Phục hồi kinh tế trong bối cảnh đại dịch COVID-19: Hiệu ứng từ những giải pháp đồng bộ
Cùng với nhiệm vụ kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19, tỉnh Đắk Lắk đã thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ, lưu thông hàng hóa.
Ngay sau khi Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ có Nghị quyết số 128/NQ-CP, ngày 11-10-2021 và Chỉ thị số 27/CT-TTg, ngày 3-10-2021 về phục hồi sản xuất, thích ứng linh hoạt, an toàn với dịch bệnh, UBND tỉnh đã khẩn trương chỉ đạo các sở, ngành thực hiện đồng bộ những giải pháp để khôi phục lại các hoạt động kinh tế.
Cụ thể, Sở Y tế đã tham mưu, hướng dẫn việc theo dõi, đánh giá các cấp độ vùng dịch theo cấp xã, huyện; tổ chức rà soát, xây dựng kế hoạch, thực hiện tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao và người lao động trong các khu, cụm công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đến nay, tỷ lệ tiêm vắc xin mũi 1 cho người lao động đạt trên 90%. Nhờ đó, người lao động tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh an tâm đi lại và làm việc.
Hoạt động sản xuất tại một doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn huyện Ea Kar. |
Về vấn đề lao động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương quản lý và thống nhất phương án di chuyển của người lao động giữa các địa bàn, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, đặc biệt là tại các địa phương dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để chuyên gia nước ngoài đến làm việc tại các dự án công, nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đối với vận tải, các hoạt động vận chuyển bằng đường bộ, đường hàng không đã được nối lại.
Cụ thể, từ ngày 21-10, các chặng bay từ Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đi, đến Cảng hàng không Buôn Ma Thuột được triển khai phục vụ người dân và doanh nghiệp. Đối với các tuyến xe khách liên tỉnh, Sở Giao thông vận tải đã kiểm soát các tuyến đảm bảo an toàn phòng, chống dịch; hướng dẫn các địa phương, các chốt kiểm soát dịch bệnh COVID-19 tạo thuận lợi cho hoạt động vận tải, lưu thông hàng hóa kịp thời, thông suốt mọi lúc, mọi nơi.
Trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại, ngành công thương đã theo dõi, đôn đốc các nhà máy sản xuất công nghiệp, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, dự trữ nguồn hàng hóa thiết yếu phục vụ người tiêu dùng. Đến thời điểm này, các nguồn hàng hóa bảo đảm cung cấp đầy đủ, không bị đứt gãy hoặc thiếu hụt.
Các doanh nghiệp đã từng bước phục hồi lại sản xuất, kinh doanh, bảo đảm công nhân lao động có đủ điều kiện đến làm việc tại nhà máy, xí nghiệp theo trạng thái "bình thường mới". Riêng tại Khu công nghiệp Hòa Phú, 100% người lao động đã được tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi 1. Theo số liệu của Sở Công thương, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 10-2021 trên địa bàn tăng 21,2% so với cùng kỳ năm 2020 và tăng 8,7% so với tháng 9-2021. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 10-2021 tăng 6,5% so với tháng trước, tăng 2,4 % so với cùng kỳ năm trước.
Dây chuyền sản xuất tại Nhà máy bia Sài Gòn - Đắk Lắk. |
Theo đánh giá của UBND tỉnh, các hoạt động kinh tế, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã dần có những dấu hiệu khởi sắc. Tuy nhiên, mục tiêu phục hồi kinh tế, thích ứng linh hoạt, an toàn với đại dịch của địa phương đang gặp rất nhiều khó khăn.
Cụ thể, Đắk Lắk là địa bàn nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên, lượng người đi lại nhiều, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh COVID-19, nhưng tỷ lệ tiêm vắc xin của tỉnh vẫn còn thấp. Do đó, nhằm đảm bảo sản xuất, lưu thông nguyên vật liệu và tiêu thụ sản phẩm, Chính phủ, Bộ Y tế cần tăng cường phân bổ thêm vắc xin cho tỉnh để tiêm mũi 2 cho công nhân, quản lý, lái xe, quản lý kho bãi… để doanh nghiệp, người sản xuất yên tâm làm việc.
Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc lưu thông, vận chuyển hàng nông sản gặp nhiều khó khăn nên giá các loại vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp tăng cao, làm tăng giá thành sản xuất. Do đó, địa phương kiến nghị các bộ, ngành Trung ương thông qua các kênh ngoại giao, tham tán thương mại, tăng cường cung cấp thông tin và tạo thuận lợi kết nối xúc tiến thương mại, tạo môi trường để các doanh nghiệp kết nối với các bạn hàng nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tháo gỡ khó khăn về hoạt động logistics như: kiểm soát dịch bệnh, dịch vụ kho bãi và sớm giải quyết tình trạng thiếu hụt container để giảm cước phí vận chuyển cho doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi sản xuất, xuất khẩu.
UBND tỉnh cho biết, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hầu hết đang gặp khó khăn về tài chính. Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khôi phục và duy trì sản xuất, Trung ương cần có chính sách hỗ trợ vốn vay cho các doanh nghiệp và triển khai thêm các gói hỗ trợ sản xuất, tiêu dùng trong nước.
Minh Chi
Ý kiến bạn đọc