Dư vị Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8
Sau 5 ngày diễn ra, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 đã chính thức khép lại trong đêm 14/3. Một kỳ lễ hội đi qua một cách an toàn, thành công với nhiều dư vị ấn tượng, cảm xúc trong lòng người dân và du khách.
Theo đánh giá của Ban tổ chức, Lễ hội đã để lại ấn tượng sâu sắc đối với công chúng, với nhiều nội dung được đổi mới, sáng tạo. Lễ khai mạc với chủ đề “Buôn Ma Thuột - Điểm đến của cà phê thế giới” đã truyền tải được 5 thông điệp: kế thừa; điểm đến; hội nhập; sự lan tỏa và tính quốc tế với khát vọng nâng tầm vị thế của Cà phê Buôn Ma Thuột; giới thiệu văn hóa Cà phê Buôn Ma Thuột đến bạn bè quốc tế.
Những tiết mục sân khấu hóa “Thành phố cà phê – Nơi khởi nguồn sáng tạo” đã tạo nên một đêm bế mạc Lễ hội cà phê rực rỡ. Ảnh: Nguyễn Gia |
Hội nghị kết nối giao thương quốc tế năm 2023 có sự tham dự của hơn 464 đại biểu, trong đó có 86 đại biểu của các tổ chức quốc tế là đại sứ quán, lãnh sự quán các nước tại Việt Nam như: Armenia, Ma Rốc, Mông Cổ, Ả-Rập Xê-Út, Kazakhstan... Bên cạnh đó, hội nghị còn có hoạt động trưng bày, giới thiệu sản phẩm của 30 gian hàng các doanh nghiệp nhằm quảng bá về tiềm năng thế mạnh, cơ hội đầu tư vào sản xuất, sơ chế, chế biến và tiêu thụ cà phê của tỉnh Đắk Lắk. Kết thúc hội nghị đã có 10 cặp biên bản, ghi nhớ hợp tác đã được ký kết giữa các doanh nghiệp xuất khẩu và các nhà nhập khẩu đến từ các nước Trung Quốc, Hàn Quốc với doanh nghiệp Việt Nam.
Một nội dung quan trọng tại lễ hội lần này là Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê có sự tham gia của 162 đơn vị, với quy mô 400 gian hàng, trong đó có 32 gian hàng của 6 doanh nghiệp nước ngoài. Đây là điểm hẹn giao thương đầu năm 2023, quy tụ nhiều thương hiệu nổi tiếng hàng đầu trong lĩnh vực cà phê và thiết bị vật tư phụ trợ nông nghiệp, công ty phân bón, doanh nghiệp thiết bị phục vụ trồng, sản xuất cà phê... Không chỉ dừng lại ở đó, tại đây các doanh nghiệp có cơ hội học hỏi, giao lưu và chia sẻ về những vấn đề trong ngành cà phê, được kết nối trực tiếp với khách hàng, cùng các nhà đầu tư đến từ trong và ngoài nước. Sự kiện này thu hút 128.000 lượt khách đến tham quan, mua sắm (bình quân 32.000 lượt khách/ngày).
Lễ hội đường phố, một trong những hoạt động chính tại Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023. Ảnh: Vạn Tiếp |
Nhiều hoạt động quảng bá, tôn vinh như: Lễ hội đường phố; Triển lãm ảnh nghệ thuật chủ đề “Văn hóa cà phê Việt Nam” và “Lịch sử cà phê thế giới” đã trưng bày 76 tác phẩm đẹp nhất, ấn tượng nhất về cà phê được lựa chọn từ 1.117 tác phẩm dự thi, qua đó giúp mọi người hiểu hơn về lịch sử phát triển của cà phê. Đặc biệt, nếu ở Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 năm 2019 tạo dấu ấn lịch sử cho ngành cà phê Việt Nam qua Hội thảo "Phát triển cà phê đặc sản Việt Nam" và Cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức ở quy mô quốc gia, thì đến lễ hội lần này, du khách có hẳn một không gian trải nghiệm cà phê đặc sản Việt Nam đã được vinh danh là cà phê Robusta đặc sản ngon nhất thế giới thông qua các hoạt động như: “Simexco Coffee Tour”; Cuộc thi pha chế cà phê đặc sản Việt Nam 2023 cùng với các workshop vô cùng thú vị về cà phê Việt Nam nhằm lan tỏa văn hóa cà phê Việt cũng như giá trị nguyên bản của thức uống cà phê trong tiêu dùng.
Các hoạt động: Hội thi Nhà nông đua tài với chủ đề "Canh tác cà phê thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu" với sự tham gia của 8 tỉnh, thành phố chứng tỏ được sự lan tỏa của Lễ hội đến với các tỉnh bạn. Bên cạnh đó, Hội đua thuyền độc mộc trên Hồ Lắk; Hội Voi Buôn Đôn; trình diễn vở ca kịch “Khát vọng Dam Săn”; Lễ hội ánh sáng; các tour du lịch trải nghiệm; Triển lãm trưng bày - Hội thi Sinh vật cảnh... vừa mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống, vừa mang tính hiện đại, đem lại sự phong phú, đa dạng của lễ hội, xứng tầm là Lễ hội quốc gia.
Khách hàng tham quan, mua sắm tại Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê năm 2023. |
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 đánh giá, Lễ hội đã thành công tốt đẹp, tôn vinh người trồng cà phê, đồng thời mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống Tây Nguyên và truyền tải được khát vọng, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk, với mong muốn xây dựng và phát triển TP. Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên theo tinh thần Kết luận số 67-KL/TW, ngày 16/12/2019 và Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị. Thành công của Lễ hội sẽ là nguồn động lực mạnh mẽ tiếp tục tôn vinh sản phẩm cà phê Việt Nam, đặc biệt là thương hiệu và chỉ dẫn địa lý Cà phê Buôn Ma Thuột trên trường quốc tế; quảng bá phát triển cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản, với khát vọng đưa Buôn Ma Thuột trở thành “Điểm đến của cà phê thế giới”, “Thành phố cà phê thế giới”; quảng bá tiềm năng, thế mạnh để xúc tiến thương mại và đầu tư; lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống và là cơ hội để tăng cường tình đoàn kết hữu nghị hợp tác giữa tỉnh Đắk Lắk với các địa phương của các nước anh em, các tổ chức quốc tế.
Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, lễ hội lần này có 90.000 lượt khách, trong đó, khách quốc tế 600 lượt. Đây là con số vượt xa tính toán trước đó của ngành du lịch, nhờ sự tham gia của các địa phương với nhiều hoạt động văn hóa, lễ hội hấp dẫn, đặc sắc bên cạnh 18 hoạt động chính. |
Minh Thuận – Lê Lan – Minh Chi
Ý kiến bạn đọc