Multimedia Đọc Báo in

Huyện Cư Kuin: Chủ động các giải pháp khi học sinh đi học trực tiếp

07:52, 28/04/2022

Đến thời điểm này, tại huyện Cư Kuin, tất cả học sinh đã đến trường học trực tiếp trở lại. Để bảo đảm cho công tác dạy và học, ngành giáo dục huyện đã chủ động, linh hoạt triển khai các giải pháp đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong điều kiện bình thường mới, quyết tâm hoàn thành kế hoạch năm học 2021 – 2022 đã đề ra.

Linh hoạt các giải pháp

Sau thời gian dài nghỉ học do ảnh hưởng dịch bệnh, nhiều phụ huynh tại huyện Cư Kuin đã thoải mái hơn trong việc đưa trẻ mầm non trở lại trường.

Cô Trần Thị Soa, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Pơ Lang (xã Ea Bhốk) cho biết, trường gồm 3 phân hiệu, với gần 300 trẻ. Để chuẩn bị đón tiếp trẻ, nhà trường đã tiến hành phun khử khuẩn trường lớp, vệ sinh dụng cụ học tập. Nhiều phụ huynh cũng đề nghị nhà trường tổ chức học 2 buổi/ngày và ăn bán trú thay vì chỉ học 1 buổi như hiện tại. Quá trình dạy và học, trẻ được đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách.

Để tạo hành trang cho trẻ vào lớp 1, trước đó, nhà trường đã chỉ đạo giáo viên tổ chức hướng dẫn dạy trẻ qua các kênh Zalo, Facebook một số bài tuyên truyền về kỹ năng sống, giáo dục chăm sóc trẻ và theo dõi dinh dưỡng cho trẻ từ xa.

Cô Trần Thị Soa, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Pơ Lang xã Ea Bhốk kiểm tra giờ học của trẻ mầm non 5 tuổi.

Đối với Trường Tiểu học Quang Trung (xã Ea Ktur), thầy Đinh Thế Hùng, Hiệu trưởng nhà trường cho hay, toàn trường có 584 học sinh thì có hơn 100 em đã mắc COVID-19. Học sinh được phân luồng khi vào lớp, hạn chế tụ tập, rửa tay sát khuẩn, đeo khẩu trang suốt quá trình học. Với những học sinh nghỉ học vì lý do sức khỏe, trước mắt giáo viên sẽ hướng dẫn trực tuyến và hỗ trợ trực tiếp sau khi các em quay lại lớp học.

Kể từ khi học sinh quay lại học trực tiếp, trường đã lên kế hoạch bồi dưỡng, phụ đạo dành những tiết ôn luyện, tiết tăng cường giúp học sinh bổ sung kiến thức.

“Năm học 2020 – 2021, dù chịu nhiều ảnh hưởng do dịch bệnh, nhưng tỷ lệ học sinh khá, giỏi của trường đạt cao, tỷ lệ học sinh giỏi tham gia các kỳ thi rất nhiều. Nhà trường cũng thường xuyên quan tâm học sinh yếu kém để kèm cặp, giúp đỡ các em, hạn chế tối thiểu việc học sinh không hoàn thành chương trình học. Riêng học sinh khối lớp 5, sắp bước sang giai đoạn chuyển cấp, do không còn thời gian để bồi dưỡng riêng cho các em nên để bảo đảm kiến thức trong giai đoạn chuyển cấp, giáo viên nhà trường đã linh động dùng biện pháp khác như dùng học sinh khá giỏi để kèm học sinh yếu, dùng các nhóm học tập hỗ trợ nhau qua Zalo, hoặc giáo viên kèm cặp riêng”, thầy Đinh Thế Hùng cho biết thêm.

Chủ động các phương án  

Năm học 2020 – 2021, Trường THCS Trung Hòa có gần 600 học sinh, trong đó tỷ lệ học sinh khá, giỏi đạt trên 50%. Thầy Nguyễn Văn Nhân, Hiệu trưởng nhà trường cho hay, tuy gián đoạn vì dịch COVID-19 nhưng kết quả học sinh trung bình, yếu năm học vừa qua giảm so với các năm trước. Trong thời điểm học sinh học trực tuyến tại nhà, nhà trường đã tổ chức tập huấn cho giáo viên dạy trực tuyến, đồng thời yêu cầu giáo viên các tổ, nhóm chuyên môn thường xuyên theo dõi, giám sát, dự giờ kiểm tra chéo, nếu phát sinh vấn đề thì rút kinh nghiệm ngay trong các tiết dạy.

Quán triệt văn bản chỉ đạo của UBND huyện, Phòng Giáo dục và Đào tạo, nhà trường đặc biệt chú trọng về vấn đề dạy học nhất là học sinh khối lớp 9. Xác định giai đoạn chuyển cấp là thời điểm quan trọng, trường đã tận dụng “thời gian vàng” chỉ đạo các tổ chuyên môn lên kế hoạch kiểm tra kiến thức học sinh, yếu phần nào thì phụ đạo phần đó, sẵn sàng tạo điều kiện mở lớp phụ đạo nếu cần để hỗ trợ học sinh học lực trung bình, yếu, quyết không để xảy ra trường hợp học sinh không hoàn thành chương trình học.

Một tiết học của học sinh Trường THCS Trung Hòa, xã Ea Ktur. 

Theo Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cư Kuin Bùi Quốc Huy, để đáp ứng yêu cầu về tiến độ chương trình năm học 2021 – 2022 bảo đảm thích ứng linh hoạt, an toàn trong phòng dịch COVID-19, Phòng đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục vận dụng linh hoạt các cách thức tổ chức dạy học. Đồng thời, quán triệt các trường học chủ động thực hiện những giải pháp khắc phục tác động của dịch COVID-19. Tổ chức rà soát, phân loại đối tượng học sinh từng khối lớp theo mức độ nhận thức, từ đó xây dựng kế hoạch và có giải pháp cụ thể theo mức độ nhận thức của học sinh để bồi dưỡng, phụ đạo, bổ sung kiến thức, rèn luyện kỹ năng, đặc biệt là đối tượng học sinh khó khăn trong học tập, học sinh chưa hoàn thành các môn học trong học kì I và học sinh lớp 1, lớp 5; tận dụng tối đa thời gian dạy học trực tiếp để rèn luyện cho học sinh.

Cùng với đó, chú trọng đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt của nhà trường và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên trong việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018; tăng cường công tác phối hợp giữa nhà trường, cha mẹ học sinh và các cơ quan, tổ chức có liên quan tại địa phương trong việc tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Hồng Chuyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.