Multimedia Đọc Báo in

Buôn Ma Thuột hướng đến không gian đô thị mới

08:33, 14/05/2023

TP. Buôn Ma Thuột, trong điều kiện áp dụng cơ chế đặc thù để phát triển và những nhận định từ quy hoạch tỉnh Đắk Lắk tầm nhìn đến năm 2045, đang có cơ hội rất lớn để trở thành đô thị tâm điểm Tây Nguyên, cửa ngõ kết nối về duyên hải miền Trung và vùng Đông Nam Bộ. Không gian đô thị của thành phố, vì thế hứa hẹn sẽ được mở rộng và tìm kiếm những tiêu chuẩn cao hơn.

Thách thức đặt ra với TP. Buôn Ma Thuột là phải làm sao sắp xếp, điều hòa được xu hướng phát triển, tăng trưởng những diện tích đô thị mới, những nhu cầu thị dân mới, với hiện trạng và lịch sử của một đô thị gắn liền sản xuất nông nghiệp tập trung và văn hóa truyền thống vùng miền đa dạng. Vấn đề quản lý, tổ chức giám sát quy hoạch đô thị của Buôn Ma Thuột vì thế rất quan trọng.

Hợp nhất giữa cũ và mới

Nhìn vào lịch sử phát triển, Buôn Ma Thuột là một đô thị rất đặc thù. Dù đã được thiết lập dáng dấp đô thị từ những năm đầu thời Pháp thuộc, nhưng mãi đến năm 1995, Buôn Ma Thuột mới trở thành thành phố, và đến năm 2010 mới được công nhận đô thị loại 1. Suốt chặng dài thời gian đó, Buôn Ma Thuột không ít lần biến động, thay đổi, tách nhập cơ sở song luôn gắn chặt với vị trí đơn vị hành chính vùng cao nguyên, tập hợp cộng đồng nông dân sản xuất nông nghiệp nông thôn mà sinh hoạt lại mang yếu tố thị dân.

Không gian đô thị Buôn Ma Thuột bởi thế vừa cố hữu, tuân thủ những nét văn hóa truyền thống, nhất là văn hóa giao thoa các dân tộc anh em, và nếp sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp chuyên canh; vừa cập nhật không ngừng những nhu cầu sinh hoạt đô thị hiện đại. Thậm chí có một khoảng thời gian, khu vực Tây Nguyên với những giá trị sản lượng nông sản đặc trưng được thị trường thu hút, đã trở thành tâm điểm dư luận với những “đại gia phố núi”, đời sống cư dân cải thiện, làm cho diện mạo đô thị Buôn Ma Thuột “lột xác” hiện đại trẻ trung hơn.

Bởi đặc thù phát triển ấy, trong định hướng tương lai, Buôn Ma Thuột cần xây dựng những khu vực đô thị mới, tăng diện tích sàn nhà ở đô thị, đạt những tiêu chuẩn quy hoạch hiện đại.

Đô thị Buôn Ma Thuột cần đầu tư xây dựng những không gian mới.

Song, yếu tố môi trường xanh, nền tảng văn hóa tinh túy Tây Nguyên, đề cao năng lực sản xuất và tôn tạo môi trường canh tác của người nông dân vẫn phải được bảo toàn. Đây là một thách thức không đơn giản, đòi hỏi các nhà quản lý phải tính toán, thiết kế những mô hình không gian đô thị mới. Quan trọng là, chính những không gian đô thị này phải thể hiện được tầm nhìn, năng lực quản lý đô thị của chính quyền, dựa trên ba mấu chốt môi trường - kinh tế - xã hội mà tỉnh Đắk Lắk xác định dài lâu.

Xây dựng những không gian mới

Qua phác họa của các nhà tư vấn kiến trúc và quy hoạch đô thị miền Trung, đầu mối đề xuất quy hoạch đô thị Buôn Ma Thuột, thành phố cao nguyên cần phải chỉnh trang những khu vực dân cư cũ, thiết kế các khu đô thị, cụm dân cư mới với những không gian đặc hữu cơ bản.

Thứ nhất, không gian sinh hoạt cộng đồng bền vững. Đây là yếu tố quan trọng với các khu đô thị mới vùng Tây Nguyên, vì mọi hoạt động, sinh hoạt của người dân hướng đến các tiêu chí sinh sống hiện đại lại đều cần gắn liền nền tảng văn hóa và đạo đức xã hội truyền thống. Không gian này phải có các khu sinh hoạt cộng đồng, hạ tầng giáo dục, y tế, dân sinh… Trong đó, cần tổ chức các không gian văn hóa truyền thống (nhà văn hóa, bảo tàng), văn hóa đọc (thư viện, câu lạc bộ giáo dục), các khu vui chơi trẻ em, thể thao cộng đồng… Đô thị Buôn Ma Thuột vì vậy cần triển khai nghiêm túc các tiêu chí về hạ tầng xã hội và văn hóa, bên cạnh các chỉ tiêu hạ tầng kỹ thuật đô thị vốn đã phải đầu tư.

Thứ hai, không gian sinh kế thị dân. Đây là nét đô thị mới phải được đề cao, với các yêu cầu đô thị hóa gắn liền điều kiện tạo dựng sinh kế làm ăn, tăng thu nhập cho người dân địa phương, hình thành các lớp thị dân mới với đời sống kinh tế ngày một tốt hơn. Không gian này gắn với phố thương mại, hạ tầng giao thương bố trí trong các khu đô thị và cụm dân cư. Đồng thời, điều kiện kết nối kho vận, đi ra ngoài, đến các khu dân cư khác… cũng phải thông thoáng và tiện lợi, định vị những chuỗi logistics giá trị cao và hội nhập kinh tế sâu sắc.

Thứ ba, không gian sinh hoạt tiện nghi hiện đại. Tiêu chí này hoàn toàn mới mẻ với các khu đô thị phải được quy hoạch đầu tư ở Buôn Ma Thuột, bởi nhu cầu sinh hoạt hiện đại, sử dụng những thành tựu công nghệ mới, số hóa trong đời sống thị dân ngày một tăng lên. Các khu đô thị mới giờ đây không chỉ phải bảo đảm cấp điện ổn định, cấp thoát nước thuận lợi, mà còn cần đầu tư những hệ thống thiết bị, hạ tầng viễn thông, công nghệ mạng số hóa… mạnh mẽ mới đủ sức thỏa mãn các nhu cầu trong đời sống của thị dân.

Rõ ràng trên nền tảng một đô thị lịch sử, tôn trọng những giá trị kinh tế, xã hội đã ổn định từ lâu, các khu vực đô thị hóa của TP. Buôn Ma Thuột phải tiến hành đầu tư, thu hút được sự quan tâm, lựa chọn đầu tư của các tầng lớp thị dân mới, nhất là giới trẻ, và lực lượng lao động trí thức từ các địa phương khác đổ về. Những cư dân đô thị mới Buôn Ma Thuột sẽ đòi hỏi những tiêu chí đô thị thực sự khác biệt, hiện đại hơn, tiêu biểu như cơ hội tham gia các không gian mạng xã hội, tiếp cận thành tựu công nghệ khoa học mới…

Đồng thời, bởi đô thị Buôn Ma Thuột luôn gắn bó sinh kế sản xuất, nên hạ tầng thương mại ở các đô thị mới cũng phải đồng nghĩa để thị dân quan tâm các giải pháp kinh doanh đầu tư, giúp bán hàng cho người nông dân sản xuất, từ đó tạo nên những khu đô thị chủ đề độc đáo, gắn cùng thương hiệu các nông sản bản địa. Điều này, ngược lại sẽ tác động, giúp định vị rõ hơn hình ảnh các khu đô thị tương lai của Buôn Ma Thuột, thực sự là những không gian sống giá trị!

Nguyên Đức


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.