Multimedia Đọc Báo in

Huyện Cư M’gar: Kịp thời hỗ trợ người dân vay vốn phục hồi và phát triển kinh tế

07:51, 11/05/2022

Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cư M’gar đang tập trung đẩy nhanh việc giải ngân, đưa nguồn vốn tín dụng ưu đãi về phục hồi và phát triển kinh tế theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ đến các đối tượng thụ hưởng trên địa bàn.

Ngày 30/01/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (Nghị quyết 11) và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình.  Đây được coi là giải pháp căn cơ của Chính phủ để góp phần đưa nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, từng bước phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng, giải quyết vấn đề việc làm cho người dân.

Tại huyện Cư M’gar, thực hiện Nghị quyết 11, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện được giao hơn 3 tỷ đồng để triển khai hỗ trợ cho vay đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn mua máy vi tính, thiết bị phục vụ học trực tuyến và vay vốn hỗ trợ việc làm. Ông Võ Ngọc Hãn, Giám đốc Phòng Giao dịch cho hay, ngân hàng đang nỗ lực triển khai thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng để hỗ trợ người nghèo và các đối tượng chính sách khác vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế theo Nghị quyết 11. Theo đó, ngân hàng rà soát nhu cầu vốn vay trong nhân dân, phổ biến sâu rộng chủ trương, mục tiêu, ý nghĩa cũng như các quy định của chương trình để người dân nắm rõ, đăng ký, các tổ vay vốn tổ chức bình xét bảo đảm công khai, minh bạch, đúng đối tượng cần hỗ trợ.

Cán bộ tín dụng Ngân hàng Chính xã hội huyện Cư M'gar huớng dẫn người dân sử dụng thiết bị học tập hiệu quả từ nguồn vốn vay ưu đãi.

Theo ông Hãn, ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 khiến nhu cầu vay vốn để phát triển sản xuất, giải quyết việc làm của người dân và nhu cầu mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập có xu hướng tăng. Nhiều hộ gia đình mong muốn vay vốn để phát triển nông nghiệp, gây dựng kinh tế gia đình. Trong đó phần nhiều tập trung vào mục đích đầu tư cải tạo vườn cà phê, chăn nuôi heo, dê...

Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã thực hiện giải ngân những món vay đầu tiên của 2 chương trình hỗ trợ cho 17 khách hàng vay vốn. Tổng số tiền đã giải ngân đợt này là 790 triệu đồng. Trong đó, có 1 khách hàng được vay vốn 10 triệu đồng để mua máy vi tính, thiết bị phục vụ học trực tuyến với lãi suất 1,2%/năm, thời hạn vay 3 năm; 16 khách hàng được vay vốn hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, với tổng số tiền 780 triệu đồng, lãi suất 7,92%/năm, thời hạn 5 năm.

Ngay sau khi giải ngân, cán bộ ngân hàng đã tư vấn, hướng dẫn người vay sử dụng nguồn vốn đúng mục đích nhằm đạt hiệu quả cao. Qua đó, giúp lao động địa phương có điều kiện làm việc, góp phần ổn định và cải thiện đời sống kinh tế; các em học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn có thiết bị phục vụ học tập được tốt hơn.

Anh Y Đương Byă (xã Cư M'gar) sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư phát triển mô hình nuôi dê.
 
“Cùng với việc tổ chức cho vay vốn ưu đãi kịp thời, đúng đối tượng, đúng mục đích, đơn vị cũng có kế hoạch tổ chức giám sát, nâng cao chất lượng quản lý nguồn vốn vay bảo đảm an toàn và phát huy hiệu quả, góp phần giảm nghèo, thúc đẩy phục hồi kinh tế trên địa bàn”.
 
Ông Võ Ngọc Hãn, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cư M’gar

Nhiều người dân được tiếp cận vốn vay nhanh chóng, thuận lợi đã giải tỏa phần nào cơn “khát vốn”, lập tức đầu tư đúng mục đích để phục hồi kinh tế gia đình. Hộ anh Y Đương Byă (buôn Dhung, xã Cư M’gar) vừa được tạo điều kiện cho vay 50 triệu đồng từ chương trình giải quyết việc làm. Nguồn vốn này đã kịp thời giúp anh đầu tư mở rộng mô hình chăn nuôi dê vốn có của gia đình. Anh mua thêm 8 con dê giống và dê con để phát triển đàn, đây là niềm hy vọng thoát nghèo của gia đình anh lúc này. Anh chia sẻ, đàn dê nuôi 14 con của gia đình đang cho nguồn thu tốt thì dịch bệnh COVID-19 ập đến, khiến giá rớt thảm. Quyết tâm theo đuổi mô hình kinh tế này, nhưng anh không có vốn để đầu tư chăm sóc vật nuôi và tiếp tục gây đàn. Cuối tháng 4 vừa qua, anh được hỗ trợ vốn vay để nhanh chóng gây đàn, “nuôi” hy vọng phục hồi kinh tế gia đình. Với anh, đây là món tiền lớn, kịp thời tiếp sức để gia đình anh vượt qua khó khăn, đầu tư sản xuất.  

Cũng được vay vốn ưu đãi trong đợt này, chị Nguyễn Thị Sen (thôn Hiệp Đạt, xã Quảng Hiệp) bộc bạch, nhà chị làm nông, chồng ốm đau, một mình chị gồng gánh nuôi con, dịch COVID-19 càng khiến nguồn thu nhập bấp bênh hơn. Trong nhà có hai đứa con nhỏ học tiểu học nhưng chỉ có một chiếc điện thoại kết nối Internet nên rất bất tiện và gây khó khăn trong quá trình tiếp thu bài vở của các con. Trong lúc anh chị chưa có đủ tiền để mua chiếc máy tính cho con học thì mới đây, chị được tạo điều kiện cho vay 10 triệu đồng để mua máy tính. Có được thiết bị học tập cho con khiến chị yên tâm lao động kiếm tiền nuôi con học hành.

Theo Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cư M’gar, song song với việc đẩy mạnh giải ngân vốn vay theo Nghị quyết 11, đơn vị còn tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình cho vay thường xuyên. 4 tháng đầu năm 2022, đơn vị đã giải ngân cho vay 48 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2021, tạo điều kiện cho 1.298 lượt khách hàng vay,  qua đó, góp phần ổn định và cải thiện đời sống người dân.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.