Multimedia Đọc Báo in

Thu hái cà phê: Ứng biến theo cấp độ dịch

07:33, 17/12/2021

Những ngày này, người trồng cà phê đang tất bật với việc thu hái. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, các địa phương đã triển khai những giải pháp vừa đảm bảo tiến độ thu hoạch cà phê, vừa thực hiện an toàn phòng, chống dịch theo đúng quy định.

Gia đình ông Mai Văn Trung (thôn 14, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin) có hơn 2 ha cà phê đang cho thu hoạch, năng suất ước đạt hơn 3 tấn nhân/ha. Giá cà phê đầu vụ đang ở mức 41.000 đồng/kg nên ông tranh thủ hái kịp bán cho được giá. Do dịch bệnh kéo dài và phức tạp, thay vì thuê nhân công thu hái từ địa phương khác đến như mọi năm, gia đình ông Trung đã chọn lao động là người quen, họ hàng hoặc đổi công với người trong thôn, xóm. Để bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh, tất cả người tham gia hái cà phê đều thực hiện khử khuẩn, đeo khẩu trang và chia nhỏ nhóm từ 2 - 3 người/bạt thay vì hái tập trung nhóm 4 - 5 người/bạt như trước. Chia nhóm nhỏ vậy tuy tiến độ hái có chậm hơn nhưng bù lại ai cũng cảm thấy yên tâm hơn .

Thu hái cà phê trên địa bàn xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin.

Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Ea Tiêu, nỗi lo lớn nhất của người trồng cà phê là phải tìm được nhân công thu hoạch để kịp thời vụ bởi nếu cà phê không được hái đúng thời điểm sẽ bị giảm năng suất và chất lượng. Năm nay, dịch COVID-19 khiến nhân công lao động các vùng khác không thể đến địa phương nhưng bù lại số người dân trở về từ các tỉnh thành phía Nam trong thời gian qua khoảng 2.000 người cùng với số lao động tại chỗ đã cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu về nhân lực thu hái cà phê. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, số ca mắc trong cộng đồng vẫn còn xuất hiện, việc siết chặt quản lý nhân công từ các xã lân cận đến địa phương cũng được tăng cường. Đến nay, tỷ lệ người dân tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn đạt gần 90%, hầu hết là người trong độ tuổi lao động. Xã cũng đã kiện toàn lại các tổ COVID-19 cộng đồng thực hiện "nhiệm vụ kép" vừa tuyên truyền công tác phòng, chống dịch, vừa tham gia tuần tra bảo đảm an ninh mùa thu hái giúp người dân yên tâm lao động sản xuất.

Cà phê là cây trồng chủ lực trên địa bàn huyện Cư Kuin với tổng diện tích cà phê kinh doanh khoảng 11.226 ha, năng suất bình quân niên vụ 2021 - 2022 ước đạt 2,6 tấn nhân/ha với sản lượng khoảng 29.000 tấn. Theo thống kê, để thu hoạch cà phê tập trung trong vòng 30 – 45 ngày, toàn huyện cần khoảng 22.400 người tham gia với khoảng 670.000 công. Để chủ động các tình huống phát sinh liên quan đến dịch bệnh trong quá trình thu hái cà phê, UBND huyện đã xây dựng phương án thu hoạch, vận chuyển và tiêu thụ cà phê niên vụ 2021 – 2022 tương ứng với các cấp độ dịch, yêu cầu các địa phương thực hiện gắn với phương châm "4 tại chỗ", nắm bắt, đánh giá chính xác tình hình dịch bệnh để có phương án áp dụng phù hợp. Đến nay, huyện đã tổ chức thu hái được trên 60% sản lượng cà phê, không xảy ra tình trạng mắc bệnh, lây nhiễm bệnh trong quá trình thực hiện.

Người dân huyện Cư Kuin chở cà phê thu hoạch về các bãi phơi.

Huyện Krông Ana hiện đang là vùng cam trên bản đồ chống dịch COVID-19. Tuy nhiên, nhờ chủ động xây dựng phương án thu hoạch, vận chuyển và tiêu thụ cà phê niên vụ 2021 - 2022 ngay từ đầu, việc tổ chức hoạt động thu hái cà phê trên địa bàn huyện vẫn diễn ra an toàn, hiệu quả. Nguồn lực thu hoạch cà phê tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện cơ bản đáp ứng được nhu cầu, không xảy ra tình trạng khan hiếm nhân công. Theo thống kê, tổng diện tích sản xuất cà phê trong niên vụ 2021 - 2022 của huyện là 9.900 ha. Đến nay, toàn huyện đã thu hoạch 8.500 ha với sản lượng 23.035 tấn, năng suất ước đạt 2,7 tấn/ha.

Anh Hà Ngọc Thịnh (thị trấn Buôn Trấp) chia sẻ: “Do ảnh hưởng của dịch bệnh và lo ngại thiếu hụt nguồn nhân công nên gia đình tôi chủ động chọn hái những cây cà phê chín từ 85% trở lên ngay từ đầu vụ. Tuy gặp bất lợi do một số đợt mưa bão trong tháng 11 nhưng đến nay tôi đã thu hoạch xong 5 ha cà phê với năng suất gần 3 tấn nhân/ha. Dẫu nỗi lo về dịch COVID-19 vẫn còn hiện hữu, nhưng khi năng suất ổn định, giá cà phê đầu vụ đã trên 40.000 đồng/kg cao hơn nhiều so với những năm qua”.

Hồng Chuyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.