Multimedia Đọc Báo in

Lãng phí nguồn lực đất đai: Nhìn từ Cụm công nghiệp Cư Kuin (Kỳ 1)

07:59, 29/11/2022

Cụm công nghiệp (CCN) Cư Kuin được thành lập năm 2011 với quy hoạch hạ tầng bài bản đã hứa hẹn tạo ra những triển vọng mới trong thu hút đầu tư. Thế nhưng hơn 10 năm qua, CCN này vẫn chỉ hoạt động cầm chừng, nhiều dự án rơi vào tình trạng “án binh bất động” gây lãng phí nguồn lực đất đai.

 Kỳ 1: Dự án… “ngủ quên”

CNN Cư Kuin hiện có 12 dự án đầu tư, tỷ lệ lấp đầy 100%, nhưng chỉ có duy nhất một dự án đang hoạt động hiệu quả. Một số dự án quanh năm "ngủ quên" phía sau lớp tường rào hoặc chậm tiến độ trường kỳ khiến những "khu đất vàng" đang bị bỏ hoang đầy lãng phí.

11 năm chỉ có một dự án hoạt động hiệu quả

Trong số 6 dự án đã đi vào hoạt động tại CCN Cư Kuin, đến thời điểm hiện tại dự án Nhà máy chế biến cà phê hòa tan do Công ty TNHH Cà phê Ngon làm chủ đầu tư là dự án duy nhất đang duy trì tốt việc sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu hơn 8.000 tấn sản phẩm/năm, đạt doanh thu trên 45 triệu USD và giải quyết việc làm cho khoảng 200 lao động của địa phương. Các dự án còn lại mới đi vào hoạt động nên hiệu quả chưa có, thậm chí còn lộ rõ nhiều bất cập trong việc triển khai thực hiện.

Nhiều dự án tại Cụm công nghiệp Cư Kuin sau nhiều năm vẫn đang loay hoay xây dựng nhà xưởng, chưa đi vào hoạt động.

Đơn cử như Dự án Nhà máy sản xuất phân bón vi sinh do Công ty TNHH Xây dựng Vũ Tiến Đức làm chủ đầu tư hiện đang thuê 4,79 ha đất tại CCN Cư Kuin. Đến nay, dự án đã cơ bản hoàn thành các hạng mục đăng ký đầu tư và theo dự kiến trong năm 2022 sẽ có sản phẩm bán ra thị trường. Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế, mật độ xây dựng của dự án hiện còn quá thấp, chỉ chiếm khoảng 4,11% tổng diện tích dự án, diện tích trồng cây xanh và cây thực nghiệm quá nhiều (chiếm tới 3,44 ha), trong khi UBND tỉnh cho doanh nghiệp thuê đất để thực hiện dự án xây dựng Nhà máy sản xuất phân bón vi sinh. Việc làm này chưa phù hợp với quy hoạch xây dựng CCN và không phù hợp với mục đích sử dụng đất, gây lãng phí đất xây dựng nhà máy của CCN.

Hay như Dự án Xưởng chưng cất dầu FO-R từ cao su do Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Hoài Ân Ban Mê làm chủ đầu tư, dù chỉ mới trong quá trình sản xuất thử nghiệm nhưng đã hai lần vi phạm và bị cơ quan chức năng xử phạt. Nguyên nhân là do dự án này không đảm bảo vệ sinh môi trường, dẫn đến phát sinh đơn tố cáo của nhiều hộ gia đình, cá nhân.

Dự án Nhà máy chế biến nông sản do Công ty TNHH Đăng Phong Tây Nguyên "ngủ yên" sau lớp tường rào.

Quá trình kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đối với dự án này, UBND huyện Cư Kuin đã chỉ ra các sai phạm như: hoạt động thử nghiệm không xin phép cấp có thẩm quyền; chất thải, khí thải phát sinh trong quá trình chưng cất cao su để thu dầu FO-R chưa đảm bảo theo đề án cam kết bảo vệ môi trường; lấn chiếm đất hành lang an toàn giao thông để xả thải... UBND huyện Cư Kuin đã xử phạt vi phạm hành chính đối với dự án này số tiền 35 triệu đồng và buộc nhà đầu tư phải dừng hoạt động. Trước đó, dự án này cũng đã bị Phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh) xử phạt hành chính 7,2 triệu đồng vì có hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải và buộc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường.

“Câu giờ” bằng thủ tục gia hạn

Hơn 10 năm qua, mặc dù tỷ lệ lấp đầy về hạ tầng cơ sở sản xuất, kinh doanh tại CCN Cư Kuin đã đạt 100%, đúng với chủ trương đầu tư, tuy nhiên tiến độ triển khai thực hiện của các nhà đầu tư còn chậm, vẫn còn tình trạng “câu giờ” bằng việc giãn tiến độ, điều chỉnh thời hạn đầu tư.

Dự án Nhà máy chế biến đá granit ốp lát Tấn Phát Đắk Lắk tại Cụm công nghiệp Cư Kuin đến nay vẫn chỉ là bãi đất trống.
 

Để tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư, UBND tỉnh đã có chủ trương cho phép điều chỉnh, giãn tiến độ triển khai thực hiện dự án tại CCN. Tuy nhiên, nếu các nhà đầu tư lợi dụng chính sách ưu đãi của Nhà nước tiếp tục không đưa đất vào sử dụng đúng mục đích, chây ì trong triển khai dự án thì UBND huyện Cư Kuin sẽ đề nghị cấp có thẩm quyền kiên quyết thu hồi”.

 
Chủ tịch UBND huyện Cư Kuin Võ Tấn Huy

Mục sở thị Dự án Nhà máy chế biến đá granit ốp lát Tấn Phát Đắk Lắk do Công ty TNHH Tấn Phát Đắk Lắk làm chủ đầu tư mới thấy rõ được sự lãng phí trong sử dụng nguồn lực đất đai tại CNN Cư Kuin. Dự án được phê duyệt nhu cầu sử dụng đất tại Quyết định chủ trương đầu tư số 2967/QĐ-UBND tỉnh ngày 11/10/2019 với diện tích 4,06 ha. Song, sau nhiều năm, dự án vẫn chỉ là bãi đất trống, các công trình đã “ngủ quên” trên bản kế hoạch, bởi từ khi được bàn giao đất đến nay nhà đầu tư chưa sử dụng đất, chưa đầu tư xây dựng bất kỳ hạng mục nào.

Hay như Dự án Nhà máy sản xuất bao bì giấy carton do Công ty Cổ phần thương mại Hữu Nghị Toàn Cầu làm chủ đầu tư được cho thuê 2 ha đất, dù đã hết hạn đầu tư lần 2 vào ngày 2/2/2021 nhưng nhà máy vẫn… nằm trên giấy. Dự án Nhà máy chế biến nông sản do Công ty TNHH Đăng Phong Tây Nguyên làm chủ đầu tư cũng được cho thuê hơn 2 ha đất trong CCN, sau 3 năm triển khai, dự án vẫn “ngủ yên” sau lớp tường rào dù đã hết hạn đầu tư vào ngày 20/9/2021.

Một trong số dự án được cho thuê diện tích đất “khủng” tại CCN Cư Kuin mà hiệu quả chưa thấy đâu phải kể đến Nhà máy sơ chế và trang trại trồng cây dược liệu Kiến Tây do Công ty Cổ phần Đầu tư Kiến Tây làm chủ đầu tư với tổng diện tích đất thuê là 25 ha, gồm 2 ha xây dựng nhà máy sơ chế dược liệu (trong CCN) và 23 ha trồng dược liệu (ngoài CCN). Dự án đã được gia hạn thêm 12 tháng và hết hạn đầu tư vào ngày 8/9/2022, nhưng hiện vẫn đang trong quá trình xây dựng nhà máy sơ chế dược liệu. Đối với 23 ha đất trồng dược liệu ngoài CCN, hiện trạng cây trồng kém phát triển và không hiệu quả, nhiều năm liền không tạo ra doanh thu.

Theo ông Võ Tấn Huy, Chủ tịch UBND huyện Cư Kuin, thời gian qua, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp và kéo dài gây ảnh hưởng lớn đến quá trình triển khai thực hiện dự án của nhà đầu tư tại CCN. Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn nhiều nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm, năng lực không tương xứng với phê duyệt thẩm định dự án ban đầu, dự án mang tính “bánh vẽ”, hiệu quả không như mong đợi; nhiều đơn vị không triển khai dự án hoặc “câu giờ” chờ thời điểm. Việc kiến nghị xử lý các dự án “treo”, chậm tiến độ trong CNN đến nay vẫn đang là bài toán khó với chính quyền địa phương.

(Còn nữa)

Kỳ 2: Cần "giải phóng" nguồn lực đất đai

Hồng Chuyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.