Multimedia Đọc Báo in

Tạo thêm hương vị mới cho cà phê

06:51, 11/09/2022

Nỗ lực để cà phê Đắk Lắk có mặt ở nhiều thị trường, hợp với "gu" của nhiều người tiêu dùng, một số doanh nghiệp đã bền bỉ sáng tạo, thêm hương vị mới cho sản phẩm cà phê.

Cạnh tranh bằng sự khác biệt

Trên thị trường hiện nay, đa phần cà phê chế biến đều mang hương vị cà phê đặc trưng truyền thống, song một số doanh nghiệp lại chọn hướng đi khác biệt. Họ đã đổi mới sáng tạo bằng việc kết hợp các nguyên liệu được lựa chọn tinh tế trên nền cà phê truyền thống, tạo ra diện mạo phong phú cho thứ thức uống quen thuộc. Điều này cũng tạo ra hướng đi mới trong sản xuất và tiêu dùng cà phê, có ý nghĩa quan trọng trong việc quảng bá nâng cao chất lượng sản phẩm và góp phần làm phong phú thêm sản phẩm đặc trưng của vùng đất đỏ bazan.

Công ty TNHH MTV ANH Coffee bán hàng qua các nền tảng thương mại điện tử.

Từ khi thành lập đến nay, Công ty TNHH MTV Anh Cofffee (Cụm Công nghiệp Tân An, TP. Buôn Ma Thuột) liên tục đầu tư nghiên cứu, đổi mới, sáng tạo để chế biến ra những sản phẩm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Đơn vị sáng tạo những dòng cà phê hòa tan kết hợp với các loại nguyên liệu, như: cà phê hòa tan tinh chất sen (dành cho phụ nữ), cà phê tinh chất matcha (dành cho giới trẻ), cà phê tinh chất nhâm sâm (dành cho lứa tuổi trung niên)... Mặt  khác, cũng làm ra từ nguyên liệu chủ đạo là cà phê, nhưng công ty có công thức phối trộn riêng giữa các hạt cà phê để cho ra các hương vị khác nhau, như: cà phê vị chuẩn vị hậu ngọt, cà phê vị đắng đậm hương thơm nồng nàn, cà phê vị mặn mà hương thơm dịu ngọt... Ông Phạm Hoài Nguyên Anh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Anh Cofffee chia sẻ, cà phê được nhiều người biết đến và mỗi người có một “gu” uống riêng biệt. Hiểu được điều này, đơn vị sáng tạo ra những hương vị cà phê mới lạ để phù hợp hơn với nhiều người dùng. Hiện nay, công ty có đến 50 mã hàng làm ra từ các dòng cà phê.

Trong khó khăn chung do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, Công ty TNHH Ê ĐÊ Cafe (huyện Krông Ana) đã phát triển thêm sản phẩm cà phê với những hương vị mới lạ bên cạnh các dòng cà phê rang củi là thế mạnh đặc trưng để thu hút thêm khách hàng. Ông  Y Pốt Niê, Giám đốc Công ty TNHH Ê ĐÊ Cafe cho hay, ông quyết tâm tìm cho mình hướng đi riêng, phát triển doanh nghiệp bằng cách sáng tạo thêm nhiều hương vị mới để sản phẩm cà phê trở nên đặc sắc hơn. Mỗi sản phẩm là một  hương vị khác nhau, trong đó cà phê vẫn giữ được nguyên bản chất tinh tế vốn có.

Chẳng hạn, cà phê sầu riêng là sự kết hợp hoàn toàn mới lạ và tinh tế của doanh nghiệp này. Theo ông Y Pốt, cà phê là đặc sản của Đắk Lắk, sầu riêng cũng được coi là loại “quả vua” nên khi phối trộn hai vị này với nhau, người tiêu dùng rất dễ đón nhận. Cà phê mang đến sự tỉnh táo, sầu riêng chứa nhiều dinh dưỡng, mùi vị hòa lẫn càng kích thích vị giác người dùng. Hay như cà phê khoai môn lại đánh thức nhiều vị giác mới lạ. Vị ngọt nhẹ, béo bùi của khoai cộng thêm chút đắng của cà phê tạo nên mùi vị đọng lại thoang thoảng sau khi uống cũng làm thực khách ấn tượng.

Nỗ lực tiếp cận khách hàng

Khoác "áo mới" cho cà phê thì sẽ có cơ hội tiếp cận với đa dạng người tiêu dùng hơn. Sự thay đổi này bắt đầu từ nhu cầu thị trường, nhưng chọn cách cạnh tranh bằng sự khác biệt cũng đặt doanh nghiệp trước nhiều thách thức mới. Ông Phạm Hoài Nguyên Anh chia sẻ, cà phê chế biến phải đa dạng dòng sản phẩm để hợp hơn với nhiều người. Song điều quan trọng là tạo ra loại cà phê vừa giữ được chất lượng, hương vị nguyên bản lại vừa kết hợp hài hòa với nguyên liệu khác để khi thưởng thức sản phẩm, thực khách có những trải nghiệm mới lạ. Có được sản phẩm mới và tốt, công ty đầu tư tài chính, nhân lực, lên chiến lược marketing, giới thiệu sản phẩm ra thị trường bằng việc tổ chức các sự kiện trực tiếp kếp hợp bán hàng trên nền tảng thương mại điện tử. Đơn vị miệt mài tổ chức các buổi kích hoạt thương hiệu ở các trung tâm thương mại, chợ, các hội nghị, hội thảo... cho khách hàng thử, nếm sản phẩm; đi kèm với đó là các chương trình khuyến mại, giảm giá để thu hút người mua. Bắt kịp công nghệ 4.0, đơn vị tham gia bán hàng trên kênh thương mại điện tử Shopee, qua mạng xã hội như Facebook, Zalo và website của công ty. Đến nay, Anh Coffee đã có hơn 10 nhà phân phối tại khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, khu vực phía Bắc. 

Chế biến cà phê hòa tan vị sầu riêng tại Công ty TNHH Ê ĐÊ Cafe.

Để tăng cơ hội trải nghiệm sự khác biệt về hương vị trong những ly cà phê vốn quen thuộc cho người dùng, Công ty TNHH Ê ĐÊ Cafe phải mất nhiều thời gian nghiên cứu, cho ra thành phẩm. Theo ông Y Pốt Niê, để làm ra sản phẩm, ông đã rất cầu kỳ trong việc chọn nguyên liệu, bởi sự khác biệt của sản phẩm không chỉ ở quy trình sản xuất mà còn phụ thuộc nhiều vào chất lượng nguyên liệu ban đầu. Vốn có uy tín ở dòng sản phẩm cà phê rang củi, khi dùng chính loại nguyên liệu này để sáng tạo ra sản phẩm mới bằng những sự kết hợp khác nhau đã được khách hàng dùng thử và nhanh chóng đón nhận. Càng làm, ông càng nhận ra có nhiều khách hàng ưa thích hương vị cà phê nhưng lại không thể uống được cà phê đậm đặc. Nhìn thấy cơ hội của mình, một mặt, ông sáng tạo, đa dạng hóa sản phẩm từ cà phê, mặt khác chịu khó “lên sàn”, giới thiệu sản phẩm trên các kênh trực tuyến, phân phối qua các đại lý, công ty rang xay cà phê..., công ty đã phát triển được 6 đại lý phân phối sản phẩm độc quyền tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Đắk Lắk với lượng tiêu thụ đạt 3 - 5 tấn/tháng cà phê hòa tan các loại...

Theo các chuyên gia kinh tế, thị hiếu người tiêu dùng luôn thay đổi, họ yêu thích những thương hiệu chịu đầu tư phát triển sản phẩm mới, nhưng không phải cứ tạo ra sự khác biệt là thành công. Doanh nghiệp cần chọn đúng thời điểm, có cách tiếp cận khách hàng, cần tìm hiểu thật kỹ thói quen, sở thích của khách hàng để đặt mục tiêu đưa sản phẩm đến với họ phù hợp nhất.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.