Multimedia Đọc Báo in

Huyện Krông Pắc: Sử dụng hiệu quả Quỹ Hỗ trợ nông dân

08:08, 10/08/2022

Những năm qua, Quỹ Hỗ trợ nông dân (Quỹ HTND) các cấp đã giúp nhiều hội viên, nông dân trên địa bàn huyện Krông Pắc được vay vốn với lãi suất ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất, từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Để phát triển nguồn vốn Quỹ HTND, bên cạnh sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước từ Trung ương đến địa phương, Hội Nông dân các cấp huyện Krông Pắc đã tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân đóng góp xây dựng quỹ. Từ nguồn vốn vay, các hộ gia đình, tổ hợp tác, hợp tác xã… đã mở rộng phát triển sản xuất, gia tăng thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo. Trong 6 tháng đầu năm, trên địa bàn huyện có 10 dự án được giải ngân với tổng số tiền 1,98 tỷ đồng.

Bà Đàm Thị Sinh (thôn Cao Thắng, xã Ea Yông) phát triển chăn nuôi bò từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân.

Với nguồn vốn vay 300 triệu đồng từ Quỹ HTND huyện, xã Ea Yông đã thành lập Tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi bò sinh sản (Tổ chăn nuôi bò) với 10 thành viên để thực hiện dự án nuôi bò sinh sản. Đa số các thành viên trong Tổ chăn nuôi bò thuộc thôn Cao Bằng, là hội viên Hội Nông dân xã, cuộc sống còn nhiều khó khăn.

 

“Các cấp Hội Nông dân thường xuyên phối hợp với các ban, ngành mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt cho hội viên, nông dân; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát quản lý chặt chẽ việc sử dụng vốn của Quỹ HTND để đảm bảo nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích và phát huy hiệu quả” - ông Y Niêm Êban, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Krông Pắc.

Dự án nuôi bò sinh sản ở thôn Cao Bằng được chia làm 3 giai đoạn. Hiện nay, đang ở giai đoạn đầu, là bổ sung nguồn vốn, mua bò cái hậu bị; giai đoạn thứ 2, thứ 3 là chăm sóc bò sinh sản và bê con, bò trưởng thành… Dự kiến, sau 3 năm dự án hoàn thành, mỗi gia đình sẽ thu về gần 65 triệu đồng từ việc bán bò, bê, phân chuồng.

Năm 2022, bà Đàm Thị Sinh (hộ nông dân tham gia dự án) được vay 30 triệu đồng từ Quỹ HTND, cùng với nguồn vốn có sẵn đã đầu tư mua thêm một con bò sinh sản. Đến nay, bò cái đã sinh được một con bê. Bà Sinh bày tỏ: “Tôi chỉ mới nuôi bò khoảng 1 năm nay, còn rất nhiều bỡ ngỡ, nhưng nhận được sự hỗ trợ của các thành viên trong tổ, thôn, tôi biết cách chăm sóc theo từng giai đoạn, đảm bảo bò luôn đủ sức khỏe để có thể sinh sản tốt”.

Để giúp các hội viên có thêm những kiến thức cần thiết trong việc chăm sóc và nuôi bò sinh sản, Hội Nông dân xã Ea Yông còn chủ động phối hợp với các ngành chuyên môn tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, cách phòng trị bệnh cho bò. Nhờ vậy, đến nay dự án nuôi bò sinh sản phát triển khá tốt.

Cũng sử dụng nguồn vốn vay từ Quỹ HTND để phát triển kinh tế, nhưng Tổ hợp tác nuôi gà xã Tân Tiến lại có sự thay đổi mục đích, sử dụng nguồn vốn phù hợp với hoàn cảnh thực tế. Theo ông Lương Hồng Vân, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Tiến, Tổ hợp tác nuôi gà xã Tân Tiến thành lập năm 2020, được vay 200 triệu đồng từ Quỹ HTND để phát triển nuôi gà. Tuy nhiên, sau đó chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc tiêu thụ gà trở nên khó khăn. Trong khi đó, theo nhu cầu thị trường thì nuôi dê, nuôi bò vỗ béo hay nuôi heo lại có hiệu quả rõ rệt. Vì vậy các tổ viên đã xin được chuyển đổi mô hình chăn nuôi phù hợp với điều kiện của từng gia đình như tận dụng đất trống để trồng cỏ nuôi bò, nhưng vẫn đảm bảo sử dụng đồng vốn vay hiệu quả.

Chị Huỳnh Thị Diệu (thôn 4A, xã Tân Tiến) chăm sóc đàn gà thả vườn của gia đình.

Chị Huỳnh Thị Diệu (thôn 4A, xã Tân Tiến) cho hay, sau khi tham gia Tổ hợp tác thì bị ảnh hưởng dịch bệnh nên hoạt động khó khăn, tuy nhiên, gia đình đã có thâm niên nuôi gà được 5 năm nên mạnh dạn sử dụng vốn hỗ trợ để mở rộng chăn nuôi. Từ việc chỉ nuôi gà lấy thịt thông thường, chị tận dụng vườn nhà rộng rãi để nuôi gà thả vườn, nâng cao giá trị sản phẩm. Chị duy trì đàn gà khoảng 1.000 con, mỗi tháng thu nhập trên 10 triệu đồng.

Thực tế cho thấy nguồn vốn Quỹ HTND không chỉ giúp hội viên, nông dân có thêm điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, mà còn giúp thay đổi tập quán, phương thức sản xuất, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. Qua đó, góp phần thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, đồng thời phát huy có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh sẵn có của địa phương.

Mai Sao


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.