Multimedia Đọc Báo in

Kết nối tiêu thụ sầu riêng tại xã Ea Kênh

15:20, 20/05/2022

Sáng 20/5, Hội Nông dân huyện Krông Pắc phối hợp với Hội Nông dân xã Ea Kênh và Công ty Cổ phần thương mại xuất nhập khẩu Dũng Thái Sơn tổ chức Hội thảo xây dựng chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ sầu riêng tại xã Ea Kênh.

Dự buổi hội thảo có hơn 50 nông dân canh tác diện tích sầu riêng lớn trên địa bàn xã.

Các đại biểu theo dõi nội dung buổi hội thảo.
Các đại biểu theo dõi nội dung buổi hội thảo.

Tại buổi hội thảo, ông Lê Anh Trung, Giám đốc phụ trách vùng nguyên liệu Công ty Cổ phần thương mại xuất nhập khẩu Dũng Thái Sơn đã khái quát hoạt động xuất khẩu sầu riêng của công ty và những yêu cầu về xây dựng và phát triển vùng trồng trên địa bàn xã Ea Kênh cũng như những phạm vi lớn hơn.

Theo đó, công ty đã có hơn 15 năm kinh nghiệm thu mua, xuất khẩu sầu riêng sang thị trường chính là Trung Quốc. Năm 2020, công ty cũng đã thiết lập hồ sơ đăng ký mã vùng trồng với diện tích 630 ha tại xã Ea Yông và xã Ea Kênh, đã đăng ký và cấp mã cơ sở đóng gói để xây dựng vùng liên kết có diện tích lớn nhất cả nước được cấp mã cho đến nay.

Nông dân xã Ea Yiêng nêu những băn khoăn về sản xuất sầu riêng tại buổi hội thảo.
Nông dân xã Ea Kênh nêu những băn khoăn về sản xuất sầu riêng tại buổi hội thảo.

Mục tiêu của Công ty Cổ phần thương mại xuất nhập khẩu Dũng Thái Sơn là liên kết sản xuất với các hợp tác xã áp dụng tiêu chuẩn VietGAP để xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc theo con đường chính ngạch với sản lượng dự kiến lên đến 200.000 tấn. Để thực hiện mục tiêu này, công ty sẽ hỗ trợ nông dân thành lập và tham gia các tổ chức kinh tế tập thể, hỗ trợ về mã vùng trồng và truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm sầu riêng của nông dân.

Nhiều nông dân đã nêu lên những trăn trở đối với việc canh tác sầu riêng theo hướng an toàn, bền vững và được phía công ty ghi nhận, giải đáp. Đại diện công ty cũng tiến hành khảo sát thông tin về diện tích, chủng loại, tuổi cây, sản lượng dự kiến cùng những đề xuất của nông dân xã Ea Kênh để có phương án cụ thể hỗ trợ bà con, kết nối tiêu thụ sản phẩm ngay trong vụ thu hoạch sắp tới.

Đinh Nga


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.