Multimedia Đọc Báo in

Cuộc thi pha chế cà phê đặc sản Việt Nam 2023: Lan tỏa giá trị cà phê Việt

09:30, 19/02/2023

Được xem là điểm nhấn của Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023, Cuộc thi pha chế cà phê đặc sản Việt Nam 2023 không chỉ mang lại cho du khách những ly cà phê được pha chế thủ công chuyên nghiệp mà còn là dịp được lắng nghe các barista (người pha chế) chia sẻ những câu chuyện thú vị về hạt cà phê Việt Nam.

Người kể chuyện về hạt cà phê

Hiện nay, cà phê đặc sản Việt Nam, nhất là fine Robusta (cà phê Robusta đặc sản) đã được thế giới biết đến và công nhận. Đặc biệt là fine Robusta của Việt Nam (xuất xứ ở Đắk Lắk) đã đạt top 5 cuộc thi barista thế giới diễn ra tại Australia năm 2022 và đến tháng 1/2023, sản phẩm này tiếp tục được lựa chọn tham dự cuộc thi vua pha chế cà phê ở Hoa Kỳ. Tuy nhiên, không phải người tiêu dùng nào cũng hiểu hết về cà phê đặc sản, mà hầu hết đều hiểu đơn thuần đây là loại cà phê được chấm đạt từ 80/100 điểm trở theo thang điểm quốc tế, với chất lượng tuyệt hảo…

Các barista pha phin đòi hỏi kỹ thuật, thao tác cao hơn pha máy để tạo sự đồng đều trong các ly cà phê.

Theo những người làm cà phê đặc sản chuyên nghiệp thì hạt Arabia, Robusta đặc sản của Việt Nam đều rất tuyệt vời, tràn ngập mùi hương của hoa quả nhiệt đới như mùi hạt dẻ, mùi ổi chín, mít chín…, thậm chí có cả mùi thịt bò nướng. Nhưng đó là những hương vị hoàn toàn tự nhiên của hạt cà phê được tạo thành trong quá trình chế biến, không tẩm ướp hương liệu. Và người tiêu dùng mê đắm bởi những hương vị này, cuốn họ ra khỏi những định kiến về vị đắng của cà phê vốn đã định vị trong tâm thức khi nhắc đến cà phê.

Vậy làm cách nào để những hương vị hảo hạng nhất thế giới được lan rộng và đón nhận trong cộng đồng? Ai sẽ là người kết nối sản phẩm cuối cùng của hạt cà phê - ly cà phê đến với người tiêu dùng? Đó chính là đội ngũ barista, bởi người tiêu dùng cần một người dẫn dắt, người có thể cho họ biết rằng cà phê đặc sản là loại cà phê tuyệt vời thế nào. Và barista là những mắt xích quan trọng nhất trong việc kết nối người tiêu dùng với câu chuyện về hạt cà phê để làm lan tỏa giá trị cà phê Việt Nam đến cộng đồng.

Theo đánh giá của Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, khi làn sóng thứ ba của thế giới cà phê (cà phê đặc sản) xuất hiện, barista không chỉ đơn giản là người pha chế, họ còn là những người truyền tải câu chuyện về hạt cà phê. Họ cung cấp những thông tin về loại hạt cà phê mà khách hàng đang uống, đó là về vùng đất trồng, về những người nông dân đã chăm sóc, thu hái, sơ chế những hạt đó thế nào và người thợ rang đã phải làm những gì để bung tỏa, tôn vinh hương vị của hạt cà phê… Sau cùng, chính những barista sẽ pha chế những hạt cà phê đó và giới thiệu cho khách hàng về những hương vị có trong ly cà phê mà họ sắp uống.

Để pha phin đạt tiêu chuẩn ở tất cả các ly, barista phải chuẩn từng thao tác.

Anh Đinh Khánh Sung (barista ở TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ, barista là người cuối cùng trong chuỗi mang ly cà phê đến với khách hàng để kể câu chuyện về người làm cà phê đã phải làm những gì trong mùa vụ cà phê để người thưởng thức hiểu hơn nguồn gốc xuất xứ cũng như công đoạn làm nên hạt cà phê có chất lượng tuyệt hảo. Điều này cũng sẽ giúp người tiêu dùng nghĩ khác về hạt cà phê và cà phê sẽ có giá trị hơn nhiều so với trước đây. Đó là sự kết nối giữa barista với người tiêu dùng.

Tôn vinh đội ngũ barista

 

Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột cho biết, đến thời điểm này, cuộc thi đã quy tụ 33 thí sinh từ 9 tỉnh thành trong cả nước, trong đó có 24 thí sinh đăng ký nội dung pha phin truyền thống, 27 thí sinh đăng ký dự thi pha Pour V60 (có thí sinh đăng ký dự thi hai nội dung). Ngoài các nội dung thi, còn có một số hoạt động workshop, trưng bày máy pha cà phê và dụng cụ pha chế cà phê, phục vụ cà phê đặc sản và thức uống sáng tạo, dõi theo cuộc thi trên màn hình rộng sẽ là không gian thú vị kết nối, giao lưu, tìm hiểu, trải nghiệm.

Cuộc thi pha chế cà phê đặc sản Việt Nam 2023 - Viet Nam amazing brewing master 2023 lần đầu tiên được tổ chức với quy mô cấp quốc gia dành cho các nghệ nhân pha cà phê chuyên nghiệp. Cuộc thi được xem là điểm nhấn của Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8, góp phần hiện thực mục tiêu: “Buôn Ma Thuột - điểm đến của cà phê thế giới”.

Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột cho biết, đây là cuộc thi cà phê mang tính chuyên nghiệp cao theo định dạng của thế giới. Cuộc thi nhằm phát hiện, tôn vinh, quảng bá hình ảnh các tài năng xuất sắc trong pha chế cà phê; tạo động lực cho người pha chế cà phê không ngừng luyện tập, nâng cao kỹ năng và sự sáng tạo; nâng cao vai trò của pha chế tạo ra thức uống cà phê hảo hạng đáp ứng nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao của người tiêu dùng.

Cuộc thi còn là nơi hội tụ những người yêu thích, nhiệt tình, tâm huyết với cà phê chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, tạo ra không gian kết nối có sức thu hút đối với cộng đồng cà phê. Đồng thời giới thiệu, quảng bá, phát triển ngành cà phê đặc sản Việt Nam, văn hóa cà phê Việt Nam, góp phần tăng tiêu dùng nội địa và giá trị của ngành cà phê Việt Nam.

Ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột cho hay, điểm khác biệt của cuộc thi này so với các cuộc thi quốc tế là thí sinh không chỉ sử dụng nguyên liệu cà phê đặc sản Arabica mà còn có Robusta. Cuộc thi không sử dụng phương pháp pha máy mà thí sinh chỉ thực hiện phương pháp pha cà phê thủ công mang đặc trưng văn hóa thưởng thức cà phê của Việt Nam “phin truyền thống” và của Nhật Bản “Pour V60” trên nền nguyên liệu cà phê Việt Nam.

Các barista thuyết minh (kể chuyện) về hạt cà phê mình đang sử dụng.

Thách thức đối với thí sinh là phải nắm bắt được gu của người tiêu dùng, khi họ thưởng cà phê Robusta thì họ muốn thưởng thức như thế nào để đưa vào công thức pha thích hợp. Bên cạnh đó, khi thực hành pha thủ công đòi hỏi trình độ các barista cao hơn về thao tác, phải pha làm sao cho các phin có chất lượng đồng đều.

Cuộc thi này kỳ vọng sẽ giúp thu hút được du khách nước ngoài đến với văn hóa thưởng thức cà phê của người Việt vì đây là điều mới lạ và họ sẽ có nhu cầu khám phá, tìm hiểu. Cuộc thi cũng sẽ giúp đánh giá được trình độ pha chế thủ công, nhất là hai phương pháp pha phin và Pour V60 của lực lượng pha chế của Việt Nam như thế nào. Qua cuộc thi sẽ hoàn thiện được quy trình pha chế cà phê pha phin để ngày càng trở thành chuẩn mực chung trong đánh giá cà phê pha phin Việt Nam.

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.