Multimedia Đọc Báo in

Hàng Tết đã lên kệ

08:15, 16/12/2022

Thị trường hàng Tết đã bắt đầu sôi động. Tại các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ, cửa hàng tạp hóa... thời điểm này, hàng Tết đã được bày bán đa đạng, với nhiều chủng loại.

Nguồn cung dồi dào, mẫu mã đa dạng

Nguồn hàng phục vụ Tết Nguyên đán Quý Mão được Sở Công Thương đánh giá tương đối dồi dào, giúp người tiêu dùng tiếp cận hàng hóa chất lượng, giá hợp lý. Nhiều đơn vị kinh doanh dự báo, nhu cầu sắm Tết sẽ rầm rộ hơn, người dân bắt đầu “mạnh tay” với việc chi tiêu cho mua sắm Tết, sức mua vì thế kỳ vọng sẽ tăng cao.

Tại siêu thị Co.opmart Buôn Ma Thuột, hiện hàng phục vụ Tết đã về nhiều; trong đó tỷ lệ hàng Việt chiếm 95%. Để đáp ứng nhu cầu thị trường, siêu thị triển khai nhiều giải pháp như: tăng nguồn hàng, tăng gấp đôi nhân sự, két tính tiền để bảo đảm cung ứng hàng hóa, vận chuyển và các hoạt động, giao hàng tận nơi cho khách, nhất là dịp cao điểm 15 ngày trước Tết.

Ông Bùi Quang Hòa, Giám đốc siêu thị Co.opmart Buôn Ma Thuột cho biết, hàng hóa ở siêu thị đã sẵn sàng, nguồn hàng dồi dào và đa dạng, chỉ chờ khách đến mua. Các mặt hàng bán ra dịp này tập trung vào thực phẩm chế biến sẵn, hàng thiết yếu, giỏ quà Tết và đẩy mạnh các sản phẩm tươi sống trong giai đoạn cận Tết. Siêu thị đã làm việc với nhà cung cấp để có mức giá tốt nhất cho người tiêu dùng. Năm nay, ngoài thực hiện chương trình bình ổn giá, siêu thị có nhiều chương trình ưu đãi đang được áp dụng liên tục từ nay đến Tết để kích cầu sức mua như:  “mua 1 tặng 1”, giảm giá lên đến 49%...

Nhiều mặt hàng Tết đã lên kệ tại siêu thị Co.opmart Buôn Ma Thuột.

Tại chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột, không khí mua sắm Tết cũng bắt đầu sôi động. Nhộn nhịp sớm nhất là ngành hàng may mặc, giày dép. Các gian hàng bày bán bánh, kẹo, mứt cũng thu hút nhiều khách đến tìm hiểu, mua sắm. Chị Nguyễn Thị Mai, tiểu thương quầy bánh kẹo chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột cho hay, từ đầu tháng 12, quầy hàng của chị đã lên kệ nhiều loại kẹo, mứt, bánh hộp với bao bì xuân bắt mắt để bán. Chị chỉ dự trữ lượng hàng vừa phải, hàng hết tới đâu thì nhập thêm về bán tới đó. Sức mua thời điểm này đã bắt đầu tăng nhẹ.

Tập trung chống hàng giả, hàng lậu

 

“Thay vì chọn điểm bán là tại các trung tâm xã, huyện, năm nay, đơn vị sẽ chú trọng tổ chức đưa hàng đến tận các buôn làng, đi sâu vào các xã vùng xa của tỉnh để người dân tiếp cận gần hơn với các sản phẩm hàng Việt uy tín, chất lượng phục vụ Tết" - Ông Bùi Quang Hòa, Giám đốc siêu thị Co.opmart Buôn Ma Thuột.

Vào mùa cao điểm sắm Tết, cũng là lúc hàng giả, hàng nhái càng có cơ hội len lỏi vào thị trường. Cùng với nhu cầu mua sắm tăng cao và sự đa dạng về chủng loại hàng hóa, vấn nạn hàng giả, hàng kém chất lượng trở thành nỗi lo thường trực của không ít người tiêu dùng. 

Trao đổi về vấn đề này, ông Mai Mạnh Toàn, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Đắk Lắk cho biết, Cục đã và đang tập trung lực lượng ngăn chặn hàng hóa vi phạm vào thị trường, bảo vệ người tiêu dùng địa phương mua sắm Tết. Công tác kiểm soát thị trường được đơn vị triển khai thực hiện ở cả môi trường thương mại truyền thống và thương mại điện tử.

Theo đó, Cục đã sớm xây dựng kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2023. Các đội nghiệp vụ thuộc Cục tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về thương mại; chú trọng kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân lợi dụng nhu cầu tiêu dùng tăng cao vào dịp Tết để tăng giá bất hợp lý, gây bất ổn thị trường. Đồng thời, tăng cường thông tin tuyên truyền đến cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong hoạt động kinh doanh và văn hóa tiêu dùng...

Thực tế, cứ dịp Tết đến, đáng lo ngại vẫn là nguy cơ tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc sẽ đi về tiêu thụ tại các vùng nông thôn, vùng xa của tỉnh. Cùng với nỗ lực của cơ quan chức năng, để phục vụ người dân mua sắm hàng hóa bảo đảm chất lượng, siêu thị Co.opmart Buôn Ma Thuột sẽ tổ chức đưa hàng Việt về bán ở các vùng nông thôn trong tỉnh.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.