Bảo tồn “kho báu” thủy tùng
Thủy tùng là loại cây rừng quý hiếm, xuất hiện hơn 10 triệu năm trước và sinh cùng thời với khủng long ở “kỷ băng hà”.
Và hơn nửa thế kỷ qua, loại cây rừng này không tự mình sinh sôi nên đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Thế nhưng, hiện nay, việc nhân giống thủy tùng bước đầu mang lại nhiều tín hiệu khả quan, góp phần vào việc bảo tồn “kho báu” cho đại ngàn Tây Nguyên.
Một gốc cây thủy tùng hơn 300 năm tuổi. |
Loài cây đứng trước nguy cơ tuyệt chủng
Hiện nay, trên phạm vi toàn thế giới thì cây thủy tùng còn rải rác ở tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) và tỉnh Khăm Muộn (Lào). Việt Nam là nước thứ 3 có thủy tùng và là nước duy nhất trên thế giới có quần thể thủy tùng tự nhiên với 162 cây; trong đó, huyện Ea H’leo 142 cây, Krông Năng 19 cây và thị xã Buôn Hồ 1 cây.
Theo TS. Trần Vinh, Quyền Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, hơn nửa thế kỷ nay, do nhiều yếu tố nên không một cây thủy tùng con nào sinh trưởng và phát triển, dẫn đến thủy tùng “vô sinh”, đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Trước đây, ở tỉnh Đắk Lắk, quần thể thủy tùng Ea Ral (ở xã Ea Ral, huyện Ea H’leo) có 219 cây; quần thể Trấp K’sơr (ở xã Ea Hồ, huyện Krông Năng) có 31 cây, 5 cây ở xã Cư Né (huyện Krông Búk) và 1 cây ở thị xã Buôn Hồ.
Theo một số nhà khoa học, gỗ thủy tùng có tác dụng hấp thu vượng khí và xua đuổi tà khí rất tốt. Bởi vậy người ta thường dùng loại cây này để tạc tượng thờ hoặc lục bình. Những vật phẩm này được cho là sẽ đem lại may mắn, bình an và thịnh vượng cho chủ nhân.
Khi biết giá trị của thủy tùng, nhiều người dân đã săn lùng loại cây này như vàng. Do đó, quần thể thủy tùng ở Cư Né với số lượng 5 cây, có độ tuổi từ 400 - 600 năm đã... “biến mất”. Trong các năm 2009 và 2010, cơn sốt thủy tùng lên cao, hàng trăm người đổ về Ea Ral săn tìm khiến loài cây này đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Do đó, hiện nay, những cây thủy tùng còn sót lại ở hai huyện Ea H’leo, Krông Năng và 1 cây ở thị xã Buôn Hồ được xem là “báu vật” vô cùng quý giá.
Các chồi cây mọc lên qua phương pháp ghép cụm chồi qua các rễ thở của cây mẹ do ông Võ Thành Tám mày mò nghiên cứu. |
Tìm cách bảo tồn “báu vật” cho mai sau
Để bảo vệ loài thực vật quý hiếm trước nguy cơ tuyệt chủng, năm 2011, UBND tỉnh đã phê duyệt dự án bảo tồn cây thủy tùng. Đến tháng 8/2012, Ban Quản lý Khu bảo tồn sinh cảnh thông nước (thủy tùng) được thành lập.
Từ khi Ban Quản lý Khu bảo tồn được thành lập, 2 quần thể thủy tùng ở huyện Ea H’leo, Krông Năng và 1 cây ở thị xã Buôn Hồ được lực lượng chức năng canh giữ, bảo vệ nghiêm ngặt. Ông Võ Thành Tám, Quyền Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn loài sinh cảnh thông nước chia sẻ: “Thời điểm thành lập Ban Quản lý cũng là thời điểm rộ về tình trạng săn lùng thủy tùng, các đối tượng lâm tặc hăm he cưa trộm. Do lực lượng ít, các cán bộ trong Ban phải kiêm nhiệm nhiều việc. Đêm đến, anh em mắc võng ngủ ngoài rừng để túc trực canh giữ 24/24 giờ. Có những cán bộ lội sình, đỉa cắn, muỗi đốt đến sốt rét cũng là thường xuyên”.
Thủy tùng hay còn gọi là thông nước (tên khoa học là Glyptostrobus pensilis) là loài thực vật có giá trị đặc biệt về kinh tế, khoa học, môi trường và là một trong 10 loài thông được ưu tiên bảo tồn, có tên ghi trong Sách đỏ Việt Nam. Hiện nay, thủy tùng có nguy cơ tuyệt chủng trong tự nhiên vì bị khai khác quá mức để làm đồ mỹ nghệ do gỗ không bị mối mọt, có màu với viền rất đẹp nên được ưa chuộng… |
Mặc dù được bảo vệ nghiêm ngặt, nhưng vào tháng 10/2017, lợi dụng mưa bão, 5 đối tượng đã lẻn vào khu vực có thủy tùng thuộc sự quản lý của Trạm quản lý Khu bảo tồn loài sinh cảnh thông nước xã Ea Rah dùng cưa tay cắt hạ phần thân trên của một cây thủy tùng 306 tuổi. Rất may, lực lượng của Trạm đã kịp thời phát hiện và bắt giữ giao các đối tượng cho công an xử lý.
Đối với công tác bảo tồn, nhân giống phát triển cây thủy tùng, ông Võ Thành Tám cho biết, hiện nay, có 3 phương pháp nhân giống thử nghiệm cây thủy tùng đang được các cá nhân, tổ chức triển khai thực hiện.
Trong đó, bản thân ông Tám tự mày mò nghiên cứu, thực hành ghép được hàng chục cụm chồi qua các rễ thở của cây mẹ. Những phần rễ xung quanh cây thủy tùng mọc nhô trên mặt nước giúp cây hô hấp, hàng chục chồi non được ghép cẩn thận, phát triển xanh tốt.
Trung tâm Lâm nghiệp nhiệt đới Gia Lai nghiên cứu thành công phương pháp ươm hom thủy tùng. Qua theo dõi, đánh giá, cây con thủy tùng được tạo ra từ giâm hom sinh trưởng và phát triển tốt trong vườn ươm. Từ cuối năm 2015, nhóm nghiên cứu đã nhân giống được khoảng 1.000 cây và đã tiến hành trồng thử nghiệm hơn 200 cây tại Đắk Lắk và Trạm thực nghiệm Lâm nghiệp Kon Hà Nừng (Gia Lai). Tuy nhiên, qua theo đánh giá, hầu hết các cây thủy tùng còn lại trong tự nhiên đều đã già cỗi, sức sinh trưởng kém, cành nhánh thưa thớt nên việc thu hái hom phù hợp cho giâm hom rất khó khăn.
Cây thủy tùng do TS.Trần Vinh ghép trên cây bụt mọc trồng tại Trạm Trấp K’sor đã có chiều cao trên 5m, đường kính từ 15 - 25cm. |
Còn TS. Trần Vinh, Quyền Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên đã nghiên cứu thành công phương pháp ghép chồi thủy tùng trên cây bụt mọc. Theo đánh giá, phương pháp ghép chồi trên cây bụt mọc của TS. Trần Vinh có tỷ lệ cây sống đạt cao, cây phát triển tốt hơn. Đến nay, sau 9 năm trồng thử nghiệm, số cây thủy tùng do TS. Trần Vinh ghép trên cây bụt mọc trồng tại Trạm Trấp K’sor đã có chiều cao trên 5m, đường kính từ 15 - 25cm
“Phương pháp nhân ghép trên cây bụt mọc đã được trồng thử nghiệm nhiều nơi tại 3 tỉnh: Đắk Lắk, Bình Phước, Lâm Đồng và cây đang phát triển tốt. Tuy nhiên, để khai thác, đánh giá chất lượng gỗ thủy tùng nhân giống với nguyên chủng thì phải cần thêm thời gian” - TS. Trần Vinh chia sẻ...
Chặng đường bảo vệ và phát triển cây thủy tùng vẫn còn rất dài và lắm gian nan. Để hoàn thành tốt sứ mệnh bảo vệ “báu vật” cho đại ngàn, các đơn vị chuyên môn mong muốn được các cấp, ngành quan tâm tạo điều kiện, bố trí thêm kinh phí để hoạt động ổn định.
Thế Hùng
Ý kiến bạn đọc