Multimedia Đọc Báo in

Xuân về với buôn làng

15:14, 06/02/2022

Khi cà phê đã thu hoạch, chế biến xong, lúa lên xanh đồng, trăm hoa đua sắc thắm cũng là lúc các buôn làng rộn rã chào đón mùa xuân mới.

Nằm cách TP. Buôn Ma Thuột hơn 20 km, buôn Kang, xã Ea Knuếc (huyện Krông Pắc) êm ả với những nếp nhà giữa rặng cây xanh, những hàng rào bằng chè tàu hay những bức tường đan kín hoa lá.

Trưởng buôn Kang Y Phan Êban tâm sự, dù bận bịu công việc nhà nông nhưng người dân vẫn dành thời gian chăm chút vẻ đẹp buôn làng, gìn giữ nét văn hóa truyền thống. Toàn buôn có 6 nhà dài, hàng chục hộ gìn giữ, bảo tồn báu vật truyền thống của người Êđê như chiêng, ché, ghế Kpan, nồi đồng…

Tết đến, xuân về là dịp các gia đình mở hội với những bữa cơm sum họp đoàn viên trong ngôi nhà dài truyền thống của dân tộc, cùng tâm tình về năm cũ, ấp ủ kế hoạch cho năm mới và cầu mong cuộc sống ngày càng ấm no hơn. Đó có thể là bữa tiệc thịt nướng đón giao thừa hay bữa cơm thết đãi khách buôn gần, buôn xa đến thăm nhà với các món ăn dân dã như lá sắn xào, canh cà đắng, tuy đơn sơn nhưng đầm ấm, chân tình.

Ông Y Thang Niê, buôn Kang, xã Ea Knuếc (huyện Krông Pắc) chỉnh trang khuôn viên gia đình đón xuân Nhâm Dần.

Ở buôn Kõ Tam, xã Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột), bà con đón xuân này vui hơn hẳn bởi cà phê được mùa được giá, công việc thuận lợi. Chị H’Juêh Byã, thành viên Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp dịch vụ Công Bằng Ea Tu cho hay, gia đình chị có 1 ha cà phê được chăm sóc theo hướng hữu cơ, năm 2021 thu được hơn 5 tạ cà phê tươi, bán cho HTX với giá hơn 1 triệu đồng/tạ (cao hơn thị trường 200.000 đồng/tạ) để chế biến cà phê đặc sản.

Cùng với đó, việc làm thêm thời vụ tại HTX năm 2021 khá đều với mức tiền công 200.000 đồng/ngày đã giúp chị có thêm một khoản thu nhập kha khá dành dụm để sắm Tết và đầu tư vào vườn cà phê. Chị dự tính, năm 2022 này, gia đình chị sẽ tái canh một phần diện tích cà phê để đưa các giống cà phê mới vào sản xuất nhằm tăng năng suất, góp phần nâng cao chất lượng cà phê.

HTX Nông nghiệp dịch vụ Công Bằng Ea Tu được thành lập vào tháng 8/2015, hiện có 49 thành viên là người dân buôn Kõ Tam tham gia sản xuất 63,4 ha cà phê. Ngoài thu mua, chế biến cà phê nhân cung cấp cho các doanh nghiệp xuất khẩu, nhiều năm nay HTX còn tham gia vào hoạt động sản xuất cà phê đặc sản. Năm 2021, HTX có 5,5 tấn cà phê Robusta đặc sản, dự kiến có khoảng 2,5 tấn cà phê tham gia tranh giải Cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam 2022.

Ông Y Drin Niê, Phó Giám đốc HTX tự hào, sản phẩm cà phê Robusta của buôn đạt top 1 cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam 2021 đã nhân đôi niềm vui cho bà con. Hiện ông cùng hai thành viên HTX đang tham gia lớp tập huấn chế biến cà phê đặc sản năm 2021 do Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột tổ chức. Trồng cà phê hàng chục năm nay nhưng ông và bà con buôn làng vẫn cần mẫn học cách làm cà phê với mong muốn đem đến sản phẩm cà phê có chất lượng tốt nhất phục vụ người tiêu dùng và làm rạng danh buôn Kõ Tam.

Chị H’Juêh Byã, buôn Kõ Tam tham gia sơ chế cà phê cho Hợp tác xã Nông nghiệp Dịch vụ Công Bằng Ea Tu.

Chăm lo lao động sản xuất, phát triển kinh tế, bà con buôn làng cũng chú trọng gìn giữ bản sắc văn hóa, tôn tạo ngôi nhà dài, duy trì nghề dệt truyền thống, đội chiêng hoạt động hiệu quả... Bí thư Chi bộ buôn Kõ Tam Nguyễn Quang An cho hay, Kõ Tam đang hướng đến mô hình du lịch sinh thái nông nghiệp với điểm nhấn là hồ Kõ Tam (rộng 5 ha) cùng cách thức sản xuất thân thiện với môi trường. Bà con ứng dụng khoa học vào sản xuất để làm nên các sản phẩm nông sản đặc trưng phục vụ du khách như cà phê, bơ, sầu riêng; quảng bá nghề tạc tượng gỗ dân gian, mây tre đan; phục vụ du khách các món ăn đặc sản của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ...

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.