Multimedia Đọc Báo in

Truông Bồn - Khúc tráng ca nơi “hố bom miền Bắc”

16:31, 30/07/2024

Trong kháng chiến chống Mỹ, Truông Bồn  (xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An) với vị trí chiến lược trong việc chi viện cho chiến trường miền Nam đã trở thành trọng điểm đánh phá ác liệt của kẻ thù.

Hòng phá hủy con đường vận tải chiến lược này, từ năm 1964 - 1968, Mỹ đã tập trung máy bay ném bom trút xuống đây hàng chục nghìn tên lửa và bom các loại, tàn phá 211 thôn, làng dọc tuyến đường. Đoạn Quốc lộ 15 (đường Hồ Chí Minh cơ giới đi qua Truông Bồn) có khoảng 5 km, nhưng chỉ tính từ tháng 6 - 10/1968 đã hứng chịu 2.692 quả bom các loại của giặc Mỹ. Thế nên Truông Bồn được mệnh danh là “túi bom”, là “tọa độ lửa”, là “hố bom miền Bắc”.

Tại “tọa độ lửa” này, hơn 1.240 cán bộ, chiến sĩ bộ đội, dân quân tự vệ, thanh niên xung phong, công nhân ngành giao thông đã anh dũng hy sinh. Khó nói hết những gì mà “túi bom” này phải hứng chịu, nhưng sự ác liệt và anh dũng ở Truông Bồn dường như đã được kết tinh bởi sự hy sinh của 13 chiến sĩ thanh niên xung phong vào ngày 30/10/1968, trước đúng một ngày Tổng thống Mỹ Lyndon B. Johnson buộc phải tuyên bố ngừng ném bom ở miền Bắc vào 0 giờ ngày 1/11/1968.

Du khách xúc động trước phần mộ của 13 anh hùng liệt sĩ thanh niên xung phong tại Khu Di tích lịch sử quốc gia Truông Bồn.

Những ngày cuối tháng 6 vừa qua, chúng tôi có dịp đến thăm địa danh anh hùng này và được nghe câu chuyện đầy xúc động về câu chuyện tình nguyện chiến đấu và hy sinh vào giờ phút cuối cùng của 11 cô gái và 2 chàng trai thanh niên xung phong nơi đây.

“Đó là một buổi sáng mùa đông, bầu trời u ám, bóng đêm không nhìn rõ mặt người. Các anh, các chị lẽ ra đã rời đơn vị vào ngày 30/10 nhưng khi nghe cấp trên phổ biến sáng sớm mai sẽ có một đoàn xe đặc biệt vào chiến trường và bộ đội hành quân qua, đơn vị phải ra mặt đường để bảo đảm giao thông, tất cả các anh chị đã tình nguyện ở lại chiến đấu cùng đồng đội. Đại đội vừa sửa đường, vừa đứng làm cọc tiêu trong sương mù cho từng chuyến xe qua. Khi chuyến xe cuối cùng vừa qua khỏi thì tiếng kẻng báo động vang lên. Lúc đó khoảng 6 giờ 10 phút. Một tốp máy bay địch điên cuồng ào đến trút những trận mưa bom xuống Truông Bồn. Trận bom tàn khốc đó đã khiến 13 chiến sĩ hy sinh. Tiểu đội 2 chỉ cứu được Tiểu đội trưởng Trần Thị Thông nhờ một nòng súng trường nhô lên trong một căn hầm bị sập. Thân thể nhiều đồng chí khác đã tan hòa vào đất đá, cỏ cây. Đồng đội tìm thấy bên một hố bom nửa vành nón có ghi hai chữ “Tặng Dung”. Chị Phan Thị Dung cùng chị Hà Thị Đang, chị Nguyễn Thị Phúc đã có giấy báo nhập học vào Trường Trung cấp Cơ khí Thanh Hóa. Đồng đội nhặt được một cánh tay mà trên cổ tay còn buộc một chiếc khăn mùi soa màu đỏ, bị bom Mỹ hất tung vào tận bìa rừng, trong chiếc khăn mùi soa có giấy báo nhập học vào Trường Trung cấp Y Nghệ An mang tên Vũ Thị Hiên. Chị Nguyễn Thị Tâm (quê xã Hợp Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) cùng anh Cao Ngọc Hòa (quê xã Diễn Lộc, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) được phục viên, ăn hỏi rồi, chuẩn bị làm đám cưới, đã không bao giờ trở về, để lỡ một cuộc đưa dâu…”, người thuyết minh viên nói khi đôi mắt đang ngấn lệ. Trong đoàn dâng hương viếng di tích, nhiều người cũng rưng rưng nước mắt...

Một khu vực trưng bày hiện vật chiến tranh tại Khu Di tích lịch sử quốc gia Truông Bồn.

Chiến tranh đã lùi xa, cuộc sống đã được hồi sinh mạnh mẽ ngay trên “tọa độ chết” năm xưa. Nơi mảnh đất bạc màu hòa lẫn máu xương của thế hệ cha anh đi trước, bằng tấm lòng tri ân của nhân dân cả nước, Khu Di tích lịch sử quốc gia Truông Bồn hôm nay đã được xây dựng bề thế, khang trang. Với diện tích 217 m2 Khu di tích lịch sử quốc gia Truông Bồn gồm nhiều công trình; trong đó, khu mộ của 13 liệt sĩ thanh niên xung phong là nơi đặc biệt nhất được bao quanh bởi rừng thông già yên bình. Bên cạnh khu tượng đài, khu di tích còn có 2 nhóm tượng, 6 trụ huyền thoại thể hiện tinh thần anh hùng, kiên cường của lực lượng thanh niên xung phong.

Nơi đây đã trở thành “địa chỉ đỏ”, một điểm đến mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc để thế hệ trẻ thấm nhuần và bồi đắp tinh thần yêu nước, bảo vệ Tổ quốc.

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc