. Một tháng trèo đèo, lội suối, vượt núi, băng rừng, ngày đi đêm nghỉ, mang trên mình gần như một chiếc nhà lưu động với đầy đủ gạo, muối ăn trong một tháng, quần áo, tăng võng và những kỷ niệm của miền Bắc... Cũng là dịp được ngắm cái vườn động vật và thực vật vĩ đại của thiên nhiên Việt Nam kéo dài mấy nghìn cây số; “thưởng thức” các thứ tác động của muỗi, vắt, rắn, rết, kiến rừng đủ loại, tai nghe nhiều kiểu âm thanh, nhất là tiếng từ quy gọi nhau khắc khoải trong đêm, tiếng vượn hú đầu non những chiều buồn, gợi nhớ tưởng “chết” được”….
Ông không giấu được sự sốt ruột muốn được thực hiện nhiệm vụ: “Đây là lá thư đầu tiên anh viết từ nơi anh ở, sau khi công việc đã được ổn định. Phải nói như vậy, vì cách đây hơn 10 ngày, anh phải sống trong sự hồi hộp, lo âu. Mọi người trong đoàn đã được Khu ủy tiếp nhận vào hậu cứ, trừ mỗi mình anh phải ở lại trạm giao liên, chờ và chờ... Không rõ vì lý do gì? Có một anh cán bộ tổ chức ra trạm cho biết là Ban Tổ chức Khu ủy chưa đề cập đến việc xin một nhạc sĩ, một giám đốc vào làm gì, vì chiến trường còn ác liệt, chưa thật sự có nhu cầu. Anh đã phát cáu lên và nói: đã vào đến đây thì trên bố trí gì anh cũng làm được, kể cả công việc chạy công văn giữa các trạm, chứ nhất định không ra nữa”…
Nhạc sĩ Trần Hoàn với các văn nghệ sĩ (Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Quang Hà…) ở chiến khu Trị Thiên, năm 1970. Ảnh: Tư liệu gia đình. |
Hay trong một bức thư đề ngày 26/7/1969, Trần Hoàn đau xót trước nỗi đau mất mẹ: “Mạ của chúng ta qua đời cách đây hai tháng ở nhà cô Tôn tại Huế... Thế là niềm hy vọng của anh về gặp mạ, sau gần hai mươi năm xa cách, không bao giờ thực hiện được nữa rồi. Hôm nay, trời xế chiều, nhận được thư gởi lên mà lòng anh đau như cắt. Anh khóc suốt đêm và giận cho mình đã để lỡ cơ hội về thăm mạ từ lúc vào chiến trường...”. Trong thư ông cũng dặn các con: “Các con ơi! các con không có dịp gặp bà nội nữa đâu. Mối thù giặc Mỹ, ba mong các con cùng ba mẹ khắc ghi vào xương tủy và đòi chúng phải trả nợ...”.
Bức thư cuối cùng đề ngày 30/4/1975, ông viết tại thành phố Huế trong nỗi hân hoan tột cùng của chiến thắng:
“Em Hồng thân yêu!
Những ngày qua, cũng như cả nước, Huế sống trong một tâm trạng phấn khởi, tin tưởng và chờ đợi.
Tin chiến thắng từ miền cực Nam Trung Bộ, miền Đông Nam Bộ như báo hiệu sự kết thúc dữ dội, huy hoàng của cuộc chiến tranh có một không hai trong lịch sử này.
Huế đã ổn định. Sông Hương lại hiền lành và lặng lẽ trôi như thuở nào. Toàn thành phố đã trở lại sinh hoạt bình thường. Chợ búa, trường học, xưởng thợ, cửa hàng đều đã đông nghịt người.…
Sài Gòn giải phóng rồi em ơi!
Có nỗi vui nào vui hơn.
Đất nước ta không còn giới tuyến nữa rồi.
Gia đình ta sẽ đoàn tụ.
Anh đã sống trong những ngày vui ấy… Anh phải viết ngay thư này cho em và các con để cùng vui với đất nước niềm vui bất tận này. Chỉ thương mẹ, không biết có qua khỏi để tận hưởng niềm vui Bắc Nam sum họp, đất nước liền một dải hay không? Anh không chịu đựng được nữa rồi, nỗi đau xa cách và chia cắt. Đất nước không còn giới tuyến nữa. Chần chừ gì nữa mà em, mẹ và các con không vào Huế với anh?
Em nhớ chăm sóc mẹ và thưa với mẹ vì quá bận rộn anh chưa ra thăm được mẹ, mong mẹ tha thứ cho anh”.
Hàng trăm “lá thư vượt tuyến” ấy là minh chứng của thời kỳ đấu tranh gian khổ, là tình cảm cháy bỏng yêu thương với vợ con, nhưng lại “không thầm kín đối với mọi người”, thể hiện trách nhiệm, nghĩa vụ lớn lao của người chiến sĩ. Với giá trị thiêng liêng ấy, gần 200 trong số “Những lá thư vượt tuyến” đã được gia đình nhạc sĩ Trần Hoàn trao tặng cho Trung tâm Lưu trữ quốc gia III lưu giữ để giáo dục cho thế hệ trẻ thấu hiểu về mối quan hệ giữa công dân với Tổ quốc, về tình nghĩa vợ chồng, cha con…, là tư liệu quý giá cho tuổi trẻ hôm nay học tập và tiếp bước.
Minh Đăng
Ý kiến bạn đọc