Multimedia Đọc Báo in

Bốn tháng có ba vua - thời kỳ rối ren của triều Nguyễn

08:34, 27/09/2024

Nhiều người dân đất cố đô Huế vẫn thường nhắc câu của võ tướng Ông Ích Khiêm viết ở trong ngục: “Nhất giang lưỡng quốc nan phân thuyết/ Tứ nguyệt tam vương thậm bất tường” với hàm nghĩa hai nước chỉ có một con sông thì khó phân, chỉ bốn tháng có tới ba vua thì chuyện chẳng lành để nói về một thời kỳ rối ren của nhà Nguyễn.

Vua Tự Đức truyền ngôi cho con nuôi

Tự Đức là vị vua thứ tư của vương triều Nguyễn, sau các vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị. Vua Tự Đức có thời gian trị vì lâu nhất của nhà Nguyễn, từ năm 1847 - 1883. Theo sử sách chép lại, vua Tự Đức có tất cả 103 bà phi tần, ngự thiếp. Tuy hậu cung đông đảo nhưng do thể chất ốm yếu, ông hay đau ốm liên miên, lại thêm di chứng của bệnh đậu mùa nên không thể có con. Song, chân mệnh thiên tử cần phải có người nối dõi để quản sơn hà xã tắc nên Tự Đức đã nhận ba người trong dòng tộc làm con nuôi. 

Trong thời gian Tự Đức trị vì, vận mệnh của đất nước Đại Nam ngày càng suy yếu. Năm 1858, liên quân Pháp – Tây Ban Nha nổ súng tấn công Đà Nẵng. Trước sức mạnh quân sự của đế quốc phương Tây, các vùng miền của nhà nước Đại Nam lần lượt thuộc về người Pháp kiểm soát, triều đình nhà Nguyễn buông bỏ vì bất lực. Năm 1883, vua Tự Đức băng hà, triều đình rối ren vì anh em, con cháu tranh giành quyền lực. Đây là cơ hội tốt nhất để người Pháp tổ chức tấn công vào kinh thành Huế và nhanh chóng toại nguyện.

Phụ chính đại thần can thiệp vào vương triều

Trong ba người con nuôi của vua Tự Đức gồm Nguyễn Phúc Ưng Chân, Nguyễn Phúc Hồng Dật và Nguyễn Phúc Ưng Đăng thì Ưng Đăng được Tự Đức chú ý nhất. Song, vì Ưng Đăng còn nhỏ tuổi, Tự Đức buộc phải truyền ngôi cho người con trưởng thành là Ưng Chân. Di chiếu của vua Tự Đức ghi: Ưng Chân lớn tuổi, tuổi trưởng thành đã lâu, tuy nhiên mắt hơi có tật, dù xưa nay vẫn giấu kín, sợ sau này không thấy sáng, tính lại hiếu dâm, không chắc đảm đương được việc lớn. Nhưng đất nước cần phải có vua lớn tuổi. Trong thời thế khó khăn này không dùng Ưng Chân thì dùng ai?...

Phụ chính đại thần Tôn Thất Thuyết (1839 - 1913). Ảnh tư liệu

Khi vua Tự Đức băng hà tại điện Càn Thành, theo như di chiếu, Ưng Chân vào chịu tang và coi như người kế vị lấy niên hiệu là Dục Đức (1852 - 1883). Khi biết được trong di chiếu có đoạn nói không tốt về mình, Dục Đức gọi quan phụ chính Trần Tiễn Thành đề nghị xóa đi phần đó, Trần Tiễn Thành giả vờ gật đầu bằng lòng.

Ngày làm lễ đăng quang của vua Dục Đức ở điện Thái Hòa, Trần Tiễn Thành đọc di chiếu, đến đoạn ấy thì đọc nhỏ và lướt qua nhanh không ai nghe được. Lúc này hai quan phụ chính đại thần là Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường bảo dừng lại để chất vấn, rồi cử tham tri Nguyễn Trọng Hợp đọc lại, và kết tội Ưng Chân. Họ dâng biểu hạch tội lên cho Hoàng Thái hậu Từ Dụ với các tội danh như sửa di chiếu, có đại tang mà mặc áo màu, từng thông dâm với cung nữ của vua cha…

Sau khi được sự đồng ý của bà Từ Dụ, Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết tuyên bố phế truất vua Dục Đức. Cả triều đình không ai dám lên tiếng, chỉ có quan ngự sử Phan Đình Phùng đứng ra phản đối, liền bị Tôn Thất Thuyết bắt giam rồi cách chức đuổi về quê. Vua Dục Đức bị giam gần một tháng thì mất, tại ngôi chỉ được ba ngày.

Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (1824 - 1886). Ảnh tư liệu

Sau khi vua Dục Đức bị phế truất, Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường cử phái đoàn ra Kim Long rước Lang quốc công Nguyễn Phúc Hồng Dật vào Đại nội chuẩn bị làm lễ đăng quang. Ngày 30/7/1883, Hồng Dật lên ngôi vua lấy niên hiệu là Hiệp Hòa (1847 - 1883).

Khi lên ngôi, Hiệp Hòa nhận thấy rằng sự tiếm quyền của các quan phụ chính đại thần, vì vậy ông tìm cách nhờ Pháp can thiệp để loại bỏ. Biết được ý đồ của Hiệp Hòa, Tôn Thất Thuyết đã lên kế hoạch ra tay trước.

Sách Việt sử tân biên viết rằng: “... ngay trưa hôm ấy (29/5/1883), sau khi truyền đóng các cửa Hoàng thành lại, triều thần nhóm họp bất thường hạch tội vua Hiệp Hòa. Nhà vua bị buộc ba tội: Thâm lạm công nhu; không chịu nghe lời khuyến cáo của các quan phụ chính; tư thông với đại diện Pháp”. Triều đình buộc ông thoái vị. Được giao thi hành án, võ tướng Ông Ích Khiêm đưa cho vua Hiệp Hòa ba sự lựa chọn cái chết: một thanh gươm, một dải lụa và một chén thuốc độc. Hiệp Hòa uống chén thuốc độc, 4 giờ sau ông chết tại tư thất vào ngày 29/11/1883, chỉ ngồi trên ngai vàng hơn 4 tháng.

Ngày 2/12/1883, vua Kiến Phúc (1869 - 1884) – một người con nuôi của vua Tự Đức - lên ngôi ở điện Thái Hòa khi mới 15 tuổi. Thế nhưng Kiến Phúc chỉ làm vua được 8 tháng thì qua đời vào ngày 31/7/1884 và trở thành vị quân chủ yểu mệnh nhất của triều Nguyễn. Sách Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim chép: “Khi vua Kiến Phúc se mình, nằm trong cung điện, đêm thấy Nguyễn Văn Tường trong cung, ngài có quở mắng. Đến ngày hôm sau ngài ngộ độc thuốc mà mất”…

Võ Hữu Lộc


Ý kiến bạn đọc