Huyện Krông Búk: Nhiều khó khăn khi triển khai chương trình GDPT mới
Sau 3 năm triển khai chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, nhiều trường học trên địa bàn huyện Krông Búk vẫn đang gặp khó khăn về thiết bị dạy học, cơ sở vật chất và nguồn nhân lực, ảnh hưởng đến hiệu quả của chương trình mới.
Năm học 2022 - 2023, Trường THCS Ngô Gia Tự (xã Cư Pơng) có 700 học sinh, trong đó học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 72%. Năm học mới đã diễn ra hơn 7 tuần, song đến thời điểm hiện tại nhà trường vẫn đang tổ chức dạy học trong tình trạng “thiếu đủ thứ”.
Cơ sở vật chất, thiết bị thực hành của nhà trường đều hỏng, xuống cấp, trong khi thiết bị, đồ dùng dạy học theo chương trình mới lại chưa được trang bị nên nhiều tiết dạy của các môn mà học sinh cần được thực hành, thí nghiệm, quan sát mô hình như: hóa học, sinh học, vật lý... khó đạt hiệu quả. Để khắc phục khó khăn, nhiều giáo viên phải tự làm, sưu tầm và tận dụng những đồ dùng sẵn có của nhà trường để minh họa cho bài dạy. Tuy nhiên một số tiết học, môn học giáo viên chỉ có thể dạy lý thuyết.
Một tiết học của học sinh lớp 10, Trường THPT Phan Đăng Lưu. |
Đơn cử như môn tin học, nhà trường có 30 bộ máy tính được cấp từ... năm 2008, hiện tất cả máy tính đều xuống cấp, không thể khắc phục, sửa chữa. Cô Nguyễn Thị Phương Thanh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, Trường THCS Ngô Gia Tự đóng chân ở vùng đồng bào DTTS, khoảng 30% học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo nên việc kêu gọi xã hội hóa rất hạn chế. Do không còn máy vi tính nào hoạt động được nên việc tổ chức dạy tin học rất khó khăn, học sinh chỉ được học lý thuyết, không được thực hành trực tiếp trên máy. Điều này đang ảnh hưởng đến hiệu quả, chất lượng giáo dục của nhà trường.
“Năm học mới 2022 - 2023 đã diễn ra gần 2 tháng nhưng các trường học trên địa bàn vẫn chưa được cấp thiết bị, đồ dùng dạy học theo Chương trình GDPT 2018. Hiện nay, bậc THCS của huyện thiếu 17 giáo viên; bậc tiểu học thiếu 38 giáo viên và bậc mầm non thiếu 58 giáo viên. Do đó, Phòng GD-ĐT huyện rất mong tỉnh quan tâm, xem xét phân bổ biên chế giáo viên cho địa phương để đáp ứng tốt công tác dạy học" – Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Krông Búk Nguyễn Đình Khả. |
Không chỉ thiếu thiết bị dạy học, hiện nay trường còn thiếu 3 giáo viên. Để khắc phục tình trạng này, cán bộ quản lý và giáo viên đều phải "gồng mình" dạy tăng tiết nhằm đảm bảo cho học sinh được học đúng chương trình. Theo quy định, định mức dạy học của giáo viên là 19 tiết/tuần. Tuy nhiên, các giáo viên của nhà trường đang phải dạy từ 26 - 28 tiết/tuần, có giáo viên dạy tới 33 tiết/tuần nhưng lại không được trả tiền dạy thêm giờ. Cô Phạm Thị Liệu, giáo viên ngữ văn, Trường THCS Ngô Gia Tự bộc bạch: "Việc phải dạy tăng tiết trong suốt thời gian vừa qua khiến tôi rất mệt mỏi. Với cách dạy thế này thì chất lượng giáo dục sẽ không cao, bởi giáo viên không còn thời gian để tìm hiểu, nâng cao chất lượng bài dạy. Tôi mong ngành giáo dục sớm bố trí đủ giáo viên về trường để chúng tôi còn có thời gian soạn bài, bồi dưỡng cho học sinh. Đồng thời ghi nhận, động viên giáo viên bằng việc chi trả tiền dạy thêm giờ kịp thời để thầy cô giáo có động lực vượt khó".
Lý do giáo viên dạy tăng tiết nhưng không được chi trả tiền dạy thêm giờ là do hiện nay kinh phí phân bổ về cho giáo dục được tính theo số lượng giáo viên. Trong khi ngành nội vụ không giao thêm biên chế, thậm chí bị sức ép phải tinh giản biên chế nên kinh phí trả lương cho những người đang đứng lớp hiện tại phải dạy thêm giờ gặp khó khăn.
Tương tự, Trường THPT Phan Đăng Lưu (xã Pơng Drang) dù nằm ở vùng trung tâm, thuận lợi của huyện Krông Búk nhưng hiện nay nhà trường chỉ có 3 phòng có máy chiếu, tất cả các lớp học đều không có ti vi. Phần lớn giáo viên vẫn dạy học với các thiết bị thô sơ, rất khó để khai thác các học liệu điện tử vào quá trình dạy học.
Cô Phạm Thị Liệu, giáo viên Trường THCS Ngô Gia Tự phải dạy tăng tiết nhiều năm qua do thiếu giáo viên. |
Bên cạnh đó, nhà trường cũng đang phải đối mặt với tình trạng thiếu giáo viên chuyên trách. Năm học 2022 - 2023, trường có hơn 950 học sinh, trong đó có 384 học sinh lớp 10. Trung bình một tuần học sinh lớp 10 học hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp ba tiết. Tuy nhiên, do nhà trường không có giáo viên chuyên trách nên chủ yếu dạy kiêm nhiệm. Theo đó, ba tiết học này được phân cho 3 người đảm nhiệm: Tiết 1 (sinh hoạt dưới cờ) do Đoàn trường và Ban Giám hiệu điều hành; tiết 2 (sinh hoạt lớp): giáo viên chủ nhiệm phụ trách; tiết 3 (sinh hoạt chủ đề), nhà trường linh động sắp xếp giáo viên giảng dạy.
Thầy Nguyễn Tự Cường, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Đăng Lưu cho biết, hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp là một trong 8 bộ môn bắt buộc ở cấp THPT, có thời lượng tương đương với môn toán, ngữ văn, tiếng Anh. Việc phân công giáo viên bộ môn dạy theo cách "chữa cháy" như hiện nay khiến nhiều giáo viên phải giảng dạy môn học không đúng chuyên môn của mình, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, khó đạt được mục tiêu đề ra.
Như Quỳnh
Ý kiến bạn đọc