Multimedia Đọc Báo in

Thiết thực ngày hội tư vấn hướng nghiệp cho học sinh vùng sâu

06:04, 05/05/2022

Giữa tháng 4/2022, Sở LĐ-TB&XH phối hợp với Tỉnh Đoàn tổ chức Ngày hội tuyên truyền, tư vấn, định hướng giáo dục nghề nghiệp với chủ đề “Hiểu mình – Hiểu nghề - Sáng tương lai” tại huyện Krông Bông nhằm giúp học sinh nâng cao sự hiểu biết về nghề nghiệp và chính bản thân để có thể định hướng đúng đắn, đưa ra quyết định chọn ngành nghề phù hợp.

Tại ngày hội, học sinh khối lớp 9 của các trường THCS: Cư Pui, Cư Drăm, Hòa Sơn đã được chuyên gia giới thiệu, hướng dẫn thực hiện trắc nghiệm Holland - một trong những “căn cứ” để học sinh đối chiếu sở thích, năng lực của mình với yêu cầu của các nhóm ngành nghề. Qua bảng trắc nghiệm, học sinh có thể định hướng nghề nghiệp theo nhóm ngành nghề phù hợp với bản thân.

Trắc nghiệm Holland đang được các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới truyền thông trong công tác định hướng nghề nghiệp cho giới trẻ. Theo đó, có 6 bảng khảo sát nhỏ với 54 chỉ số (9 chỉ số/bảng), mỗi bảng tương ứng với người có nhóm sở thích nghề nghiệp khác nhau: người thực tế, người nghiên cứu, người có tính nghệ sĩ, người có tính xã hội, người dám nghĩ dám làm, người công chức.

Chuyên gia tâm lý, TS. Huỳnh Anh Bình hướng dẫn học sinh cách thức tiếp cận thông tin về nghề nghiệp trên hệ thống mạng.

Chuyên gia tâm lý, TS. Huỳnh Anh Bình, Giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp TP. Hồ Chí Minh chia sẻ, yêu nghề là một trong những tình yêu lớn góp phần tạo dựng cuộc sống hạnh phúc của mỗi người. Lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với khả năng, sở thích của mình sẽ đem đến sự đam mê, tình yêu với nghề, là một trong những nền tảng để xây dựng cuộc sống hạnh phúc. Việc lựa chọn mô hình 9+ có sự kết hợp giữa học văn hóa và học nghề sẽ giúp gia đình và học sinh tiết kiệm chi phí học tập, lựa chọn được môi trường phù hợp với khả năng của mình, có thể tham gia lao động có chất lượng từ sớm, tự tạo thu nhập cho mình, từng bước bảo đảm cuộc sống gia đình.

Em Nguyễn Tri Ân, học sinh lớp 9A1, Trường THCS Hòa Sơn bộc bạch, qua buổi tư vấn này, em đã hiểu được ý nghĩa của việc lựa chọn nghề và cách lựa chọn nghề phù hợp với sở thích, đam mê. Sở thích của em là vẽ và hát, thích các công việc mang tính chất nghệ thuật, sáng tạo… Đối chiếu với các chỉ số trong bảng trắc nghiệm Holland cho thấy em là người có thiên hướng về nghệ thuật và công việc em đã từng nghĩ đến và sẽ cố gắng theo đuổi đó là diễn viên lồng tiếng. Em sẽ cố gắng học thật tốt để theo đuổi ước mơ của mình.

Tương tự, em Trần Thị Quỳnh Như, học sinh lớp 9A, Trường THCS Cư Drăm tâm sự: “Khi nghe các thầy cô và chuyên gia chia sẻ, bản thân em đã thấu hiểu được sự quan trọng của gia đình và nghề nghiệp trong tương lai. Chúng ta phải biết cách sống và cách đối xử với cha mẹ; cụ thể là sống độc lập, thẳng thắn, biết ơn người đã sinh ra và nuôi dưỡng mình để mình có cơ hội đi trên con đường đã lựa chọn. Đi kèm với đó là việc chọn nghề gắn khả năng và sở thích của mình để có thể làm được công việc mình thích”.

Học sinh Trường THCS Hòa Sơn tìm hiểu thông tin nghề nghiệp tại Ngày hội tuyên truyền, tư vấn, định hướng giáo dục nghề nghiệp.

Ngày hội tuyên truyền, tư vấn, định hướng giáo dục nghề nghiệp với chủ đề “Hiểu mình - Hiểu nghề - Sáng tương lai” không chỉ thu hút sự quan tâm của học sinh, giáo viên mà nhiều phụ huynh cũng có mặt để tìm kiếm thông tin với mong muốn có thể đồng hành cùng con trong việc chọn trường, chọn nghề. Chị Mai Thị Vàng (dân tộc Mông) ở thôn Yang Hăn (xã Cư Drăm) cho hay, chị có ba người con, đứa lớn nay đã học lớp 9. Học lực của cháu bình thường, do đó chị rất quan tâm, định hướng cho con mình học nghề. Thông qua buổi tư vấn của các chuyên gia và định hướng của giáo viên, nhà trường, chị đã có được sự lựa chọn riêng cho mình.

Cô Trần Thị Huyền Thương, Phó Phòng Đào tạo, quản lý người học (Trường Cao đẳng Công nghệ Tây Nguyên) chia sẻ, mô hình 9+ tạo cơ hội cho học sinh tiếp cận với nghề nghiệp và việc làm, có thu nhập cao sau khi ra trường. Ở mô hình 9+, nhà trường sẽ giúp học sinh có cơ hội vừa học nghề, vừa được học văn hóa tại trường, được miễn học phí. Riêng học sinh hộ nghèo người dân tộc thiểu số còn có chế độ hỗ trợ hằng tháng theo quy định; học sinh dân tộc thiểu số không thuộc diện hộ nghèo thì được hưởng các chế độ trợ cấp xã hội khác. Nhà trường cũng có các chương trình học bổng để động viên các em vươn lên trong học tập…

Học sinh khối 9 trên toàn tỉnh đang bước vào những tuần học cuối cùng của năm học 2021 - 2022. Bên cạnh việc tiếp tục học THPT thì các em còn có thêm sự lựa chọn mới đó là tham gia học tập theo mô hình 9+ tại các trường trung cấp, cao đẳng nghề trên địa bàn.

John L.Holland (1919 - 2008) là tiến sĩ tâm lý học người Mỹ nổi tiếng được thế giới biết đến rộng rãi qua nghiên cứu Lý thuyết lựa chọn nghề nghiệp. “Thiên hướng nghề nghiệp chính là sự biểu hiện cá tính của mỗi con người”, được phân thành 6 nhóm, diễn tả ở hai phương diện: tính cách con người và môi trường làm việc.

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.