Những ngày tháng không quên
Ngày Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết (27/1/1973), trong niềm vui vỡ òa vì hạnh phúc, còn có những giọt nước mắt thương nhớ người thân hy sinh vì sự nghiệp giải phóng đất nước...
Bà Nguyễn Thị Hường, năm nay 76 tuổi, nguyên Tiểu đội trưởng du kích nữ, xã Lễ Giáo (tên gọi của xã Hòa Lễ trong kháng chiến chống Mỹ) kể lại: Trước ngày Hiệp định Paris được ký kết, nhận được chỉ thị của cấp trên, du kích các xã vùng căn cứ H9 (huyện Krông Bông) triển khai cắm cờ chiếm đất giành dân, mở rộng vùng giải phóng. Khi ấy, du kích xã Lễ Giáo chia thành 3 tiểu đội chiếm lĩnh 3 vùng trọng yếu, riêng tiểu đội du kích nữ của bà có 8 người nhận nhiệm vụ mang cờ, dụng cụ chặt tre vót chông đến khu vực Bàu Chùa (nay thuộc thôn 6, xã Hòa Lễ) để cắm.
Sau khi máy bay địch do thám rời đi, các nữ du kích nhanh chóng cắm cờ, cắm chông. Công việc vừa hoàn thành thì nghe tiếng súng từ hướng Tiểu đội 2 du kích xã đang làm nhiệm vụ ở phía nam bờ sông Krông Bông (nay là Nghĩa trang xã Hòa Phong) vọng lại. Qua tin báo khẩn cấp mới biết, trong lúc cả Tiểu đội 2 đang đào hầm trú ẩn thì bị quân địch từ hướng quận Phước An tập kích bất ngờ khiến 9 chiến sĩ hy sinh, chỉ còn 1 chiến sĩ úp mặt xuống hầm giả chết, sống sót trở về đơn vị…
Sáng ngày 27/1/1973, khi radio phát đi bản tin Hiệp định Paris được chính thức ký kết, bà con căn cứ Lễ Giáo ôm chầm nhau hô to: “Mỹ rút quân rồi, hòa bình đến rồi bà con ơi”… Giữa giây phút thiêng liêng ấy, có những giọt nước mắt vỡ òa trong hạnh phúc, nhưng cũng có những giọt nước mắt tiễn đưa người thân vừa hy sinh mà chưa kịp nhìn thấy ngày quân xâm lược rút khỏi đất nước mình…
Bà Nguyễn Thị Hường, nguyên Tiểu đội trưởng du kích nữ xã Lễ Giáo. |
Những cựu chiến binh thuộc Tiểu đoàn 301 (Tỉnh đội Đắk Lắk) không khỏi bùi ngùi xúc động mỗi khi nhớ lại 29 ngày đêm phòng ngự chốt buôn Tring. Ông Nguyễn Xuân Tiến, Tiểu đội phó, Đại đội 3, Tiểu đoàn 301 kể: Sau khi Hiệp định Paris được ký, đúng vào lúc 19 giờ ngày 24/3/1973, nhận được lệnh của Bộ Tư lệnh B3, đơn vị ông cấp tốc hành quân từ đường 21 (nay là Quốc lộ 26) về Buôn Hồ phối hợp cùng Trung đoàn 25 chiếm lĩnh đèo Hà Lan, không cho địch tiến sâu vào vùng giải phóng. Để tạo thế gọng kìm, Tiểu đoàn 301 chia làm hai đội hình có nhiệm vụ chiếm lĩnh những khu vực trọng yếu ở hai đầu đèo Hà Lan. Do lực lượng của địch đông, hỏa lực mạnh lại có phi pháo yểm trợ nên cả khu vực đèo Hà Lan cây cối cháy rụi, ở nơi ẩn nấp ta có thể nhìn rõ quân địch tuần tra. Xác định phòng ngự chốt lâu dài, ban đêm ta đào hầm, công sự, ban ngày khi máy bay ngừng rải bom và ngừng pháo kích, ta mai phục chờ bộ binh địch đến chủ động chiến đấu.
Những tháng ngày chiến đấu ấy, có một ký ức mà ông Tiến không thể nào quên, đó là khi được phân công nhiệm vụ trực chiến bảo vệ hầm chỉ huy. Trong lúc đang mai phục phía sau chiếc cối giã gạo của đồng bào dân tộc thiểu số thì địch bắn M79 vỡ đôi chiếc cối, mảnh đạn găm trúng chân ông, nhưng ông Tiến vẫn bám sát trận địa chiến đấu. Khi bộ binh địch vừa tràn lên ông đã dùng súng AK tiêu diệt tại chỗ 5 tên, khiến chúng hoang mang, dao động… Trong suốt 29 ngày đêm bám chốt, ta và địch giành giật nhau từng tấc đất, tranh chấp từng phút, từng giờ, có những lúc cái chết cận kề nhưng ông Tiến cùng đồng đội ngoan cường chiến đấu, đẩy lùi nhiều cuộc phản kích quy mô lớn của địch. Những chiến công của người lính Tiểu đoàn 301 đã góp phần vào thắng lợi giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975…
Mai Viết Tăng
Ý kiến bạn đọc