Những cái Tết nơi ngục tù Côn Đảo
Trong buổi gặp mặt truyền thống của các nữ điệp báo đặc khu Quảng Đà năm xưa tại nhà Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Ngô Thị Huệ (TP. Nẵng) đầu năm 2025, kỷ niệm về những cái Tết nơi ngục tù Côn Đảo lại được các nữ cựu tù chính trị nhắc nhớ như những ký ức không thể nào quên…
“Quà Tết” của cai tù
Do ám sát một tên an ninh đầu sỏ ngụy, bà Nguyễn Thị Thanh, một chiến sĩ điệp báo đặc khu Quảng Đà bị kết án 20 năm tù khổ sai biệt xứ. Tháng 11/1969 vừa bước sang tuổi 19 thì bà bị đày ra Côn Đảo.
Bà kể: “Tết năm ấy lạnh cắt da cắt thịt. Trong phòng giam 6 m², tôi cùng bốn chị em nữa ôm lấy nhau tìm hơi ấm. 30 Tết, vẫn khẩu phần ăn thường lệ, mỗi người một chén cơm, lổn nhổn cát sạn, rưới một chút mắm cá sặc. Chị em động viên nhau phải ăn để tiếp tục sống, chiến đấu. Năm ấy, Bác Hồ vừa mất, chúng tôi xúc động kể cho nhau nghe những mẩu chuyện về cuộc đời hoạt động cách mạng của Người, ngâm nga những vần thơ, bài hát ca ngợi Bác. Mơ ước đón Bác vào Nam chưa thành hiện thực thì Người đã ra đi, mắt ai cũng rưng rưng, lại thấy mình phải rắn rỏi, kiên cường hơn để xứng đáng là con cháu Bác Hồ”.
Ở Côn Đảo, phần lớn đồ tiếp tế của người thân tù nhân gửi ra đều bị bọn cai tù cướp sạch nên trong những ngày Tết, tù nhân chẳng có món gì cải thiện. Thèm ăn đủ thứ nhưng có lẽ thèm nhất vẫn là rau xanh.
Sáng mùng 1 Tết, giám thị mang tới mỗi phòng giam một đĩa mồng tơi sống, bảo là quà của giám đốc nhà tù. Dù không mấy tin vào lòng tốt bất ngờ ấy, chị em vẫn mừng thầm vì có nguồn vitamin. Mồng tơi sống vừa ngái vừa nhớt, nuốt vào chừng tiếng sau, cả phòng đều nôn mật xanh, mật vàng. Lần lượt các chị Tư, chị Lý, chị Dẻ lên cơn động kinh, sùi bọt mép, chân tay co giật…
Riêng bà Thanh trẻ hơn, có phần tỉnh táo hơn, hò hét đến khản cổ (những phòng bên cạnh cũng rung đập cửa liên hồi) nhưng bọn trật tự cố tình làm ngơ. May mà còn một ca nước để dành, bà Thanh khéo léo nhỏ vào miệng mỗi bạn tù từng chút một, mãi đến trưa, các chị mới hồi sức, mặt mũi tím tái, nhợt nhạt như vừa từ cõi chết trở về.
Địa ngục không thắng nổi trái tim người tù
Hầu hết tù chính trị bị đày ra Côn Đảo, sau một thời gian ở chuồng cọp sẽ về các khu biệt giam, nơi cuộc sống có phần dễ thở hơn. Mỗi phòng giam thường có 50 - 70 tù nhân, thành lập được chi bộ đảng, các đoàn thể nên phong trào đấu tranh luôn sôi sục. Bất chấp mọi thử thách nghiệt ngã, người tù vẫn cất lên những vần thơ thấm đẫm tinh thần lạc quan cách mạng: “Tơi bời đánh đập như đấm bóp dần lưng/ Cơm lạt hàng tuần như về Tây Phương Phật/ Phòng chật nóng bức như được tắm xông hơi/ Cơm nước tận nơi như có người phục vụ”.
Tết ở biệt giam được chuẩn bị khá công phu. Ngay từ đầu tháng Chạp, chi bộ đảng triển khai chương trình học tập chính trị, ôn lại truyền thống vẻ vang của Đảng, của dân tộc. Ban đấu tranh xốc lại đội hình, tổ chức hô la, tuyệt thực đòi nới lỏng chế độ hà khắc, cho tù nhân tắm giặt, ra ngoài trời hít thở không khí. Ban hậu cần tích cực lo tích góp lương thảo (mỗi ngày mỗi phòng để dành lại vài chén cơm, quạt cho khô). Bận bịu nhất phải kể đến Ban văn nghệ khi lo soạn thảo kịch bản, phân công người làm đạo cụ, trang phục, luyện tập các tiết mục mừng Đảng, mừng Xuân. Văn nghệ là món ăn tinh thần chủ lực của người tù nên chuẩn bị đón Tết, ai cũng chung sức chung lòng, cống hiến hết mình.
Đêm Giao thừa, phòng nào cũng có bàn thờ Tổ quốc (kê bằng các loại thau, chậu, phủ tấm vải lên), phía trên là cờ đỏ sao vàng (màu đỏ nhuộm từ thuốc đỏ, màu vàng từ nghệ, quả bàng chín), ảnh Bác Hồ được vẽ bằng than, bút chì rất đẹp. Có năm còn thiết kế cả đào, mai khoe sắc (cành làm từ nhánh bàng khô, hoa cắt từ giấy kẹo, bông băng nhuộm thuốc đỏ, nghệ vàng). Mâm bánh cúng tổ tiên có bánh tét (cơm cán nhuyễn, nắm thành hình ống, xắt lát, rắc muối), mứt (làm từ cơm khô rang đường) và chè (cơm khô thả vào nước đun sôi). Thời khắc giao thừa, tất cả đứng trang nghiêm trước bàn thờ Tổ quốc, nghe bí thư chi bộ chúc Tết, dặn dò. Rồi các “nhà thơ” được trân trọng giới thiệu đứng lên đọc những sáng tác mới nhất - những vần thơ Xuân chan chứa niềm tin chiến thắng: “Xuân này còn tạm đọa đày/ Xuân sau mãi mãi hưởng ngày tự do”, “Mừng Xuân trong cảnh đọa đày/ Vững tin thắng lợi đến ngày tự do”.
Đội văn nghệ tiếp nối chương trình bằng các tiết mục hát múa: “Bài ca hy vọng”, “Giải phóng miền Nam”, “Cô gái vót chông”, “Bão nổi lên rồi”, “Xuống đường”, “Tiến về Sài Gòn”… Kịch, tuồng thì có “Người con gái đất đỏ Võ Thị Sáu”, “Anh Nguyễn Văn Trỗi ra pháp trường”, “Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa”, “Tiết Đinh San vấn tội Phàn Lê Huê”… Chả là ngày ấy có một số nữ tù nhân là văn công quân giải phóng hát hay, múa dẻo, thuộc nhiều tích tuồng nên các tiết mục văn nghệ rất đặc sắc, xem mãi không chán. Nhiều vở kịch ra đời trong lao tù mãi sau này vẫn được cựu tù chính trị Côn Đảo trình diễn trong những buổi gặp mặt truyền thống.
Các cựu tù chính trị Côn Đảo năm xưa trong buổi gặp mặt truyền thống tại TP. Đà Nẵng. Ảnh tư liệu |
Buổi văn nghệ hoành tráng ở “Nhà hát lớn” Trại 4
Tháng 1/1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết, thắp lên hy vọng tự do với những người tù Côn Đảo. Tết năm ấy, Trại 4 (khu biệt giam nữ) đấu tranh quyết liệt buộc cai ngục phải đồng loạt mở cửa các phòng giam cùng một giờ để chị em ra ngoài trời vui Tết.
Chuẩn bị cho sự kiện này, các chị dùng thau, giỏ tre phế thải đắp giấy màu lên, kết thành một đầu lân tuyệt hảo. Diễn viên được hóa trang rất công phu bằng những “mỹ phẩm cao cấp” như phấn hồng (bột gạo khô trộn thuốc đỏ), son (thuốc viên salicylate), bút kẻ lông mày, vẽ râu (than, nhọ nồi), trang sức vòng vàng xuyến ngọc làm từ giấy bạc vỏ bao thuốc lá, giấy kẹo… Trang phục được thiết kế cực kỳ linh hoạt: hai ống quần đen viền giấy màu thành hai tay áo rộng của vua quan, hoàng hậu, nếu được tháo chỉ, khâu liền lại thì thành chiếc váy mềm mại, duyên dáng. Nhạc cụ vô cùng phong phú. Ngoài đàn môi (dùng miệng đệm nhạc), có trống, chiêng (gõ xô, chậu, nồi), cây đàn piano 7 nốt nhạc (7 nữ tù chụm sát đầu nhau, mỗi khi nhạc công gõ vào là tự khắc nhô lên, phát ra các nốt đô – rê – mi – pha – son – la – si) rất ngộ nghĩnh.
7 giờ sáng ngày 30 Tết Quý Sửu 1973, khi cửa phòng giam vừa mở, đội múa lân phòng 13, 14 kéo ra mấy mươi người, có cả Tề Thiên múa gậy, ông Địa bụng bự, miệng ngoác tận mang tai, phe phẩy quạt dẫn đường. Sau màn múa lân điệu nghệ là vũ kịch “Mùa xuân thắng lợi”, “Cánh chim hòa bình”, rồi 10 cô gái trong đồng phục trắng, điệu đàng múa trong tiếng nhạc du dương tạo nên khung cảnh thần tiên. Tiếp đến là hoạt cảnh “Đoàn phụ nữ quốc tế thăm nhà tù Côn Đảo”. Dẫn đầu là Trưởng đoàn Liên Xô trắng trẻo, tươi tắn, miệng nổ như bắp rang: Moscow, Lomonosov, Sholokhov…; tiếp đến là đại biểu Pháp xì xồ: Madam, merci, aspirin, penicillin… Phụ nữ Trung Quốc líu lo như chim hót: Xì tái, bò tái, há cảo á… Phụ nữ Lào rộn ràng: Phongsaly, Savannakhet, Louangphabang… Rồi các tiết mục hát múa chọn lọc của các phòng lần lượt chiếm lĩnh sân khấu. Người diễn, người xem đều “cháy” hết mình.
Bọn trật tự lúc đầu còn quát tháo lấy lệ, sau im re, có tên há hốc miệng xem. Chị em nhân đấy chặn cửa, kéo dài buổi văn nghệ gần hai giờ đồng hồ. Đến khi phải vào trong các phòng giam, tiếng ca tiếng hát vẫn còn ngân mãi…
Đỗ Thị Ngọc Diệp
Ý kiến bạn đọc