Dự án Hồ chứa nước Krông Pách thượng: Nỗ lực di dời dân ra khỏi vùng lòng hồ
Để công tác giải phóng mặt bằng Dự án Hồ chứa nước Krông Pách thượng (gọi tắt là Dự án) hoàn thành đúng tiến độ đề ra, huyện M’Drắk đang gấp rút đẩy nhanh việc di dời các hộ dân ra khỏi khu vực lòng hồ. Trong đó, công tác vận động, tuyên truyền để các hộ dân tự nguyện di dời đang được xem là giải pháp tối ưu.
"Đi từ ngõ, gõ từng nhà"
Dự án Hồ chứa nước Krông Pách thượng có quy mô thực hiện giải phóng mặt bằng gần 4.000 ha; phục vụ tái định cư, tái định canh cho hơn 800 hộ dân. Dự án gồm hai công trình: Hồ chứa nước Krông Pách thượng là công trình chính, với dung tích gần 115 triệu m3 và công trình Hồ chứa nước Ea Rớt, với dung tích hơn 18,5 triệu m3.
Đặc biệt, với công trình Hồ chứa nước Krông Pách thượng, để giải phóng mặt bằng thực hiện Dự án buộc phải thu hồi hàng nghìn héc-ta và di dời hàng nghìn nhân khẩu ra khỏi khu vực lòng hồ. Đây là một cuộc di dân rất lớn, rất khó khăn, đòi hỏi công tác vận động, tuyên truyền là yếu tố then chốt, cần nhiều sự nỗ lực bám địa bàn, gần dân và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị liên quan đến Dự án nhằm thay đổi nhận thức của người dân và đồng thuận di dời theo đúng chủ trương của Nhà nước.
Lực lượng hỗ trợ di dời tài sản cho hộ gia đình Vàng Seo Hầu (thôn 10, xã Cư San) sang khu tái định cư số 1. |
Chính vì vậy, mặc dù đang trong thời điểm mùa mưa, đường vào các thôn 9, thôn 10 và thôn 11 (xã Cư San) – thuộc khu vực lòng hồ Krông Pách thượng hết sức lầy lội và gian nan, nhưng các thành viên của Tổ chỉ đạo hỗ trợ di dời, tái định cư Dự án của huyện M’Drắk ngày nào cũng lặn lội vào các thôn, đến từng hộ dân để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các hộ dân và tuyên truyền, vận động họ chấp hành chủ trương của Nhà nước trong việc di dời đến nơi ở mới. Tại đây, các thành viên của Tổ chỉ đạo giải thích rõ chi tiết từng hạng mục, công trình, đơn giá và quy định pháp luật liên quan đến đền bù đối với trường hợp của từng gia đình. Có những hộ gia đình, Tổ chỉ đạo phải kiên trì ngồi giải thích, vận động cả mấy tiếng.
Theo ông Nguyễn Thế Thập, Trưởng Phòng NN-PTNT, Tổ phó Thường trực Tổ chỉ đạo, sáng 4/11, huyện đã đưa lực lượng, phương tiện hỗ trợ tháo dỡ, bốc xếp, vận chuyển tài sản cho hộ Vàng Seo Hầu (thôn 10) sang khu tái định cư số 1. Lực lượng hỗ trợ đã làm việc hết sức để hoàn thành việc di dời cho gia đình hộ Vàng Seo Hầu trong vòng một ngày. Ngoài ra, các thành viên Tổ chỉ đạo cũng đến các hộ gia đình chưa đồng thuận di dời để tuyên truyền, vận động. Các thôn này chủ yếu là đồng bào Mông di cư vào đây sinh sống, nhận thức cũng còn hạn chế nên đòi hỏi Tổ chỉ đạo phải kiên trì vận động và nhất là phải mềm mỏng, khéo léo trong việc giải thích, tuyên truyền để họ hiểu và nghe theo.
Sau khi được giải thích rõ ràng, cụ thể, hộ ông Vàng Seo Vần (thôn 9) cũng đã đồng ý nhận tiền đền bù và đăng ký di dời vào ngày 21/11. Theo ông Vàng Seo Vần, do trước đây chưa hiểu rõ các quy định về công tác đền bù nên gia đình chần chừ chưa đi. Nay được cán bộ tận tình giải thích rõ ràng, đồng thời gia đình cũng sang thăm khu tái định cư số 1 ở xã Cư Êlang (huyện Ea Kar) thấy điều kiện cuộc sống bên đó tốt hơn nên quyết định di dời sang để sớm ổn định cuộc sống.
Cũng với tâm thế sẵn sàng chấp hành di dời đến nơi ở mới, ông Vàng Seo Phế (thôn 9) cho hay, sau khi được cán bộ giải thích, vận động thì gia đình cũng chấp hành chủ trương của Nhà nước và đăng ký di dời vào ngày 10/11 để sớm ổn định cuộc sống nơi khu ở mới. Tuy nhiên, vẫn còn hạng mục công trình vệ sinh hầm tự hoại chưa được hỗ trợ đền bù, gia đình cũng đã kiến nghị và cán bộ làm công tác đền bù cũng đã ghi nhận và hứa sẽ chi trả bổ sung.
Tập trung đẩy nhanh tiến độ di dời
UBND huyện M’Drắk cho biết, tính từ khi thực hiện Dự án đến ngày 3/11, huyện đã di dời được 219 hộ dân (đến khu tái định cư số 1 là 201 hộ/957 khẩu; khu tái định cư số 2 là 7 hộ/41 khẩu; tự đi nơi khác 11 hộ/63 khẩu). Đặc biệt, nhằm đẩy nhanh tiến độ bàn giao mặt bằng Dự án giai đoạn 1 (đối với 64 hộ dân), huyện M’Drắk đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền các hộ dân tự nguyện di dời đến khu tái định cư thuộc Dự án. Qua vận động đã có 48/64 hộ đăng ký tự nguyện di dời về khu tái định cư.
Lực lượng hỗ trợ di dời tài sản cho người dân khu vực lòng hồ Krông Pách thượng (xã Cư San) đến khu tái định cư. |
Hiện huyện đang triển khai kế hoạch tuyên truyền, vận động và cưỡng chế đợt 2 đối với 33 hộ (trong tổng số 64 hộ giai đoạn 1). Tính đến ngày 3/11, có 6 hộ đã nhận tiền và đã di dời về khu tái định cư số 1; có 27 hộ/104 khẩu đã bốc thăm nhận đất tại khu tái định cư số 1 nhưng chưa đi (có 7 hộ đã nhận tiền; có 20 hộ chưa nhận tiền đã thông báo ít nhất 3 lần nhưng chưa nhận và đã gửi vào tài khoản tạm giữ tại Kho bạc Nhà nước theo quy định). Ban cưỡng chế thu hồi đất phối hợp với UBND xã Cư San tuyên truyền, thuyết phục được 11 hộ đồng ý nhận tiền, đăng ký lịch di dời đến khu tái định cư (từ ngày 4 đến ngày 21/11/2022). Trong thời gian tới, Ban thực hiện cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất tiếp tục phối hợp với UBND xã Cư San tuyên truyền vận động 16 hộ dân trong phương án cưỡng chế chấp hành quyết định thu hồi đất.
Phó Chủ tịch UBND huyện M'Drắk Nguyễn Đức Thảo cho biết, việc lên kế hoạch cưỡng chế nhằm đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, bàn giao đất cho chủ đầu tư để thực hiện công trình Hồ chứa nước Krông Pách thượng theo chỉ đạo của UBND tỉnh và Bộ NN-PTNT về việc rà soát công tác giải phóng mặt bằng. Và nhất là bảo đảm an toàn cho tính mạng và tài sản của người dân vùng lòng hồ trong mùa mưa lũ.
Để công tác di dời nhanh chóng, bảo đảm an toàn về tài sản cho các hộ dân, UBND huyện đã yêu cầu lực lượng tham gia chuẩn bị dụng cụ, phương tiện di chuyển, đồ ăn, nước uống khi được Tổ chỉ đạo trưng tập và phân công. Thành viên Tổ chỉ đạo huyện có trách nhiệm chỉ đạo, thường xuyên đôn đốc các đơn vị, địa phương trong việc tháo dỡ, di dời tài sản của các hộ dân về khu tái định cư. Đối với các hộ còn lại, Ban cưỡng chế huyện sẽ tiếp tục vận động thuyết phục tự nguyện, nếu các hộ không di dời sẽ tiến hành cưỡng chế theo quy định của pháp luật.
Dự án Hồ chứa nước Krông Pách thượng sau khi hoàn thành, đưa vào sử dụng sẽ cung cấp nước tưới cho gần 15.000 ha đất nông nghiệp, tạo nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho khoảng 73.000 hộ dân; cắt giảm lũ, phòng, chống úng cho hạ du, tạo cảnh quan du lịch, nuôi trồng thủy sản... cho 4 huyện, gồm: M’Drắk, Krông Bông, Ea Kar và Krông Pắc. |
Minh Thuận
Ý kiến bạn đọc