Multimedia Đọc Báo in

Nuôi heo trên công nghệ chuồng sàn

08:26, 14/04/2023

Để hạn chế tình trạng nhiễm bệnh ở heo cũng như giảm công chăm sóc, tắm rửa cho heo hằng ngày, anh Lê Trung Hiếu (thôn An Phú, xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn) đã nghiên cứu tạo ra chuồng sàn là các tấm đan bê tông.

Anh Hiếu tốt nghiệp chuyên ngành kỹ sư xây dựng; thay vì làm đúng chuyên ngành mình đã học, anh đã trở về quê hương tìm tòi và nghiên cứu tạo ra những tấm đan bê tông để phục vụ việc nuôi heo.

Anh Hiếu chia sẻ: “Trước đây, chuồng được xây chủ yếu là nền bê tông đặc nên phân và nước tiểu heo thải ra sẽ ứ đọng trên nền chuồng, mùi hôi thối bốc lên khó chịu. Để khử mùi, trại phải bơm nước xịt rửa chuồng và tắm cho heo mỗi ngày ít nhất từ 1 - 2 lần. Sau một thời gian nghiên cứu và tìm hiểu, tôi tạo ra tấm đan bê tông để lót chuồng heo, giảm công xịt rửa hằng ngày và hạn chế tình trạng heo bị bệnh do môi trường không đảm bảo”.

Anh Lê Trung Hiếu giới thiệu về tấm đan bê tông.

Nuôi heo bằng chuồng sàn sẽ tiết kiệm một lượng nước tắm cho heo hằng ngày, từ đó chất thải của heo cũng sẽ có một độ khô nhất định, rất dễ thu gom. Anh Hiếu cho biết, cơ chế hoạt động của chuồng sàn như sau: Những tấm đan bê tông sẽ được đặt cách mặt bê tông (mặt chuồng) từ 50 - 80 cm tạo bể chứa chất thải. Chất thải của heo sẽ rơi xuống mặt chuồng qua những khe hở của tấm đan bê tông. Phần lỏng ở dưới sàn chuồng sẽ nhanh chóng hình thành lớp váng trên bề mặt, để không cho mùi hôi và khí độc bốc lên. Sau một thời gian hầm chứa chất thải đầy sẽ được cào, thu dọn làm các loại phân sinh học.

Với cơ chế hoạt động như vậy sẽ đảm bảo tình trạng chuồng heo luôn khô ráo, thoáng, không bị hôi bởi đọng chất thải. Đặc biệt, trong trường hợp heo mẹ đẻ con sẽ không có tình trạng phân dính trên vú, hạn chế đau bụng ở heo con.

Hiện nay, tấm đan bê tông mà anh Hiếu đang sản xuất có khối lượng từ 55 - 85 kg, với độ dài 1,5 m, rộng 0,6 m và dày 7 cm. Tấm đan được làm từ bê tông, thép tạo nên độ vững chắc, an toàn trong nuôi heo.

Một chuồng heo đang được anh Hiếu cùng các cộng sự lắp đặt. Ảnh: Khởi Nghiệp TV

Anh Hiếu cho biết, những tấm đan bê tông đầu tiên anh tạo ra không nhận được đánh giá tích cực từ mọi người, hầu hết người chăn nuôi còn khá e dè khi phải tốn thêm tiền để đầu tư vào chuồng heo. Sau nhiều thời gian cải tiến những tấm đan bê tông, người nuôi heo sử dụng và thấy hiệu quả đã thay đổi tư duy làm chuồng. Trong một năm qua, anh Hiếu đã sản xuất và bán 30.000 tấm đan bê tông, nhận được nhiều phản hồi tích cực từ khách hàng. Thời gian tới, anh sẽ tiếp tục tìm tòi và nghiên cứu tạo ra những sản phẩm mới, chất lượng giúp người nuôi heo thực sự tối ưu thời gian, tiền bạc và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Hiện nay, anh Lê Trung Hiếu đang là Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Khởi Nghiệp TV. Công ty của anh Hiếu cũng đã nghiên cứu và cho ra đời các sản phẩm giúp việc nuôi heo trở nên dễ dàng hơn, như: Vách heo hậu bị (chuồng nuôi heo bầu), chuồng heo nái đẻ... Anh cũng đang sở hữu kênh Youtube Khởi Nghiệp TV, có 103 nghìn lượt đăng ký theo dõi kênh. Kênh Khởi Nghiệp TV chủ yếu chia sẻ những kiến thức trong chăn nuôi, nông nghiệp đến mọi người.

Đinh Hằng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.