Multimedia Đọc Báo in

Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: Kiến tạo động lực cho phát triển bền vững

08:16, 06/12/2021

Kiến tạo động lực cho phát triển, linh hoạt các giải pháp để phục hồi kinh tế và bảo đảm việc làm, an sinh xã hội là thông điệp được đưa ra tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 ''Phục hồi và phát triển bền vững'' do Ban Kinh tế Trung ương và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đồng tổ chức ngày 5/12.

Nhiều dư địa để phục hồi và phát triển

Đánh giá tại diễn đàn cho thấy, hai năm qua, đại dịch COVID-19 đã gây thiệt hại nặng nề cả về kinh tế, xã hội trên phạm vi toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm nay, tăng trưởng kinh tế cả nước chỉ đạt 1,42% (riêng trong quý 3 giảm 6,7% so với cùng kỳ năm 2020) và dự kiến cả năm vẫn đạt tăng trưởng dương, nhưng sẽ không đạt được mục tiêu mà Đảng và nghị quyết của Quốc hội đã đề ra. Bên cạnh đó, đại dịch cũng dẫn đến thu ngân sách giảm mạnh so với năm 2019, trong đó tháng 9/2021 giảm 23,9%. Ngoài ra, số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong quý III/2021 chỉ đạt 5.900 doanh nghiệp/tháng, giảm 53% so cùng kỳ năm 2020. Cả nước có 4,7 triệu lao động bị mất việc làm; 14,7 triệu lao động tạm nghỉ hoặc tạm ngừng làm việc. Trong đó, các tỉnh thành vùng Đông Nam bộ chiếm 45,9%, Đồng bằng sông Cửu Long 44,7%.

Hoạt động sản xuất tại một cơ sở chế biến sầu riêng ở huyện Krông Pắc.

Các đại biểu, chuyên gia cho rằng, điều thuận lợi để phục hồi, phát triển kinh tế là nguồn lực có thể huy động vẫn còn khá lớn; còn nhiều dư địa để tăng vay nợ trong nước; sự đồng lòng chia sẻ gánh nặng của cộng đồng doanh nghiệp; vốn đầu tư công rất sẵn có nhưng chưa giải ngân được; vốn trái phiếu Chính phủ rất rẻ và sẵn có để huy động, trong khi trần nợ công vẫn còn khá rộng. Bên cạnh đó, môi trường kinh tế vĩ mô của chúng ta vẫn khá vững, kỳ vọng lạm phát vẫn thấp, đồng VND có xu hướng lên giá, dự trữ ngoại hối tăng mạnh, lãi suất xu hướng giảm, cân đối ngân sách thuận lợi. Một yếu tố rất quan trọng là người dân và doanh nghiệp tin tưởng vào sự chỉ đạo, điều hành của Đảng và Nhà nước, trong khi giới đầu tư vẫn kiên nhẫn chờ đợi và tin tưởng vào khả năng kiểm soát dịch của Việt Nam. Ngoài ra, nước ta đạt độ phủ vắc xin COVID-19 nhanh trong thời gian ngắn, qua đó cho phép đẩy nhanh lộ trình mở cửa nền kinh tế. Đồng thời, xu hướng chuyển dịch chuỗi giá trị về Đông Nam Á (trong đó có Việt Nam) ngày càng rõ, khi dịch bệnh được khống chế thì xu hướng này càng mạnh mẽ hơn.

Tuy nhiên, chiến lược phục hồi và phát triển bền vững của Việt Nam được nhận định sẽ đối mặt với một số khó khăn, rủi ro. Cụ thể, nguy cơ về dịch bệnh kéo dài làm nản lòng các nhà đầu tư, bào mòn sức chịu đựng của người dân và doanh nghiệp tại các địa bàn trọng điểm, gây chuyển dịch dòng vốn đầu tư sang những nước an toàn hơn. Nguy cơ bùng phát một chủng mới của vi rút buộc các nước phải tái áp dụng các biện pháp phong tỏa diện rộng, kéo dài, tác động nặng nề đến kinh tế...

Chế biến sản phẩm kem từ sầu riêng ở Công ty TNHH Thương mại Gia Nguyễn Krông Pắc. Ảnh: Hoàng Gia

Phải phát triển một cách bền vững

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, trong tình hình hiện nay, cần quán triệt hai quan điểm cơ bản khi đưa ra các chính sách về tài khóa, tiền tệ. Thứ nhất, các chính sách cần tập trung hướng đến làm thế nào để hồi phục và phát triển nền kinh tế một cách bền vững trong bối cảnh “sống chung" với dịch COVID-19, đúng với chiến lược mới của Chính phủ là “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, thay vì tập trung theo hướng “ứng phó với COVID-19”. Thứ hai, các chính sách cần hướng các giải pháp cũng như nguồn lực ưu tiên đến khu vực doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển, đặc biệt là những doanh nghiệp có ảnh hưởng lan tỏa lớn đến các khu vực khác của nền kinh tế và doanh nghiệp hạt nhân của chuỗi cung ứng.

Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đưa ra khuyến nghị: Việt Nam nên cân nhắc việc sử dụng cả chính sách tài khóa và tiền tệ để tái thiết nền kinh tế, đặc biệt là giảm sự cứng nhắc trong hệ thống phân bổ ngân sách, cho phép nguồn vốn được phân bổ dễ dàng hơn giữa các danh mục chi tiêu. Cùng với đó, Việt Nam cần tăng cường áp dụng các cơ chế số hóa để nâng cao hiệu quả hoạt động của Chính phủ và hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số mới, góp phần tạo động lực cho quá trình phục hồi và phát triển.

Cùng với việc phối hợp các chính sách tài khóa, tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, tạo nguồn lực ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi kinh tế, diễn đàn cũng chia sẻ những giải pháp về lao động và việc làm. Theo đại diện của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), các kịch bản phục hồi dự báo có thể khác nhau, nhưng chắc chắn khi nối lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh thì nguy cơ thiếu hụt nguồn cung lao động có thể xảy ra. Do đó, cần tranh thủ thời cơ "dân số vàng", đẩy mạnh phát triển nhân lực, nhất là nhân lực có tay nghề cao để tăng năng suất lao động và khả năng cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới. Đặc biệt trong bối cảnh thị trường lao động khu vực chính thức có xu hướng thu hẹp, lực lượng lao động phi chính thức bị mất việc làm… thì việc tập trung đầu tư phát triển một số trường chất lượng cao tại các vùng kinh tế trọng điểm và các lĩnh vực ưu tiên là một đòi hỏi cấp bách, nhằm cung cấp nguồn nhân lực kỹ thuật trực tiếp chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của quá trình phục hồi nền kinh tế sau đại dịch.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: quochoi.vn

Tại diễn đàn, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch COVID-19 là cấp bách và tất yếu, nhưng phát triển không phải bằng mọi giá, mà phải phát triển bền vững. Chủ tịch Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao những chia sẻ, khuyến nghị đầy tâm huyết của các chuyên gia, nhà khoa học và đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam. “Chúng ta vừa phải chú ý đến những giải pháp cấp bách trước mắt để duy trì các động lực tăng trưởng để kiểm soát dịch bệnh, hỗ trợ cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Những giải pháp ngắn hạn và trung hạn thì phải luôn bám vào mục tiêu dài hạn trong việc cơ cấu lại nền kinh tế, bảo đảm nền kinh tế phát triển nhanh nhưng bền vững, không chỉ có vấn đề về kinh tế, mà cả vấn đề về xã hội và môi trường”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.