Huyện Krông Búk: Vốn vay chính sách phát huy hiệu quả
Thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP, ngày 4/10/2002 của Chính phủ, các chương trình tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và đối tượng chính sách đã được huyện Krông Búk triển khai rộng rãi, góp phần tích cực trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn huyện.
“Tiếp sức” cho người dân phát triển sản xuất
Gia đình ông Nguyễn Văn Thọ (thôn Ea Kung, xã Cư Né) là khách hàng quen thuộc của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện khi đã nhiều lần vay vốn để phát triển sản xuất. Gia đình ông Thọ có 4 sào cà phê đã trồng từ năm 1995 nên dù đầu tư phân bón, chăm sóc đều đặn thì mỗi năm chỉ thu về 1 tấn nhân. Năm 2007, gia đình ông được vay 20 triệu đồng để tái canh cà phê. Sau 3 năm, vườn cà phê tái canh của gia đình ông phát triển đều, đẹp và cho năng suất vượt trội. Năm 2017, sau khi trả hết nợ cũ, ông Thọ đã mạnh dạn vay thêm 50 triệu đồng từ NHCSXH huyện để phát triển chăn nuôi.
Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Krông Búk thăm mô hình chăn nuôi của ông Nguyễn Văn Thọ (xã Cư Né). |
Nhờ cần cù, chịu khó, đến nay gia đình ông luôn duy trì nuôi với tổng số 20 con bò sinh sản và 30 con dê. Ngoài ra, ông Thọ còn đầu tư mở rộng diện tích trồng trọt lên 1,7 ha. Ông Thọ cho biết, được vay vốn cùng với những ưu đãi về lãi suất nên kinh tế gia đình ông ngày càng ổn định. Hằng năm thu nhập từ trồng trọt, chăn nuôi được khoảng 200 – 250 triệu đồng.
Chị Nguyễn Thị Hạ (thôn Hợp Thành, xã Chư Kbô) cũng là một trong số những hộ sử dụng nguồn vốn vay chính sách mang lại hiệu quả thiết thực. Là mẹ đơn thân, nuôi hai con nhỏ nên hoàn cảnh gia đình chị rất khó khăn. Năm 2016, thông qua kênh vay vốn do Hội Liên hiệp Phụ nữ xã nhận ủy thác với NHCSXH huyện, chị Hạ được vay 30 triệu đồng để làm chuồng trại và mua 2 con bò giống. Nhờ sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả, đúng mục đích, sau ba năm, đàn bò của gia đình chị đã sinh sản thành 6 con. Năm 2019, chị Hạ bán 3 con bò để trả nợ cho NHCSXH huyện và tiếp tục xin vay lại 40 triệu đồng để mở rộng quy mô chăn nuôi. Đến nay, chị Hạ đang có 45 con heo và 9 con bò. Hằng năm, thu nhập từ việc chăn nuôi của gia đình chị được hơn 150 triệu đồng.
“Vốn tín dụng chính sách xã hội góp phần đẩy lùi và ngăn chặn sự tác động tiêu cực của "tín dụng đen" đến đời sống của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác, nhất là tại các vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số”. Ông Nguyễn Bá Cường, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Krông Búk |
Tương tự, chị Nguyễn Thị Thắm (buôn Drây Huê, xã Cư Pơng) cũng thoát nghèo từ năm 2017 nhờ vay vốn chính sách. Gia đình chị được vay số tiền 30 triệu đồng để phát triển kinh tế. Từ số tiền được vay, chị Thắm đầu tư trồng chuối lùn Thái, sầu riêng, bơ và chanh không hạt xen trong vườn cà phê để tăng hiệu quả kinh tế. Mô hình đa cây mang lại cho gia đình chị thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm.
Đa dạng nguồn vốn, đáp ứng nhu cầu vay của các đối tượng
Để nâng cao chất lượng tín dụng ưu đãi và hỗ trợ tối đa cho người nghèo, đối tượng chính sách, UBND huyện đã thành lập 7 điểm giao dịch của NHCSXH huyện tại 7 xã trên địa bàn huyện. Những năm qua, người dân huyện Krông Búk, đặc biệt là hộ nghèo, cận nghèo và đối tượng chính sách đã quen thuộc với hình ảnh cán bộ NHCSXH huyện hằng tháng có mặt tại trụ sở UBND các xã để giải ngân, thu nợ, thu lãi của khách hàng. Mô hình này là một bước tiến trong cải cách thủ tục hành chính, vừa tạo thuận lợi để các đối tượng thụ hưởng được tiếp cận dịch vụ, giảm chi phí, thời gian đi lại, vừa đảm bảo hoạt động tín dụng chính sách được công khai, minh bạch.
Tại thời điểm mới thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP, ngày 4/10/2002 của Chính phủ, trên địa bàn huyện chỉ thực hiện cho vay 2 chương trình tín dụng với số tiền là 5,2 tỷ đồng, tỷ lệ nợ quá hạn 30%. Đến nay NHCSXH huyện Krông Búk đang triển khai cho vay 14 chương trình tín dụng chính sách, tổng dư nợ các chương trình đạt trên 326 tỷ đồng với 6.902 khách hàng vay vốn. Trong đó, cho vay hộ nghèo là chương trình có số dư nợ cao, chiếm 17,35% tổng dư nợ, nhờ tiếp cận được nguồn vốn vay đã có 2.038 hộ thoát nghèo, ổn định kinh tế.
Chị Nguyễn Thị Hạ (xã Chư Kbô, huyện Krông Búk) sử dụng vốn chính sách để phát triển chăn nuôi heo. |
Cơ cấu tăng trưởng nguồn vốn có sự chuyển dịch từ nguồn vốn Trung ương sang nguồn vốn địa phương, nhất là sự tăng lên của nguồn vốn ngân sách huyện ủy thác qua NHCSXH huyện đã thể hiện sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện trong triển khai các chương trình tín dụng chính sách xã hội. Ông Nguyễn Bá Cường, Giám đốc NHCSXH huyện Krông Búk cho biết, thời gian qua, nguồn vốn cho vay trên địa bàn huyện không ngừng tăng trưởng, ngày càng đáp ứng nhu cầu vay của người nghèo và các đối tượng chính sách. Việc sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả đã giúp người dân trên địa bàn huyện phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống và vươn lên làm giàu.
Hiện nay các tổ chức hội, đoàn thể của huyện đang phối hợp với NHCSXH huyện quản lý hơn 325 tỷ đồng, chiếm 99,8%/tổng dư nợ toàn huyện, với 6.892 khách hàng thông qua 180 tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV). Các tổ TK&VV đã phát huy vai trò quan trọng trong triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội, là cầu nối giữa ngân hàng với người vay vốn. Qua kết quả rà soát, phân loại có 178 tổ TK&VV xếp loại tốt (tỷ lệ 98,8%); 2 tổ TK&VV xếp loại khá (chiếm 1,2%); không có tổ trung bình và yếu kém..
Như Quỳnh
Ý kiến bạn đọc