Multimedia Đọc Báo in

Hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế tập thể

08:13, 25/10/2022

Phát huy vai trò là “hạt nhân” nòng cốt, các cấp Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ đoàn viên thanh niên xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế tập thể (KTTT) phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

Nhiều tín hiệu tích cực

Với mong muốn xây dựng vùng nuôi ốc nhồi có uy tín và thương hiệu, tháng 9/2021, Hội LHTN Việt Nam huyện Buôn Đôn đã tập hợp các thanh niên nuôi ốc trên địa bàn để thành lập Tổ hợp tác thanh niên nuôi ốc nhồi.

Anh Nguyễn Quang Trung, Bí thư Huyện Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam huyện Buôn Đôn cho biết: “Trước đây, các hộ nuôi ốc theo kiểu manh mún, nhỏ lẻ, thiếu kỹ thuật và thường không có đầu ra ổn định. Chính vì vậy, Tổ hợp tác đã hỗ trợ thanh niên tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho vật nuôi; giới thiệu các mô hình, tổ hợp tác tiêu biểu cho thanh niên tham quan, học tập; tiếp cận với các nguồn vốn vay để đầu tư giống hoặc mở rộng diện tích… Qua đó, các thành viên có điều kiện trao đổi kinh nghiệm, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau để việc nuôi ốc nhồi đạt hiệu quả, bảo đảm năng suất và chất lượng, nâng cao thu nhập cho thanh niên”.

Thành viên Tổ hợp tác thanh niên nuôi ốc nhồi huyện Buôn Đôn giới thiệu sản phẩm cho khách hàng.

Tổ hợp tác hiện có 14 thành viên, với tổng diện tích nuôi ốc khoảng 20.000 m2. Trung bình mỗi năm, Tổ hợp tác xuất ra thị trường khoảng 20 vạn ốc giống và 15 tấn ốc thương phẩm. Bên cạnh việc sản xuất ốc giống và ốc thương phẩm, các thành viên trong Tổ hợp tác còn chế biến các sản phẩm chuyên sâu từ ốc (ốc nhồi tre, chả ram ốc, ốc quấn lá lốt…) để từng bước mở rộng thị trường tiêu thụ. Sau hơn một năm hoạt động, Tổ hợp tác đã tìm được đầu ra ổn định tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bình Định... với sản lượng tiêu thụ 19.000 khay/năm. Đến nay, Tổ hợp tác đã tạo được thương hiệu cho sản phẩm, đồng thời hướng đến xây dựng thành sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) để nâng cao giá trị cho ốc nhồi của địa phương.

Tương tự, nhằm chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, cuối năm 2021, Tổ hợp tác thanh niên huyện Cư Kuin được thành lập, gồm 3 thành viên, tập trung vào các lĩnh vực chính: trồng cà tím, sản xuất phân trùn quế và kinh doanh dịch vụ ăn uống. Được Hội LHTN Việt Nam huyện Cư Kuin định hướng, tạo điều kiện cho vay 150 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ quốc gia về việc làm của Trung ương Đoàn, Tổ hợp tác có thêm nguồn lực để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Anh Ngô Mạnh Dũng, Tổ trưởng Tổ hợp tác thanh niên huyện Cư Kuin chia sẻ, từ khi tham gia vào Tổ hợp tác, các thành viên đã cùng nhau bàn bạc và tìm hướng tháo gỡ những khó khăn trong quá trình hoạt động. Nhờ vậy, việc sản xuất, kinh doanh của các thành viên ngày càng thuận lợi, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Phát huy vai trò của tổ chức Hội

Để phát huy hiệu quả của các mô hình KTTT, những năm qua, Hội LHTN Việt Nam tỉnh đã tập trung chỉ đạo các cấp bộ Hội LHTN Việt Nam cấp huyện, thị xã, thành phố thành lập, duy trì và nhân rộng các mô hình liên kết phát triển kinh tế (hợp tác thanh niên, hợp tác xã thanh niên, câu lạc bộ thanh niên). Đồng thời, chủ động phối hợp với các cấp, các ngành tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ thúc đẩy phát triển KTTT, như: tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng, tư vấn kiến thức cho thanh niên khởi nghiệp; cung cấp thông tin về thị trường lao động, chính sách khởi nghiệp, lập nghiệp cho thanh niên nông thôn; xây dựng các mô hình chuyển giao khoa học kỹ thuật; hỗ trợ cây, con giống, vật tư nông nghiệp; giúp thanh niên tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi...

Đại diện Hội LHTN Việt Nam tỉnh tham quan mô hình kinh tế của thanh niên trên địa bàn huyện Ea Kar.

Theo đó, từ năm 2019 đến nay, các cấp bộ Hội đã tổ chức 127 hoạt động tư vấn, hướng dẫn kỹ năng việc làm, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hơn 15.600 đoàn viên thanh niên; tổ chức 135 hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, lập nghiệp cho gần 10.000 hội viên thanh niên; tạo điều kiện cho 17 mô hình phát triển kinh tế của thanh niên vay nguồn vốn khởi nghiệp với tổng kinh phí 340 triệu đồng... Ngoài ra, sản phẩm từ các mô hình KTTT cũng được các cấp bộ Hội đưa đi tham gia tại các triển lãm, hội chợ trong và tỉnh, giúp thanh niên có cơ hội quảng bá thương hiệu, cũng như tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Bên cạnh đó, Hội LHTN Việt Nam tỉnh còn tổ chức các chương trình đối thoại giữa doanh nhân trẻ, thanh niên khởi nghiệp với lãnh đạo các cấp; kết nối tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp của thanh niên Đắk Lắk; duy trì hoạt động của Công ty Cổ phần Vườn ươm doanh nghiệp thông qua các buổi "Cà phê doanh nhân", các buổi nói chuyện chuyên đề về khởi nghiệp... Qua đó, giúp thanh niên có cơ hội được giao lưu, học hỏi và hiện thực hóa các dự án khởi nghiệp.

Tuyết Mai


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.