Multimedia Đọc Báo in

"Bố Hải" của học trò vùng khó

07:40, 26/11/2021

Hơn 20 năm gắn bó với Trường THCS Nguyễn Trường Tộ (xã Ea H’đing, huyện Cư M’gar), thầy Lương Hữu Hải, giáo viên dạy môn tiếng Anh đã giúp hàng trăm học sinh nghèo không phải nghỉ học giữa chừng, vươn lên trong cuộc sống, nuôi dưỡng ước mơ.

Dãy trọ nằm cuối con hẻm ở buôn Ea Sang (xã Ea H’đing) nhiều năm nay đã trở thành "mái ấm" của những học trò nghèo người dân tộc thiểu số. Dãy phòng trọ này thầy Hải thuê không chỉ để cho 30 học sinh trọ học mà còn là nơi dạy kèm tiếng Anh miễn phí cho 150 học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Do dịch bệnh COVID-19 nên hiện nay thầy Hải chỉ dạy kèm trực tiếp cho các nhóm học sinh từ 4 - 5 em, còn lại là dạy trực tuyến hằng ngày. Thầy Hải còn nhận đỡ đầu, nuôi nhiều học sinh có hoàn cảnh đặc biệt ăn học. Nhiều phụ huynh và bao thế hệ học trò nơi đây đã trìu mến gọi thầy hai tiếng thương yêu: “bố Hải”.

Thầy Lương Hữu Hải hướng dẫn học sinh trong khu trọ học bài  (Ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch bệnh).

Thầy Hải tâm tình: “Tôi quê ở Hà Tĩnh nhưng gắn bó với mảnh đất Tây Nguyên từ năm học lớp 3, lớp 4. Trước đây, tôi cũng rất khó khăn để đi học, được thầy cô, bạn bè giúp đỡ, tôi phải làm một việc gì đó để tri ân thầy cô, giúp đỡ các em học sinh nghèo”.

 
“Yêu nghề, mến trò, nhiệt huyết với công tác thiện nguyện, thầy giáo Lương Hữu Hải đã giúp hàng trăm học sinh khó khăn vững bước đến trường, nuôi dưỡng ước mơ trở thành người có ích cho xã hội".
 
Chủ tịch UBND xã Ea H’đing Nguyễn Hữu Nhất

Nghĩ là làm, thầy Hải cùng với các đồng nghiệp vô tư giúp đỡ nhiều học trò để không vì hoàn cảnh khó khăn mà phải bỏ học giữa chừng. Em H’Ba Su Đi M’lô (học sinh lớp 10 A4, Trường THPT Trần Quang Khải) - một trong những học sinh được thầy Hải nhận đỡ đầu chia sẻ: “Bố mẹ em đi làm ăn xa, hai chị em ở với ông bà, nhiều lần em muốn bỏ học nhưng thầy Hải động viên, đưa em đến nuôi ăn, cho ở và kèm học”.

Trường THCS Nguyễn Trường Tộ có đến 75% học sinh dân tộc thiểu số, với nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Giáo viên nhà trường không chỉ dạy học mà còn phải vận động, giúp đỡ học sinh không bỏ học nửa chừng.

Ông Bùi Đình Thảo, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Nhiều năm nay, thầy Hải luôn là giáo viên đi đầu trong thực hiện nhiệm vụ này. Mỗi năm, thầy Hải vận động từ 30 - 40 học sinh có hoàn cảnh khó khăn bỏ học trở lại trường. Thầy đã vượt qua khó khăn riêng, thầy chọn một khu tập thể nhỏ hỗ trợ cho các em, đặc biệt cưu mang học sinh nghèo không có nơi ở. Buổi tối, thầy tổ chức dạy học miễn phí cho một số em ở xung quanh khu trọ…”.

Thầy giáo Lương Hữu Hải vận động được hàng nghìn đầu sách, vở tặng học trò nghèo.

Đặc biệt từ đầu năm học 2021 - 2022 đến nay, thầy Hải đã vận động được hàng nghìn đầu sách giáo khoa, quần áo mới, xe đạp…, tổng trị giá gần 200 triệu đồng hỗ trợ học sinh dân tộc thiểu số khó khăn. Trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, thầy Hải cũng đã kết nối với các nhà hảo tâm kêu gọi, hỗ trợ các phần quà cho người nghèo, khó khăn, đối tượng phải cách ly, phong tỏa. Đồng thời vận động hơn 65.000 khẩu trang, 460 lít dung dịch sát khuẩn và 21 máy đo thân nhiệt tự động hỗ trợ địa phương và các trường học trên địa bàn xã và các xã lân cận.

Thế Hùng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.