Multimedia Đọc Báo in

Hà Nội - thành phố của khát vọng hòa bình

10:53, 28/10/2024

Trong suốt chiều dài lịch sử hơn một ngàn năm, Hà Nội – Thăng Long là vùng địa linh nhân kiệt, nơi lắng đọng hồn thiêng sông núi, hội tụ nhân tài bốn phương, nơi kết tinh và tỏa sáng những giá trị ngàn đời của văn hóa dân tộc.

Soi chiếu vào lịch sử dân tộc, nhiều cuộc chiến tranh giữ nước giành thắng lợi trọn vẹn chỉ khi kẻ thù bại trận ngay trên đất Thăng Long – Hà Nội. Nghìn năm Bắc thuộc, biết bao lần quân xâm lược phương Bắc phải thất bại ê chề, không thể tiến chiếm được kinh đô nước Việt, để “Kinh đô vẫn thuộc núi sông ta” (Ngô Ngọc Du).

Nhưng quân xâm lược có bao giờ chịu thừa nhận thực tế đó để Hà Nội bước sang thời hiện đại lại thêm những lần chìm trong bom đạn. “Hà Nội cháy khói lửa ngợp trời”. Nhưng “Hà Nội vùng đứng lên” để mãi mãi “kinh đô vẫn thuộc núi sông ta” như tiền nhân đã từng khẳng định.

pháo đài Láng
Pháo đài Láng trong những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến năm 1946 -
(Ảnh tư liệu Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam).

Hơn 1 năm sau ngày độc lập, tối 19/12/1946, pháo đài Láng nổ phát súng đầu tiên lệnh toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta. Sau 60 ngày đêm chiến đấu anh dũng, quật cường với tinh thần “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, quân và dân Hà Nội đã làm thất bại quyết sách đánh nhanh diệt gọn của thực dân Pháp.

Trong những ngày tháng cam go đó, Hà Nội vừa chiến đấu vừa thực hiện chiến lược “tiêu thổ kháng chiến”, lại “vườn không nhà trống” như cha ông thời nhà Trần đã từng làm để cầm chân quân Pháp, tạo thời gian để cơ quan đầu não của ta rút khỏi thủ đô, sẵn sàng cho một cuộc kháng chiến trường kỳ chưa từng có trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc.

Những năm tháng hào hùng ấy, biết bao người Hà Nội “ra đi đầu không ngoảnh lại”, nung nấu chí kiên cường bất khuất, niềm tin chiến thắng và hy vọng một ngày không xa lại về với thủ đô, với Hà Nội ba mươi sáu phố phường thân yêu và hát vang bài ca chiến thắng.

“Ta thề Thủ đô sẽ chiến thắng quân thù!” - Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng động viên chiến sĩ như thế trong buổi đầu gian nan của cuộc kháng chiến. Lời thề ấy đã thành hiện thực ngày 10/10/1954, nước Hồ Gươm lại xanh thắm lòng, phố phường Hà Nội lại tíu tít rộn ràng.

Gần 20 năm sau, thêm một lần Hà Nội hào hùng và bi tráng những ngày cuối tháng 12/1972 lịch sử.

Với bản chất hiếu chiến và ngoan cố, đế quốc Mỹ mở cuộc tập kích đường không chiến lược cuối năm 1972 với quy mô lớn chủ yếu bằng B-52, đánh phá ác liệt Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương khác, hòng đưa miền Bắc Việt Nam quay trở về “thời kỳ đồ đá”. Sau 12 ngày đêm chiến đấu anh dũng, từ 18 đến 30/12/1972, quân và dân ta đã buộc Tổng thống Mỹ Nixon phải tuyên bố ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra và họp lại Hội nghị Paris về Việt Nam. Thần tượng “pháo đài bay” B-52 sụp đổ thảm hại. Nhớ lại 5 năm trước đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dự đoán: “Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua, nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”.

Tọa đàm “Hà Nội - Thành phố vì hòa bình 25 năm hội nhập và phát triển”, diễn ra sáng 26/7.
Các đại biểu tham dự Tọa đàm “Hà Nội - Thành phố vì hòa bình 25 năm hội nhập và phát triển”, diễn ra sáng 26/7/2024. Ảnh: Cẩm Anh/KTĐT

Ngày chiến thắng, Hà Nội rợp cờ hoa. “Cả bốn biển hoan hô Hà Nội”: Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người. “Cút sạch đi, bầy sói hôi tanh/… Lịch sử muốn bay cúi đầu tội lỗi/ Dưới gươm thiêng hùng khí Thủ đô” (Tố Hữu).

Hà Nội ngày nay là thủ đô xanh, là thành phố hòa bình. Hà Nội sẽ tỏa sáng cùng đất nước trên con đường đi tới tương lai tươi đẹp. Nghĩ thế, bỗng thấy lòng bâng khuâng. Và con tim ngân lên câu hát: “Hà Nội đó niềm tin yêu hy vọng/ Của núi sông hôm nay và mai sau”…

Duy Xuân


Ý kiến bạn đọc