Multimedia Đọc Báo in

Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành nông nghiệp đạt 3,36%

14:46, 13/01/2023

Sáng 13/1, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ 2023. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến tham dự và chủ trì hội nghị.

Tại điểm cầu Đắk Lắk, tham dự có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Cảnh và Giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Hoài Dương, cùng các sở, ngành, đơn vị liên quan.

ảnh
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị Ảnh: nongnghiep.vn

Năm 2022, ngành nông nghiệp cả nước triển khai thực hiện kế hoạch trong điều kiện có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Tuy nhiên, được sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, nông nghiệp tiếp tục khẳng định là bệ đỡ của nền kinh tế, phấn đấu vươn lên phát triển bền vững, tham gia sâu vào hội nhập kinh tế toàn cầu, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống.
Đồng thời, tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt để tạo không gian, khơi thông các nguồn lực phát triển…, với các giải pháp đồng bộ để hoàn thành hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu phát triển ngành.
Cụ thể: Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 3,36% (Chính phủ giao 2,5 - 2,8%); tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 53,22 tỷ USD (Chính phủ giao 50 tỷ USD); có 73,06% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (Chính phủ giao 73%) và 255 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (Chính phủ giao 235 đơn vị); tỷ lệ che phủ rừng đạt 42,02%, từng bước nâng cao chất lượng rừng…

ảnh
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu của tỉnh Đắk Lắk.

Tổ chức liên kết chuỗi sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp tiếp tục được đổi mới phù hợp với thị trường, sản xuất hàng hóa lớn; tổ chức nhiều hội chợ, hội nghị xúc tiến, xây dựng 2.510 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn kiểm soát (tăng 866 chuỗi so với năm 2021); nhiều mô hình liên kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp, hợp tác xã theo chuỗi được triển khai nhân rộng. Năm 2022, thành lập mới 980 HTX nông nghiệp, nâng tổng số lên 21.100 HTX và 91 Liên hiệp HTX nông nghiệp (tăng 12 Liên hiệp HTX nông nghiệp); thành lập mới 821 doanh nghiệp, nâng tổng số lên gần 15.000 doanh nghiệp nông nghiệp.

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tập trung thực hiện kết hợp tài nguyên bản địa, văn hóa truyền thống với ứng dụng khoa học công nghệ tạo sản phẩm đa dạng, phong phú, chất lượng, mẫu mã bao bì đẹp, truy xuất nguồn gốc. Lũy kế đến hết năm 2022, cả nước có 8.689 sản phẩm OCOP, tăng gần 3.700 sản phẩm so với năm 2021.

Năm 2023, Ngành NN-PTNT cả nước phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu cơ bản: tốc độ tăng trưởng GDP ngành khoảng 3%; kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 54 tỷ USD; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới trên 78%; 270 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; tỷ lệ số xã đạt tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm 80%; tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch hợp quy chuẩn 57%; tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42,02%; thành lập mới 1.500 HTX nông nghiệp…

ảnh
Hoạt động sơ chế sầu riêng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đánh giá cao những nỗ lực vượt khó của ngành nông nghiệp cả nước để đạt được những kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực, đặc biệt là góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Bước sang năm 2023, dự báo nền kinh tế toàn cầu cũng như trong nước sẽ gặp nhiều khó khăn, do đó, ngành nông nghiệp phải cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Đồng thời, tập trung vào các giải pháp về đẩy mạnh xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản; quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu phù hợp với sự phát triển và đáp ứng nhu cầu quốc tế; ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số vào sản xuất nông nghiệp theo hướng phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; gắn phát triển nông nghiệp với phát triển văn hóa-du lịch; đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường và chuỗi cung ứng, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng nông sản toàn cầu; nhân rộng các mô hình hay, cách làm mới…

Thủ tướng mong muốn ngành nông nghiệp tiếp tục nỗ lực vượt khó để phát triển bền vững, khẳng định được vai trò trụ cột của nền kinh tế cả nước.

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.