Huyện Lắk chủ động phòng, trừ sâu bệnh hại lúa
Để giành thắng lợi vụ hè thu năm 2021, ngành nông nghiệp huyện Lắk, các địa phương và bà con nông dân đang tăng cường bám sát ruộng đồng, chủ động các biện pháp phòng trừ sâu bệnh cho cây lúa, nhất là trong giai đoạn lúa chín sữa.
Theo Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Lắk, vụ hè thu năm nay, toàn huyện gieo trồng 7.639 ha lúa nước. So với các vụ sản xuất trước, thời tiết năm nay diễn ra thất thường ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển của cây lúa, đặc biệt, nhiều diện tích lúa gieo sạ sớm, tình trạng sâu bệnh gây hại xảy ra rải rác ở một số cánh đồng.
Theo thống kê, trên địa bàn toàn huyện có gần 50 ha lúa bị sâu bệnh. Trong đó, phần lớn xuất hiện các bệnh như: bạc lá, khô vằn, chuột phá, ốc bươu... gây hại. Cụ thể, có 18,3 ha lúa bị bệnh bạc lá (gây hại tại các xã: Đắk Liêng, Đắk Nuê, Buôn Triết, Ea R’bin và thị trấn Liên Sơn); 11,3 ha nhiễm khô vằn (tập trung tại các xã: Đắk Liêng, Buôn Tría, Buôn Triết); 6,2 ha bị chuột phá (tại hai xã Buôn Tría và Buôn Triết); 6,2 ha bị ốc bươu vàng (tại các xã: Yang Tao, Bông Krang, Ea R’bin và thị trấn Liên Sơn)...
Cán bộ khuyến nông xã Buôn Tría kiểm tra tình trạng bệnh lem lép hạt trên lúa tại cánh đồng Liên Kết 2 (xã Buôn Tría, huyện Lắk). |
Tại xã Buôn Tría, địa phương có diện tích lúa nước vụ hè thu lớn của huyện Lắk, với hơn 930 ha, trong đó chủ yếu giống Đài Thơm 8, Hương Châu 6, ST24, OM18. Thời điểm này, lúa đang ở giai đoạn chín sữa, ở một số cánh đồng trên địa bàn xuất hiện bệnh lem lép hạt, với diện tích khoảng 2 - 3 ha.
Ông Vũ Công Nghĩa, khuyến nông xã Buôn Tría cho hay, nguyên nhân chủ yếu khiến cây lúa nhiễm bệnh này là do thời tiết nắng nhiều dẫn tới cây lúa bị sốc nhiệt lúc trổ bông. Bệnh lem lép hạt là hiện tượng hạt lúa bị lửng hoặc lép, bên trong có rất ít gạo, nghiêm trọng hơn là hoàn toàn không có gạo. Khi hạt lúa bị lửng hoặc lép, có thể kèm theo triệu chứng vỏ hạt và gạo bị đổi màu tùy theo tác nhân gây ra. Hạt lúa khi đã nhiễm bệnh nặng thì không những năng suất suy giảm mà chất lượng cũng sẽ rất thấp. Ngoài ra, còn một số bệnh khác như: bệnh cháy lá xuất hiện trên giống lúa OM18 do bà con bón thừa đạm; xuất hiện bệnh rầy nâu, khô vằn, do gieo trồng lúa với mật độ dày. Cùng với đó, tình trạng lúa ma cũng xuất hiện rải rác do khâu làm đất không kỹ càng, chưa đủ thời gian ủ đất đã gieo mạ. Để phòng trừ những bệnh hại lúa phát sinh này, địa phương đã khuyến cáo người dân ngay từ khâu làm đất, ngâm giống gieo cần chú trọng xử lý kỹ càng, đảm bảo đủ thời gian trước khi tiến hành gieo mạ. Trong quá trình chăm sóc, phải bón phân cân đối, không bón thừa đạm để hạn chế sâu bệnh gây hại.
Cán bộ nông nghiệp huyện Lắk cùng nhân viên Khuyến nông xã Buôn Tría kiểm tra tình hình sâu bệnh hại lúa tại cánh đồng Liên Kết 2 (xã Buôn Tría, huyện Lắk). |
Ông Nguyễn Viết Quang, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Lắk cho biết, để đạt năng suất cao trong vụ hè thu, ngay từ đầu vụ, Phòng đã chỉ đạo Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật có văn bản hướng dẫn các địa phương tăng cường phòng trừ sâu bệnh trên cây lúa. Đồng thời, thường xuyên cử cán bộ kiểm tra, theo dõi tình hình sâu bệnh hại lúa để có hướng dẫn cụ thể đối với từng khu vực, cánh đồng. Song song với đó, khuyến cáo bà con cần thường xuyên kiểm tra, thăm đồng phát hiện kịp thời các loại bệnh hại lúa để có biện pháp phòng ngừa.
Khánh Huyền
Ý kiến bạn đọc