Giải ngân vốn đầu tư công: "Chìa khóa" cho tăng trưởng kinh tế (kỳ 1)
Đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công được xem là một trong những biện pháp giúp hồi phục tăng trưởng kinh tế, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp. Thế nhưng, công tác giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh vẫn còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc.
Giải ngân vốn đầu tư công: Vẫn "điệp khúc" chậm
Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng và tăng cường đầu tư cho các dự án sử dụng vốn đầu tư công, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương và các chủ đầu tư phải nỗ lực thực hiện các giải pháp. Tuy nhiên tình hình giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh vẫn còn khá chậm.
Nỗ lực thúc đẩy giải ngân
Nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các dự án có sử dụng vốn lớn, ngay từ đầu năm, các sở, ban, ngành đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Theo đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH–ĐT) đã tham mưu UBND tỉnh báo cáo Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, ban hành Chỉ thị về đẩy mạnh thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2021; tham mưu UBND tỉnh ra văn bản chỉ đạo các đơn vị khẩn trương đẩy nhanh tiến độ giải ngân, trong đó yêu cầu các đơn vị chấp hành việc đăng ký và cam kết kế hoạch giải ngân cụ thể từng dự án theo các mốc thời gian.
Sở KH-ĐT cũng đã thực hiện thông báo sau các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) năm 2021, đồng thời xây dựng Kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Đặc biệt, trên cơ sở báo cáo khó khăn, vướng mắc của các đơn vị trong thực hiện các dự án và giải ngân nguồn vốn, Sở KH-ĐT tổng hợp và tham mưu cho UBND tỉnh các biện pháp xử lý.
Để tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính (TTHC) cho các đơn vị, chủ đầu tư, các sở, ban, ngành cũng đã đẩy mạnh công tác cải cách hành chính trong cơ quan, đơn vị. Ông Trần Đình Nhuận, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, thời gian qua, đơn vị thường xuyên rà soát, tham mưu hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực tài nguyên và môi trường và sửa đổi, bổ sung quy chế phối hợp trong việc giải quyết các TTHC về đất đai của người dân và doanh nghiệp.
Thi công xây dựng Dự án Hồ thủy lợi Ea Tam (TP. Buôn Ma Thuột). |
Bên cạnh đó, thực hiện kết nối liên thông điện tử giữa cơ quan tài nguyên - môi trường với cơ quan thuế trong giải quyết các TTHC về đất đai. Đơn vị đã sớm triển khai tổ chức thực hiện lập quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2030; rà soát, bổ sung danh mục các dự án vào kế hoạch sử dụng đất năm 2021 cấp huyện. Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã theo dõi, kiểm tra tiến độ sử dụng đất của các dự án được UBND tỉnh giao đất, cho thuê đất và đánh giá sự ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 để từ đó tham mưu chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Thực hiện các biện pháp thúc đẩy giải ngân vốn XDCB, Sở Xây dựng cũng đã hướng dẫn trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng dự án theo quy định hiện hành, thẩm định các dự án đầu tư và giải quyết thủ tục lựa chọn nhà đầu tư, đấu thầu dự án theo quy định, đảm bảo thời gian, tiến độ. Bên cạnh đó, việc giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác cấp giấy phép xây dựng theo quy định được quan tâm triển khai. Đặc biệt, Sở đã đôn đốc việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch trên địa bàn tỉnh, giới thiệu địa điểm xây dựng các dự án theo quy hoạch xây dựng đô thị được duyệt và cấp giấy phép quy hoạch, giấy phép xây dựng bảo đảm thời gian quy định.
“Thời gian qua, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương và các chủ đầu tư tăng cường, đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công; sớm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, thủ tục đấu thầu để khởi công các dự án đầu tư mới; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án, đặc biệt là dự án ODA; đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân các nguồn vốn”. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị |
Xác định đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án và giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, ngay từ khi được giao kế hoạch vốn đầu năm, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh đã xây dựng chương trình hành động và đề ra các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm.
Trong đó việc đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên được chú trọng thực hiện. Song song với đó là đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thi công và thực hiện nghiệm thu, lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng… Trong quá trình thực hiện, đơn vị liên tục rà soát khả năng giải ngân của từng dự án, từ đó có báo cáo, đề xuất điều chỉnh nguồn vốn kịp thời từ dự án không có khả năng giải ngân sang dự án giải ngân cao, thiếu vốn. Giải pháp này góp phần không nhỏ giảm thiểu tình trạng trì trệ trong giải ngân vốn xây dựng của các dự án.
Cùng với tỉnh và các sở, ban, ngành, các địa phương cũng đã tích cực đôn đốc tiến độ giải ngân vốn XDCB, thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các dự án. Chủ tịch UBND huyện Lắk Nay Y Phú chia sẻ, để kịp thời tháo gỡ vướng mắc cho các dự án, huyện đã tổ chức những hội nghị chuyên đề từ đó thống nhất các giải pháp để giải quyết. Đối với các dự án kéo dài thời gian thực hiện do chồng lấn hay vướng thủ tục, huyện đã chỉ đạo cho điều chỉnh, thực hiện đấu thầu lại. Còn những dự án vướng về giải phóng mặt bằng, phải thực hiện chuyển đổi đất theo quy định thì gửi văn bản đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường có phương án chỉ đạo giải quyết.
Vẫn còn “ì ạch”
Dù đã thực hiện khá nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn XDCB, nhưng tình hình giải ngân trên địa bàn tỉnh vẫn “ì ạch”. Theo Sở KH-ĐT, nguồn vốn XDCB năm 2020 kéo dài sang năm 2021 còn trên 605 tỷ đồng, tính đến ngày 13-7-2021 mới giải ngân được gần 173 tỷ đồng, bằng 28,5% kế hoạch.
Trong khi đó, tổng vốn XDCB thuộc ngân sách nhà nước (ngân sách địa phương, ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu (bao gồm vốn trong nước và vốn đầu tư nước ngoài ODA), trái phiếu Chính phủ, các chương trình mục tiêu quốc gia) năm 2021 đã giao kế hoạch là trên 5.084 tỷ đồng, trong đó vốn thực hiện các dự án là trên 3.344 tỷ đồng, đến ngày 13-7-2021 mới chỉ giải ngân được hơn 763 tỷ đồng (21,12%).
Đáng chú ý, tỷ lệ giải ngân vốn ODA chỉ đạt hơn 12%, tức chỉ giải ngân được hơn 62,3/517 tỷ đồng. Tốc độ giải ngân vốn XDCB trong 6 tháng đầu năm 2021 thấp hơn so với cùng kỳ năm trước 9%, trong đó có 8 đơn vị giải ngân trên 30% kế hoạch, 26 đơn vị giải ngân dưới 30% và có đến 8 đơn vị trên địa bàn tỉnh giải ngân 0%.
Thi công xây dựng Dự án đường Đông Tây (TP. Buôn Ma Thuột). |
Giải ngân vốn đầu tư ở các dự án trọng điểm và dự án ODA góp phần không nhỏ trong tỷ lệ giải ngân vốn XDCB trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, tốc độ giải ngân những dự án này trong thời gian qua cũng không mấy khả quan. Bên cạnh đó, tình hình thực hiện và giải ngân các dự án trọng điểm trong năm 2021 vẫn còn nhiều vướng mắc.
Đơn cử như Dự án đường Đông Tây (TP. Buôn Ma Thuột) có kế hoạch vốn năm 2021 được giao trên 597 tỷ đồng, nhưng đến ngày 12-7-2021 mới giải ngân được hơn 224 tỷ đồng (37,6%). Hay như Dự án Hồ thủy lợi Ea Tam, ngân sách Trung ương bố trí vốn kế hoạch năm 2021 là 70 tỷ đồng, nhưng đến ngày 12-7-2021 vẫn chưa thực hiện giải ngân được đồng nào vì chủ đầu tư còn đang triển khai công tác giải phóng mặt bằng.
Trong năm 2021, UBND tỉnh cũng giao chi tiết vốn thông báo từ nguồn ngân sách tỉnh, nguồn thu tiền sử dụng đất để thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư cho 45 dự án với số vốn hơn 301 tỷ đồng. Đến nay, các dự án mới đang triển khai công tác lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng.
Khả Lê
Ý kiến bạn đọc