Multimedia Đọc Báo in

Khởi công dự án nhà máy chế biến trái cây xuất khẩu Chánh Thu Đắk Lắk

12:49, 10/03/2023

Sáng 10/3, Công ty Cổ phần Tập đoàn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu đã tổ chức lễ khởi công dự án Nhà máy chế biến trái cây xuất khẩu Chánh Thu Đắk Lắk tại thôn Nam Kỳ, xã Ea Drơng, huyện Cư M'gar

Tham dự buổi lễ có Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Trung; Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương.

Về phía tỉnh Đắk Lắk có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Minh Tấn; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Phú Hùng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà, đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

th
Đại biểu tham dự tại buổi lễ.

Phát biểu tại lễ khai mạc, bà Ngô Tường Vy, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu cho biết, Dự án Nhà máy chế biến trái cây xuất khẩu Chánh Thu Đắk Lắk có công suất 70.000 tấn nguyên liệu/năm với tổng vốn đầu tư hơn 467 tỷ đồng, dự kiến thi công trong 18 tháng.

th
Bà Ngô Tường Vy, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu phát biểu khai mạc.

Dự án tập trung vào 4 mục tiêu chính: thu mua, đóng gói các loại trái cây tươi xuất khẩu như sầu riêng, chanh dây, khoai lang, bơ, … xuất khẩu sang các thị trường như Trung Quốc, Nhật Bản, EU… Sản xuất chế biến các loại trái cây đông lạnh theo công nghệ tiên tiến nhất đáp ứng nhu cầu của các thị trường như Mỹ, Canada, EU, Nhật Bản, Trung Quốc với mục tiêu cung cấp ổn định về chất lượng và số lượng cho các hệ thống siêu thị lớn bằng chính thương hiệu “Chanh Thu Fruits – Made in Viet Nam”.

Nghiên cứu và phát triển các sản phẩm chế biến sâu nhằm tối đa giá trị và đa dạng sản phẩm để tạo ra lợi thế cạnh tranh với các sản phẩm nông nghiệp chế biến công nghệ cao. Xây dựng chuỗi liên kết bền vững với các hợp tác xã và nông dân với phương châm cùng đầu tư và phát triển bền vững.

th
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà phát biểu tại lễ khởi công.

Phát biểu tại lễ khởi công, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà khẳng định Dự án Nhà máy chế biến trái cây xuất khẩu Chánh Thu Đắk Lắk có vai trò quan trọng, góp phần nâng cao giá trị và thương hiệu của nông sản Việt Nam khi xuất khẩu đi các quốc gia khác trên thế giới. Dự án đi vào hoạt động sẽ tác động lớn đến quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế, xã hội tại huyện Cư M’gar nói riêng, tỉnh Đắk Lắk nói chung.

th
Đại biểu nhấn nút khởi công dự án.

Để dự án hoàn thành và sớm phát huy hiệu quả, UBND tỉnh yêu cầu chủ đầu tư phát huy tinh thần trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương liên quan khẩn trương triển khai thi công dự án; chấp hành nghiêm các quy định hiện hành về quản lý đầu tư xây dựng, đảm bảo công trình hoàn thành đúng tiến độ, đáp ứng yêu cầu cao về kỹ thuật, chất lượng.

Các sở, ngành, UBND huyện Cư M’gar chủ động, tích cực phối hợp với chủ đầu tư trong quá trình triển khai dự án, thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước, kiểm tra, giám sát chặt chẽ bảo đảm dự án triển khai hiệu quả, chất lượng.

th
Lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk tặng hoa chúc mừng Công ty Cổ phần Tập đoàn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu.

Tại buổi lễ, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Trung đề nghị Công ty Cổ phần Tập đoàn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh của mình, tập trung hoàn thiện dự án sớm đi vào hoạt động. Đồng thời, chủ động phối hợp với chính quyền địa phương tận dụng ưu thế về khoa học công nghệ, nhân lực, vật lực để chuyển đổi mạnh mẽ từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, tạo dựng hệ sinh thái nông nghiệp có các doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân gắn kết, xây dựng chuỗi ngành hàng nông sản, mở ra một tương lai không xa để trái cây của Đắk Lắk sẽ vươn xa ra thị trường quốc tế.

Hồng Chuyên

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.