Multimedia Đọc Báo in

Bước tiến trong hội nhập kinh tế quốc tế

06:49, 19/02/2023

Trong những năm qua, dù còn nhiều khó khăn, nhất là độ mở của nền kinh tế chưa lớn, nhưng tỉnh Đắk Lắk luôn xác định cần phải đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, phù hợp với xu thế chung của đất nước.

Theo đó, một trong những vấn đề quan trọng nhất đó là tỉnh đã tập trung đề ra những chính sách phù hợp nhằm kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước đến làm ăn. Cùng với việc thực hiện các hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế và quảng bá ở nước ngoài cũng như tăng cường vận động, kêu gọi viện trợ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, các tổ chức quốc tế và kết nối với các địa phương, tổ chức nước ngoài để triển khai có hiệu quả nội dung các bản ghi nhớ, thỏa thuận đã ký kết, UBND tỉnh cũng chỉ đạo các sở, ban ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục rà soát, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung những quy định có liên quan đến môi trường đầu tư và sản xuất, kinh doanh.

Những gam màu sáng

Với những nỗ lực trên, chỉ tính trong năm 2022, Đắk Lắk đã tiếp nhận 27 khoản viện trợ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài, với tổng trị giá cam kết 4,11 triệu USD, vượt mục tiêu đề ra. Hiện nay, tỉnh đang triển khai 39 khoản viện trợ với tổng trị giá các dự án hơn 5,7 triệu USD. Các khoản viện trợ thực hiện theo đúng quy định của pháp luật đem lại hiệu quả về kinh tế - xã hội, góp phần bảo đảm an sinh xã hội cho địa phương. Tỉnh cũng đang triển khai 9 dự án ODA với tổng vốn 2.879 tỷ đồng và đôn đốc chủ đầu tư các chương trình, dự án ODA tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân các nguồn vốn.

Bằng việc tổ chức nhiều sự kiện liên quan đến mở rộng hợp tác và kêu gọi đầu tư, truyền tải nhiều thông tin quan trọng về quy hoạch dự án, cơ chế, chính sách, tỉnh đã thu hút được nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu thông tin và đăng ký đầu tư tại địa phương. Trong năm 2022, có 150 lượt nhà đầu tư đến tìm hiểu môi trường và cơ hội đầu tư tại tỉnh, trong đó có những nhà đầu tư nhiều tiềm năng như: Tập đoàn Sun Group, Tập đoàn Viettel, Tập đoàn Xuân Thiện, Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T… Đến nay, tỉnh đã tiếp nhận 157 hồ sơ dự án thực hiện thủ tục đầu tư. Trong đó, UBND tỉnh đã ra quyết định chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận, phê duyệt kết quả trúng đấu giá cho 10 dự án đầu tư với tổng số vốn đầu tư 11.198 tỷ đồng. Tỉnh cũng điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư 34 dự án với số vốn đầu tư tăng thêm 3.876 tỷ đồng. Lũy kế đến nay, tổng số dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên địa bàn tỉnh là 21 dự án với tổng vốn đăng ký trên 610 triệu USD. 

Cùng với thu hút đầu tư, với lợi thế là có nhiều mặt hàng nông sản có giá trị nên hoạt động xuất khẩu của tỉnh ngày càng khởi sắc với kim ngạch hiện đã đạt tới trên 1.500 triệu USD. Xuất khẩu tăng cao đã cho thấy những tín hiệu tích cực của việc triển khai thực hiện các chính sách, các gói hỗ trợ và tăng cường cung cấp thông tin xuất khẩu, hỗ trợ, kết nối các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trong nước với các sàn thương mại điện tử, thị trường nước ngoài nhằm giới thiệu, quảng bá và xúc tiến xuất khẩu cho những nhóm hàng hóa có lợi thế cạnh tranh.

Điểm qua một số công việc, kết quả về lĩnh vực thu hút đầu tư, xuất khẩu để phần nào thấy được những nỗ lực của tỉnh trong việc quảng bá tiềm năng, thế mạnh của Đắk Lắk, mở rộng liên kết trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế cùng với đất nước.

Đại diện lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Jeollabuk (Hàn Quốc) ký kết thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2023 - 2027. Ảnh: Hồng Thúy

Để nâng sức cạnh tranh

Tuy nhiên, làm thế nào để hội nhập kinh tế quốc tế có hiệu quả, bảo đảm được lợi ích, nâng cao được sức cạnh tranh của nền kinh tế, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong quá trình hội nhập, đối với Đắk Lắk hiện tại vẫn đang đối diện nhiều thách thức cả về nhân lực và trí lực, nhất là về tư duy kinh tế hội nhập. Vì vậy, bước vào năm 2023, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục tăng cường kết nối hiệu quả với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để tìm kiếm các cơ hội tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại ra nước ngoài; chú trọng thúc đẩy hợp tác kinh tế, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, giáo dục, đào tạo…; tăng cường thu hút viện trợ phi chính phủ nước ngoài. 

Tỉnh tiếp tục phát huy kết quả hợp tác với các nước trong khu vực tam giác phát triển Việt Nam – Lào – Campuchia và hợp tác giữa địa phương với các quốc gia Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc… Các ngành trong tỉnh tăng cường kết nối với đối tác nước ngoài, đưa các thỏa thuận hợp tác đã ký trở nên thực chất và hiệu quả hơn, góp phần thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Các hoạt động xúc tiến đầu tư tiếp tục được đổi mới và đẩy mạnh, với việc tăng cường tuyên truyền, quảng bá tiềm năng, cơ hội đầu tư, các lợi thế của tỉnh, danh mục các dự án mời gọi đầu tư.

Các ngành, doanh nghiệp trong tỉnh được khuyến khích tiếp cận trực tiếp với các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính, công nghệ tiên tiến trong và ngoài nước để mời gọi đầu tư vào tỉnh. Tỉnh tiếp tục thực hiện tốt các cơ chế, chính sách để tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế đầu tư vốn, thu hút đầu tư hiệu quả. Đội ngũ cán bộ, công chức sẽ được trang bị thêm những kiến thức chuyên sâu về hội nhập kinh tế quốc tế để tỉnh có được nguồn nhân lực, trí lực trong quá trình hoạch định, thực hiện những chính sách phát triển kinh tế - xã hội theo hướng thiết thực, hiệu quả hơn, phù hợp với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước đang ngày càng rộng mở, đa dạng.

Tường Mạnh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.