Bác sĩ Spock và những tình cảm đặc biệt đối với Việt Nam
Ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được chính thức ký kết tại thủ đô Paris, Cộng hòa Pháp.
Đây là kết quả của quá trình đấu tranh gay go, quyết liệt và phức tạp trên cả ba mặt trận chính trị, quân sự và ngoại giao, đỉnh cao của nghệ thuật kết hợp "vừa đánh vừa đàm". Một trong những người bạn quốc tế có nhiều đóng góp trong việc thúc đẩy lập lại hòa bình tại Việt Nam có bác sĩ người Mỹ Benjamin McLane Spock, với những hoạt động phản chiến ngay trong lòng nước Mỹ.
Tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh TP. Hồ Chí Minh hiện đang trưng bày cuốn sách “The Famous doctocr speaks out! Dr Spock on Vietnam” (Những câu nói nổi tiếng của bác sĩ Spock nói về Việt Nam) của bác sĩ Spock do Tổ chức Associate Fellow Global Economy trao tặng và huy hiệu: “Dr Spock Brougth Me up” (Bác sĩ Spock đã dạy dỗ tôi nên người) do Tổ chức Liên minh phản chiến - một tổ chức lãnh đạo phong trào chống chiến tranh Việt Nam trao tặng. Cuốn sách phát hành năm 1967 nhằm kêu gọi thanh niên và lính Mỹ trốn quân dịch, không đi lính sang Việt Nam.
TS. Trần Xuân Thảo, Giám đốc Bảo tàng Chứng tích chiến tranh TP. Hồ Chí Minh cho biết, theo tư liệu lưu trữ của bảo tàng thì bác sĩ Benjamin McLane Spock (1903 - 1998) sinh tại New Haun, bang Connecticut, Hoa Kỳ. Năm 1946, ông xuất bản cuốn sách “Baby and Child Care”, khơi dậy một cuộc cách mạng trong việc nuôi dạy trẻ. Với hơn 50 triệu bản được bán ra và được dịch sang hơn 40 ngôn ngữ, cuốn sách được xem là một trong những cuốn sách bán chạy nhất, đứng thứ hai ở Mỹ chỉ sau Kinh thánh.
háng 4/1967, bác sĩ Spock dẫn đầu khoảng 300.000 người tuần hành đến trước trụ sở Liên hiệp quốc ở New York để phản đối chiến tranh Việt Nam. Ảnh tư liệu |
Năm 1966, bác sĩ Spock cùng một nhóm gồm 4 giáo sư soạn thảo một bản phát ngôn với tên gọi “A Call to Resist Illegitimate Authority” (Lời kêu gọi chống lại thẩm quyền bất hợp pháp); sau đó ông và nhóm tác giả bị chính quyền Mỹ truy tố về tội xúi giục thanh niên chống nhập ngũ. Trong thời gian chờ xét xử, bác sĩ Spock đã biên soạn cuốn sách “The Famous doctocr speaks out! Dr Spock on Vietnam”, bày tỏ sự phản đối nhà cầm quyền Mỹ gây ra cuộc chiến tranh phi nghĩa ở Việt Nam và thể hiện tình cảm ủng hộ nhân dân Việt Nam chống chiến tranh xâm lược của quân đội Mỹ.
Tháng 4/1967, bác sĩ Spock cùng mục sư Martin Luther King dẫn đầu khoảng 300.000 người tuần hành đến trước trụ sở Liên hiệp quốc ở New York (Mỹ) để phản chiến. Đây được xem là một trong những cuộc biểu tình chống chiến tranh lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ. Bác sĩ Spock là một trong những người đầu tiên ký vào “A Call to Resist Illegitimate Authority” được công bố vào tháng 9/1967, trong đó ủng hộ việc chống thi hành nghĩa vụ quân sự và quyền của quân nhân được từ chối tuân theo “các mệnh lệnh phi pháp và vô đạo đức”.
Sau Tết Mậu Thân 1968, tình hình chiến tranh Việt Nam đã đảo lộn, ngọn lửa phản chiến vốn đã âm ỉ từ trước nay bùng lên dữ dội. Chiến tranh Việt Nam đã đi vào từng gia đình Mỹ, từng trái tim của các bà mẹ, làm thức tỉnh lương tri của nhân dân tiến bộ Mỹ. Phong trào chống chiến tranh Việt Nam gần như trở thành một cuộc nội chiến trong lòng nước Mỹ. Chính quyền Mỹ gặp nhiều khó khăn trong việc vận động binh lính sang chiến trường Việt Nam. Lớp lớp thanh niên Mỹ trốn lính, đốt thẻ quân dịch, thà ở tù còn hơn sang chiến trường Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Văn Đồng tiếp bác sĩ Spock. Ảnh tư liệu |
TS. Trần Xuân Thảo cho biết, qua nghiên cứu lịch sử cho thấy, việc phát hành cuốn sách “The Famous doctocr speaks out! Dr Spock on Vietnam” của bác sĩ Spock càng khuấy động mạnh thêm phong trào chống chính quyền Mỹ lúc bấy giờ. Vì lẽ đó, ngày 14/6/1968, bác sĩ Spock và bốn người khác bị bồi thẩm đoàn của Tòa án Liên bang khu vực tại Boston tuyên bố có tội trước các cáo buộc âm mưu hỗ trợ, khuyến khích và tư vấn cho những người đăng ký nghĩa vụ quân sự vi phạm đạo luật tuyển chọn quân dịch. Bản cáo trạng buộc tội bác sĩ Spock đã làm choáng váng cả nước Mỹ. Thời báo New York và The Washington Post đã đưa ra câu chuyện trên trang nhất. Trước sức ép của dư luận và công chúng Mỹ, bản án kết tội bác sĩ Spock không được thực thi.
Tháng 11/1969, bác sĩ Spock tiếp tục tham gia một cuộc biểu tình chống chiến tranh tại Washington D.C với hơn 250.000 người. Bác sĩ Spock đã bị bắt nhiều lần, nhưng ông vẫn tiếp tục các hoạt động chống chiến tranh.
Vào đầu năm 1970, khi cuộc chiến tranh Việt Nam vẫn còn leo thang, bác sĩ Spock đã đến thăm Hà Nội với tư cách là khách mời của Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Trong cuộc tiếp đón này, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã cho bác sĩ Spock biết rằng cuốn sách “The Famous doctocr speaks out! Dr Spock on Vietnam” đã nằm trang trọng trên bàn làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và vẫn được lưu giữ cho đến ngày nay.
Trong cuộc bầu cử năm 1972, Đảng nhân dân Hoa Kỳ đã đề cử bác sĩ Spock làm ứng viên ra tranh cử tổng thống. Dù không giành chiến thắng, bác sĩ Spock vẫn là nhà hoạt động chống chiến tranh nổi tiếng cho đến khi Mỹ rút khỏi Việt Nam. Ông mãi là tấm gương sáng đại diện cho những con người đấu tranh cho hòa bình và công lý. Bác sĩ Spock là một người bạn lớn và luôn dành cho Việt Nam những tình cảm đặc biệt.
Mạnh Phong
Ý kiến bạn đọc